Thủ tướng: Cần chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho năm học mới

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo cần chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho năm học mới như trường, lớp học, trang thiết bị, sách giáo khoa, bảo đảm vệ sinh, an ninh, an toàn...

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025, tổ chức ngày 19-8, bà Nguyễn Thị Doan - nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đã nêu ra những điểm nghẽn mà ngành giáo dục đang phải đối mặt.

Chất lượng giáo viên là thách thức của ngành giáo dục

Theo Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan, năm học 2023-2024 là một năm học với nhiều bứt phá. Toàn ngành giáo dục đã có bứt phá về đổi mới phương pháp giáo dục, chuyển từ phương pháp truyền thụ kiến thức là chính sang tăng cường đổi mới, phát triển tư duy, năng lực của người học.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT của năm học 2023-2024 đã được tổ chức rất thành công. Lần đầu tiên, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp đạt gần 100%.

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan

Cùng với đó, số lượng và chất lượng giáo viên đã được tăng lên, quản lý giáo dục có nhiều điểm mới, công tác kiểm định, kiểm tra chất lượng giáo dục được tăng cường rõ rệt.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Doan, ngành giáo dục vẫn còn một vài điểm nghẽn rất lớn. Trong đó, ngoài điểm nghẽn về cơ sở vật chất, cơ chế chính sách và tài chính, cần nhấn mạnh đến những hạn chế về chất lượng giáo viên.

“Đội ngũ học sinh, sinh viên hiện nay thuộc thế hệ gen Z - một thế hệ đắm mình trong công nghệ. Họ ăn với công nghệ, ngủ với công nghệ, đi với công nghệ, chơi với công nghệ và sinh ra vào thời buổi mà cuộc sống không thể thiếu công nghệ”, bà Doan nói.

Trong khi đó, phần lớn thế hệ giáo viên hiện nay thuộc độ tuổi gen Y. Đây là lứa tuổi có khả năng tiếp cận khoa học công nghệ rất tốt và có khả năng bứt phá, dám đổi mới. “Thế nhưng thực tế thì họ chưa thực sự bứt phá”, bà Doan nêu quan điểm.

 Theo Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan, chất lượng giáo viên là một điểm nghẽn của ngành giáo dục. Ảnh: MOET

Theo Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan, chất lượng giáo viên là một điểm nghẽn của ngành giáo dục. Ảnh: MOET

Do vậy, theo bà Doan, đội ngũ giáo viên, người giảng dạy buộc phải nắm bắt đặc điểm, tâm lý của thế hệ gen Z thì mới có thể giảng dạy, nâng cao, phát triển năng lực của họ.

“Cần đánh giá, hiểu rõ rằng học sinh, sinh viên của chúng ta đang ở đâu, từ đó đội ngũ nhà giáo cũng cần trau dồi cho mình những khả năng phù hợp với thực tiễn và phù hợp với đối tượng mà chúng ta đang giảng dạy”, bà Doan nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan, áp lực thành tích vẫn đè nặng lên thầy trò và phụ huynh học sinh. Vẫn còn tình trạng áp dụng văn mẫu, học thuộc lòng… làm hạn chế và thui chột tư duy sáng tạo của học sinh, sinh viên.

Cùng với đó, đời sống giáo viên còn gặp nhiều khó khăn. Do những khó khăn này, nhiều thầy cô giáo không có thời gian để đọc và tự học, tự khai phóng bản thân vì phải tìm cách trang trải cuộc sống. Trong khi đó, việc đọc và tự học là điều cực kỳ quan trọng trong quá trình hành nghề.

“Mặc dù đã có nhiều cơ chế, chính sách liên quan, nhưng vấn đề này vẫn chưa được giải quyết”, bà Doan nói.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, chất lượng giáo viên vẫn là một thách thức rất lớn của ngành giáo dục. Do vậy, để phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của cả nước, đẩy mạnh đào tạo nghề, thì rất cần nâng cao chất lượng giáo viên, vì người thầy là chìa khóa.

Đây là một bài toán rất khó, lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc, chung tay của nhiều bộ, ngành. Địa phương cần đầu tư cho giáo viên đi học, bồi dưỡng, bản thân giáo viên cũng cần tự học, tự khai phóng rất nhiều.

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan

Thẳng thắn nhìn vào tồn tại, hạn chế

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh ngoài những kết quả đã đạt được của ngành giáo dục, cần thẳng thắn nhìn vào những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức.

Theo Thủ tướng, hiện vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên cục bộ. Chất lượng giáo viên chưa đồng đều, đặc biệt là giáo viên thời đại số, thời đại 4.0. Chính sách, chế độ đãi ngộ còn bất cập, chưa hấp dẫn, khó thu hút, giữ chân đội ngũ giáo viên, nhất là ở các thành phố lớn hoặc các địa bàn khó khăn.

Ngoài ra, việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ở một số địa phương chưa phù hợp; điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.

Chất lượng đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trình độ cao, những ngành nghề, lĩnh vực công nghệ cao. Quy mô đào tạo trình độ đại học các ngành khoa học cơ bản, khoa học xã hội, văn hóa nghệ thuật và nông nghiệp vẫn còn thấp.

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: MOET

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: MOET

Trước thềm năm học 2024-2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo cần chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho năm học mới: Trường, lớp học, trang thiết bị, sách giáo khoa, bảo đảm vệ sinh, an ninh, an toàn. Đặc biệt, cần nâng cao chất lượng giáo viên ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Bộ GD&ĐT tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách về đổi mới giáo dục và đào tạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục; tập trung xây dựng dự án Luật Nhà giáo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.

Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với ngũ giáo viên, phù hợp hài hòa với hoàn cảnh đất nước, với các ngành khác; thực hiện việc tuyển dụng, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên theo biên chế được giao, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên của các cơ sở giáo dục.

Năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì, cùng các bộ, cơ quan, địa phương chuẩn bị thật kỹ để tổ chức kỳ thi bảo đảm chất lượng, an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, thiết thực, gọn nhẹ, giảm áp lực, tạo thuận lợi nhất cho học sinh.

“Chúng ta cần xác định rõ và tổ chức thực hiện hiệu quả phương châm: Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể - Thầy Cô giáo là động lực - Nhà trường làm bệ đỡ - Gia đình là điểm tựa - Xã hội là nền tảng”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Phát biểu bế mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm học 2024-2025, cùng với cả nước, ngành giáo dục tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ lớn được giao, tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo.

Năm học mới với tinh thần đề cao kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng, toàn ngành giáo dục sẽ ra sức phấn đấu để hoàn thành tốt hơn và hoàn thành tốt nhất các mục tiêu đề ra.

Trong đó, ngành giáo dục sẽ triển khai ngay nội dung Kết luận 91 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29 của Trung ương; hoàn thành tổ chức triển khai hiệu quả chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và tổ chức đánh giá toàn bộ quá trình thực hiện thời gian qua.

Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường tự chủ đại học theo hướng ngày càng chất lượng, chiều sâu, thực tế, thực chất, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; trong đó ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, kỹ thuật cao, bao gồm ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.

Trong tháng 8-2024, Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thành Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch khắc phục những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, cố gắng vượt qua những thách thức, hướng tới một năm học có kết quả tốt hơn nữa.

NGUYỄN QUYÊN - THANH THANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/thu-tuong-can-chuan-bi-chu-dao-cac-dieu-kien-cho-nam-hoc-moi-post805952.html