Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Đủ tự tin, đủ điều kiện, đủ năng lực để tăng trưởng 8% trở lên

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định: Chúng ta thấy có đủ tự tin, đủ điều kiện, đủ năng lực để quyết tâm đạt tăng trưởng 8% trở lên, tạo đà, tạo thế, tạo lực cho tăng trưởng 2 con số trong những năm tới.

Quyết tâm đạt tăng trưởng 8% trở lên, tạo lực cho tăng trưởng 2 con số

Theo đó, phát biểu kết luận Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế (sáng 21/2), đặt vấn đề "chúng ta có có khả năng để làm, có tự tin để làm và có dám làm không" trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% trong năm 2025 và tăng trưởng 2 con số trong những năm tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc lại, sau gần 40 năm Đổi mới, đi lên từ nghèo khó, đổ nát của chiến tranh, bị bao vây, cấm vận, từ "đáy giếng và chân tường", đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo.

Từ năm 2021 đến nay, mặc dù tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, trong khi Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, độ mở cao, quy mô còn khiêm tốn, sức chống chịu và khả năng thích ứng còn hạn chế... nhưng đã thành công trong phòng, chống đại dịch COVID-19, khắc phục tốt hậu quả đại dịch, chuyển đổi trạng thái nhanh so với nhiều nước, đối phó hiệu quả với tình hình xung đột làm đứt gãy các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng và thiên tai, bão lũ, nhất là cơn bão lớn Yagi gần đây.

Đồng thời, đạt tăng trưởng hơn 7% trong năm 2024, đồng thời dành nguồn lực rất lớn cho an sinh xã hội, thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng nâng lên; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh, đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập.

Thủ tướng nhận định: Qua đó, chúng ta thấy có đủ tự tin, đủ điều kiện, đủ năng lực để quyết tâm đạt tăng trưởng 8% trở lên, tạo đà, tạo thế, tạo lực cho tăng trưởng 2 con số trong những năm tới.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phát huy các vùng động lực tăng trưởng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phát huy các vùng động lực tăng trưởng.

Thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phát huy các vùng động lực tăng trưởng gồm Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng (12 địa phương trong 2 vùng này đóng góp 60% GDP cả nước), các cực tăng trưởng, như Hà Nội và TPHCM (Hà Nội đóng góp 13,2% GDP, 25% thu ngân sách của cả nước, TPHCM đóng góp 17,9%, 25% thu ngân sách cả nước).

Đồng thời, không bỏ quên những vùng khó khăn hơn, 4 vùng còn lại phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để đi lên. Thủ tướng lấy ví dụ, lợi thế của Tây Nam Bộ là lúa gạo, thủy hải sản; miền núi phía Bắc là rừng; duyên hải miền Trung là biển, Tây Nguyên là các cây công nghiệp. Phân tích thêm về phát triển kinh tế nông nghiệp, Thủ tướng cho rằng phải ổn định thị trường, nâng cao chất lượng, giữ vững chữ tín, nhất là trong lúc khó khăn.

Đẩy mạnh đầu tư công, sớm hoàn thành các công trình trọng điểm

Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trước hết là tiếp tục thực hiện quyết liệt, bài bản, đồng bộ, vận dụng sáng tạo, hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

 Các đại biểu dự Hội nghị.

Các đại biểu dự Hội nghị.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện thể chế là "đột phá của đột phá" và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật; bảo đảm tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số.

Thứ ba, tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư. Trong đó, tổng số vốn đầu tư công 2025 là 826.000 tỷ đồng, đã phân bổ 741.100 tỷ đồng, còn lại chưa phân bổ 84.800 tỷ đồng, Thủ tướng yêu cầu dứt khoát phải phân bổ ngay trong quý I/2025, nếu chưa xong thì kiên quyết thu hồi, điều chuyển cho nơi khác.

Tập trung thực hiện, sớm hoàn thành các công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia. Phấn đấu vượt mục tiêu 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển vào cuối năm 2025. Cơ bản hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các cảng khu vực Lạch Huyện, đưa vào khai thác nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, T2 Nội Bài; khởi công xây dựng bến cảng Liên Chiểu… Khẩn trương khởi động các dự án lớn, trọng điểm, như điện hạt nhân, đường sắt tốc độ cao Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng… Tập trung triển khai các dự án khai thác không gian phát triển mới (không gian ngầm, không gian biển, không gian vũ trụ).

 Hội nghị được tổ chức trực tuyến.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến.

Thiết lập gói tín dụng hỗ trợ người trẻ mua nhà

Thứ tư, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay, xử lý nghiêm các ngân hàng không chấp hành sự quản lý, chỉ đạo của NHNN; thiết lập gói tín dụng hỗ trợ người trẻ (dưới 35 tuổi) mua nhà; thúc đẩy mạnh tín dụng nhà ở xã hội.

Thứ năm, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỉ lệ giải ngân năm 2025 đạt tối thiểu 95%. Phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động của 7 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, 26 đoàn công tác của Thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương và Tổ công tác đặc biệt của các địa phương để kịp thời chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Thứ sáu, bảo đảm an sinh xã hội, tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao đời sống nhân dân, "không để ai bị bỏ lại phía sau", triển khai tốt phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát và chương trình xây dựng nhà ở xã hội.

Thứ bảy, giữ gìn môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; tăng cường phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là ở cơ sở.

Thứ tám, củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Thứ chín, tăng cường công tác thông tin, truyền thông; chú trọng truyền thông chính sách, thông tin chuyên đề, thông tin vĩ mô, đưa tin, nhân rộng những mô hình tốt, cách làm hay, gương điển hình, tiên tiến, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, góp phần tạo đồng thuận xã hội trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Thứ mười, Bộ Nội vụ nghiên cứu, đề xuất Hội đồng Thi đua khen thưởng-Trung ương về phong trào thi đua tăng trưởng...

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thu-tuong-chinh-phu-pham-minh-chinh-du-tu-tin-du-dieu-kien-du-nang-luc-de-tang-truong-8-tro-len-post335493.html