Thủ tướng: Làm chủ công nghệ điện gió ngoài khơi, đưa Việt Nam thành trung tâm năng lượng tái tạo thế giới

Việt Nam cấp thiết làm chủ công nghệ điện gió ngoài khơi để phát triển ngành năng lượng tái tạo, trở thành trung tâm năng lượng thế giới và thúc đẩy chuyển đổi xanh bền vững.

Tại chuỗi sự kiện quan trọng diễn ra tối ngày 1/12 tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, nhằm đưa Việt Nam trở thành trung tâm năng lượng tái tạo tầm cỡ thế giới. Đây không chỉ là yêu cầu chiến lược mà còn là định hướng mang tính sống còn để đất nước chuyển đổi xanh, phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định tầm quan trọng của việc phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, nhằm đưa Việt Nam trở thành trung tâm năng lượng tái tạo tầm cỡ thế giới

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định tầm quan trọng của việc phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, nhằm đưa Việt Nam trở thành trung tâm năng lượng tái tạo tầm cỡ thế giới

Chuỗi sự kiện quy mô lớn này là dấu mốc quan trọng đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC). Với sự hiện diện của nhiều lãnh đạo cấp cao, các sự kiện bao gồm lễ hạ thủy và bàn giao 33 chân đế điện gió ngoài khơi dự án Greater Changhua (CHW2204) cho nhà đầu tư Orsted (Đan Mạch), lễ khởi công chế tạo 4 trạm biến áp ngoài khơi (OSS) cho dự án điện gió Baltica 2 tại biển Baltic, và nhiều hoạt động quan trọng khác.

Lần đầu tiên, Việt Nam xuất khẩu các thiết bị điện gió ngoài khơi với giá trị cao, đưa tên tuổi Việt Nam lên bản đồ năng lượng tái tạo toàn cầu. Dự án CHW2204 bao gồm 33 chân đế, mỗi chân đế cao 85m và nặng 2.300 tấn, tạo ra hơn 3.000 việc làm cho PTSC, đồng thời hợp tác với gần 100 nhà cung cấp trong nước.

Bên cạnh đó, dự án điện gió Baltica 2 tại biển Baltic là một trong những dự án điện gió lớn nhất thế giới. Việc chế tạo và xuất khẩu trạm biến áp ngoài khơi sang châu Âu đánh dấu cột mốc quan trọng, khẳng định năng lực vượt trội của doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực đầy tiềm năng này.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Petrovietnam và PTSC đã chuyển mình mạnh mẽ, không chỉ duy trì vị thế trong lĩnh vực dầu khí truyền thống mà còn tiên phong trong năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Ông nhấn mạnh, việc làm chủ công nghệ trong lĩnh vực này là yếu tố quyết định để hiện thực hóa tầm nhìn đưa Việt Nam trở thành trung tâm năng lượng tái tạo mang tầm vóc thế giới.

Thủ tướng tham quan và làm việc tại Trung tâm công nghiệp năng lượng và hậu cần kỹ thuật PTSC - Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng tham quan và làm việc tại Trung tâm công nghiệp năng lượng và hậu cần kỹ thuật PTSC - Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng yêu cầu Petrovietnam không chỉ tập trung vào chuyển giao công nghệ mà còn phải làm chủ toàn bộ quy trình từ thiết kế, sản xuất, đến vận hành các thiết bị điện gió như turbin, chân đế, và trạm biến áp. Đồng thời, cần đầu tư mạnh mẽ vào đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị, phát triển hạ tầng kỹ thuật, và xây dựng các chính sách phù hợp để hỗ trợ ngành công nghiệp này phát triển.

Phát triển xanh, chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn được Thủ tướng nhấn mạnh là xu thế tất yếu, phù hợp với tiềm năng và lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Ông cho rằng ngành năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, có vai trò then chốt trong chiến lược phát triển bền vững, đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam tại COP26.

Theo định hướng này, Petrovietnam đã điều chỉnh chiến lược phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu tăng tổng công suất đặt đạt 8.000-14.000 MW và tỉ trọng năng lượng tái tạo chiếm từ 5-10% tổng công suất đặt vào năm 2030. Đến năm 2045, tỉ trọng năng lượng tái tạo sẽ tăng lên 10-20%.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Việc các đối tác lớn như Orsted đánh giá cao năng lực của PTSC cho thấy vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo toàn cầu ngày càng được củng cố. Ông kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng hợp tác với các tập đoàn quốc tế trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ," tận dụng tối đa cơ hội để học hỏi và làm chủ công nghệ.

Thủ tướng chúc mừng và ghi nhận nỗ lực rất lớn cùng những bước tiến vượt bậc của Petrovietnam và PTSC trong việc triển khai các dự án dầu khí chiến lược và các dự án năng lượng tái tạo - Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng chúc mừng và ghi nhận nỗ lực rất lớn cùng những bước tiến vượt bậc của Petrovietnam và PTSC trong việc triển khai các dự án dầu khí chiến lược và các dự án năng lượng tái tạo - Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng đề xuất các giải pháp cụ thể để đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi, từ việc xây dựng chính sách ưu đãi đến đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo trong sản xuất và quản lý.

Chuỗi dự án lớn như điện khí Lô B - Ô Môn và mỏ dầu Lạc Đà Vàng đã minh chứng cho quyết tâm đổi mới và phát triển của Petrovietnam. Các dự án này không chỉ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia mà còn tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.

Thủ tướng đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cả nước đạt 8% trong năm 2025 và duy trì tốc độ tăng trưởng hai con số trong các năm tiếp theo, và kỳ vọng Petrovietnam cùng PTSC sẽ tiếp tục bứt phá, đạt tốc độ tăng trưởng gấp đôi trong những năm tới, từ đó đóng góp vào sự thịnh vượng chung của đất nước.

Với những thành tựu đạt được, Petrovietnam đang dần khẳng định vai trò đầu tàu trong ngành công nghiệp năng lượng của Việt Nam. Chuỗi sự kiện tại Bà Rịa - Vũng Tàu không chỉ là bước tiến quan trọng trong hành trình phát triển mà còn là dấu mốc để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục vươn xa trên thị trường quốc tế.

Thủ tướng chứng kiến lễ ký hợp đồng chế tạo và cung cấp chân đế điện gió ngoài khơi cho các khách hàng quốc tế tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương - Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng chứng kiến lễ ký hợp đồng chế tạo và cung cấp chân đế điện gió ngoài khơi cho các khách hàng quốc tế tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương - Ảnh: Nhật Bắc

"Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy và tầm nhìn, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới và sáng tạo", thủ tướng nhấn mạnh. Thông qua việc phát triển ngành điện gió ngoài khơi, Việt Nam không chỉ củng cố vị thế trong khu vực mà còn khẳng định vai trò trên trường quốc tế, đưa đất nước từng bước tiến lên con đường hiện đại hóa, giàu mạnh và bền vững.

Thanh Ngân

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/thu-tuong-lam-chu-cong-nghe-dien-gio-ngoai-khoi-dua-viet-nam-thanh-trung-tam-nang-luong-tai-tao-the-gioi-314884.html