Thủ tướng: Ngành logistics Việt Nam phải tăng trưởng 20% mỗi năm
Ngày 2/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự phiên toàn thể Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2024 (VLF 2024) được tổ chức tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
Đây là diễn đàn được Bộ Công Thương tổ chức hằng năm từ năm 2013 đến nay. Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 nhằm thúc đẩy doanh nghiệp logistics ứng dụng công nghệ tiến bộ, hiện đại trong việc vận hành chuỗi cung ứng; tìm giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và khu vực Đông Nam Bộ. Đặc biệt, tạo môi trường để liên kết giữa các doanh nghiệp logistics, các nhà đầu tư và các cơ quan quản lý nhằm phát triển logistics Việt Nam.
Với chủ đề "Khu thương mại tự do, giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics", diễn đàn năm nay muốn lan tỏa thông điệp về việc Việt Nam khuyến khích, thu hút phát triển các khu thương mại tự do, nhằm đưa Việt Nam thành quốc gia mạnh về logistics, góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Việt Nam xếp hạng thuộc nhóm 5 thị trường logistics dẫn đầu ASEAN
Phát biểu tại phiên toàn thể của diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số kết quả, thành tựu phát triển ngành logistics Việt Nam thời gian qua, trước hết là nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của ngành logistics, về vị trí Việt Nam trên bản đồ logistics thế giới, khả năng đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics thế giới.
Nhiều chỉ số xếp hạng quốc tế về logistics của Việt Nam được cải thiện. Năm 2023, Chỉ số hiệu quả logistics của Việt Nam xếp 43/139 (xếp hạng của World Bank), các chỉ số thành phần về hiệu quả vận chuyển quốc tế, hạ tầng và hiệu quả hải quan được cải thiện. Đặc biệt, Việt Nam đã được xếp hạng thuộc nhóm 5 thị trường dẫn đầu ASEAN.
Cùng với đó, khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách ngành này được tiếp tục hoàn thiện; cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành đạt kết quả tích cực, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Cũng theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, hiện nay, hạ tầng logistics Việt Nam phát triển nhanh với nhiều công trình lớn, hiện đại, thúc đẩy cơ cấu hợp lý, kết nối hài hòa các phương thức vận tải, giảm chi phí. Trong đó, hạ tầng đường bộ có nhiều đột phá, hệ thống đường cao tốc đã đạt trên 2.000 km. Việt Nam cũng đang quyết tâm xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, kết nối đường sắt với Lào, Trung Quốc.
Hệ thống sân bay phát triển tương đối tốt. Năng lực đường thủy nội địa được nâng cao với 298 cảng nội địa; hình thành các cảng biển cửa ngõ, bến chuyên dùng gắn với khu công nghiệp trung tâm công nghiệp (có 286 bến cảng, 95 km cầu cảng, 25 tuyến quốc tế…); hoàn thiện khu xử lý hàng hóa riêng biệt tại các cảng hàng không; đẩy mạnh đầu tư các trung tâm logistics (hiện có 69 trung tâm lớn và vừa), chuyển mạnh sang trung tâm thế hệ mới ứng dụng công nghệ 4.0…
Số doanh nghiệp logistics cũng tiếp tục gia tăng, đi vào hiện đại, khả năng cạnh tranh ngày càng cao. Năm 2023, có 7.919 doanh nghiệp logistics thành lập mới. Đáng chú ý, Việt Nam đứng đầu ASEAN về số doanh nghiệp được cấp phép vận chuyển đường biển đi và đến Hoa Kỳ.
"Logistics phát triển theo xu hướng tích cực hơn với các phương thức vận tải đa dạng, giảm dần phụ thuộc vào vận tải bằng đường bộ. Phát triển nhân lực logistics được đẩy mạnh, hiện nay đã tập trung phát triển 3 cấp độ đào tạo: đại học và trên đại học; cao đẳng, trung cấp; đào tạo ngắn hạn và hiện đã có 49 trường đại học có ngành học logistics," Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại liên quan tới nhận thức về ngành logistics và tiềm năng, vị trí của Việt Nam trong lĩnh vực này.
