TP HCM chốt ngày khởi công cầu 1.000 tỷ đồng biểu tượng đặc trưng của miền Nam
UBND TP HCM thống nhất thời điểm khởi công xây dựng cầu đi bộ qua sông Sài Gòn vào ngày 29/3. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác vào năm 2027.
Văn phòng UBND TP HCM vừa thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường về tiến độ các công trình dự kiến khởi công và hoàn thành vào dịp 30/4.
![Phối cảnh cầu đi bộ hình lá dừa nước bắc qua sông Sài Gòn - Ảnh: Liên danh tư vấn](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_197_51457580/8e1439900edee780becf.jpg)
Phối cảnh cầu đi bộ hình lá dừa nước bắc qua sông Sài Gòn - Ảnh: Liên danh tư vấn
Theo đó, lãnh đạo UBND TP HCM thống nhất thời điểm khởi công xây dựng cầu đi bộ qua sông Sài Gòn vào ngày 29/3.
Cụ thể, chấp thuận chủ trương sử dụng một phần Công viên Bến Bạch Đằng (quận 1) và công viên bờ sông trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) để phục vụ xây dựng, với yêu cầu hạn chế tối đa diện tích chiếm dụng.
UBND quận 1, UBND TP Thủ Đức và Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị Thủ Thiêm được giao nhiệm vụ phối hợp, bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư triển khai thi công theo đúng quy định.
Về phía Công ty Cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood (nhà tài trợ) có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý mặt bằng thi công, hoàn trả các hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng trong quá trình xây dựng và bàn giao lại cho thành phố sau khi công trình hoàn thành. Vị trí dự kiến xây cầu đi bộ qua sông Sài Gòn.
Lãnh đạo UBND TP HCM giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các đơn vị liên quan đề xuất phương án đầu tư hạng mục mái che và hệ thống chiếu sáng mỹ thuật cho cầu đi bộ, dự kiến hoàn thành trong tháng 2/2025. Đồng thời, TP HCM sẽ thành lập tổ công tác thực hiện dự án xây dựng cầu đi bộ qua sông Sài Gòn, Giám đốc Sở GTVT TP HCM Trần Quang Lâm làm tổ trưởng.
Dự án cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn được thiết kế theo hình tượng lá dừa nước - biểu tượng đặc trưng của miền Nam. Toàn bộ kinh phí đầu tư dự án khoảng 1.000 tỷ đồng do doanh nghiệp tài trợ.
Công trình dài khoảng 261 m, trong đó nhịp chính vòm treo dây văng dài 187 m, dầm thép và mặt cắt ngang thay đổi từ 7 đến 11 m. Cầu sẽ nối từ cầu bến số 2 của Công viên Bến Bạch Đằng (quận 1) đến công viên bờ sông thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức).
Cầu được thiết kế với một làn riêng dành cho xe đạp, đồng thời có thể chịu được tải trọng của xe cứu thương tối đa 3 tấn. Hai bên cầu là dải đường dành cho người đi bộ, khách tham quan, chụp ảnh và nghỉ ngơi. Giữa làn xe đạp và làn đi bộ là dải phân cách mềm, có thể tháo lắp linh hoạt để chuyển đổi công năng, phục vụ tổ chức các sự kiện cộng đồng.
Ngoài hệ thống chiếu sáng hiện đại, cầu còn được trang bị mái che, hệ thống thoát nước và nhiều tiện ích khác nhằm đảm bảo sự an toàn, thuận tiện cho người dân.
Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác vào năm 2027. Khi đi vào hoạt động, cầu đi bộ không chỉ tạo thêm một điểm nhấn kiến trúc cho trung tâm TP HCM, mà còn góp phần thúc đẩy du lịch, kết nối các khu vực trung tâm với Khu đô thị mới Thủ Thiêm.