"Chí phí logistics còn cao, làm giảm năng lực cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế. Quy mô của ngành so với quy mô GDP Việt Nam và quy mô ngành logistics toàn cầu còn hạn chế. Nguồn nhân lực còn yếu và thiếu; doanh nghiệp phát triển chưa mạnh, chưa có cơ chế để phát triển; mối liên kết giữa các phương thức vận tải với kho bãi còn hạn chế; hạ tầng logistics còn lạc hậu," Thủ tướng nhận định.
3 mục tiêu, 7 giải pháp phát triển ngành logistics Việt Nam
Trong bối cảnh thương mại quốc tế ngày một phát triển mạnh mẽ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề ra 3 mục tiêu phát triển ngành logistics, góp phần phục vụ mục tiêu lớn phát triển đất nước, bao gồm: giảm chi phí logistics so với GDP Việt Nam từ 18% xuống còn 15% trong năm 2025;
Nâng tỷ trọng ngành logistics Việt Nam trong quy mô GDP từ 10% lên 15% và phấn đấu đạt 20%, đồng thời nâng tỷ trọng của ngành logistics Việt Nam so với quy mô ngành logistics toàn cầu từ 0,4% lên 0,5% và phấn đấu đạt 0,6%;
Đặc biệt, nâng tốc độ tăng trưởng của ngành logistics Việt Nam từ 14-15% mỗi năm hiện nay lên 20%.
Cùng với đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh 7 giải pháp để thực hiện 3 mục tiêu đã đề ra, góp phần đưa tăng trưởng kinh tế đất nước đạt mức 2 con số mỗi năm trong những năm tới.
Cụ thể, nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của ngành logistics và vị trí Việt Nam ở trung tâm khu vực châu Á - Thái Bình Dương để khai thác, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh trong chuỗi logistics thế giới.
Tạo đột phá thể chế theo hướng thông thoáng để phát triển ngành xứng tầm, với quan điểm "thể chế là nút thắt của nút thắt", là "đột phá của đột phá".
Xây dựng hạ tầng logistics hiện đại, thông suốt để giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, đặc biệt là phát triển ngành hàng không, hàng hải và đường sắt tốc độ cao.
Xây dựng quản trị thông minh và đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành logistics.
Đẩy mạnh hội nhập, ngoại giao logistics và hiện đại hóa ngành logistics nội địa.
Xây dựng và phát triển quốc gia thương mại tự do, đồng thời quản lý hiệu quả, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển.
Kết nối chặt chẽ giữa các phương thức giao thông (hàng không, hàng hải, đường sắt, đường bộ và đường thủy nội địa) và kết nối với giao thông quốc tế, với các khu thương mại tự do của thế giới.
"Tôi mong muốn và tin tưởng rằng, sau những bước đi ban đầu với những thành tựu, tiền đề rất quan trọng, với sự quyết tâm và vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, cùng với đà tăng tốc, bứt phá, tâm thế mới, tư duy mới trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, ngành logistics Việt Nam hiện đang độ tuổi 'thanh niên' sẽ tự tin, phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh nhiều trung tâm dịch vụ logistics chất lượng cao gắn với các khu thương mại tự do. Trong đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phải đi đầu trong quá trình này, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc".
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Thủ tướng yêu cầu trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, các cơ quan, địa phương tích cực, chủ động triển khai các giải pháp theo 7 đột phá nói trên. Trong đó, Bộ Công Thương chủ trì, cùng các Bộ, ngành xây dựng chiến lược phát triển ngành logistics, đề án phát triển quốc gia thương mại tự do, phát triển các khu thương mại tự do ở biên giới.
"Trung ương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát; địa phương tăng cường tính tự lực, tự cường, tính chủ động, 'địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm', hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển.
Chính phủ sẽ tiếp tục phát huy vai trò kiến tạo, tập trung xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, thể chế, cơ chế, chính sách, tạo môi trường thông thoáng cho sự phát triển, thiết kế công cụ huy động nguồn lực, giám sát, kiểm tra," Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng đề nghị các đối tác, doanh nghiệp nâng cao tính chủ động, sáng tạo, tham gia góp ý chính sách, xây dựng và hoàn thiện thể chế với tinh thần "tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo", giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội.
"Đề nghị các bạn bè, đối tác quốc tế cùng Việt Nam tiếp tục xây dựng mối quan hệ thật tốt, Việt Nam kiên trì, kiên định thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì mục tiêu hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển," Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.