Thủ tướng: Nghiên cứu gia tăng giá trị đất đai, tính tổng thể, bao trùm, toàn diện

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các chính sách đất đai phải nghiên cứu gia tăng giá trị của đất đai, có tính tổng thể, bao trùm toàn diện liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực.

Sáng 10/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022; 1 năm thực hiện Luật Đất đai năm 2024 và đề xuất điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nêu bật các kết quả đạt được 03 năm thực hiện Nghị quyết số 18 và 01 năm thực hiện Luật Đất đai năm 2024. Chính sách, pháp luật về đất đai từng bước đi vào cuộc sống, khắc phục các khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững của đất nước; củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị

Tuy nhiên, thực tế còn bộc lộ khó khăn, vướng mắc như nhận thức về sở hữu toàn dân về đất đai. Quy hoạch sử dụng đất giữa các ngành, lĩnh vực chưa đồng bộ, thiếu cơ chế xử lý khi có sự chồng chéo, thiếu cơ chế xử lý đối với các dự án đặc thù, cấp bách nhưng chưa có trong quy hoạch.

Cơ chế giao đất, cho thuê đất, chủ yếu thông qua đấu giá đấu thầu, làm kéo dài thời gian tiếp cận đất đai, giảm tính chủ động và hạn chế trong thu hút đầu tư. Việc mở rộng áp dụng hình thức thuê đất trả tiền hàng năm gây khó khăn cho nhà đầu tư trong hạch toán kinh doanh, huy động tài chính, đặc biệt với các dự án thuộc lĩnh vực thu hút nguồn lực xã hội hóa.

Bộ trưởng cũng cho rằng, thu hồi đất còn thiếu quy định đối với các dự án có yêu cầu đặc thù về địa điểm đầu tư, dự án xây dựng khẩn cấp, cấp bách phục vụ cho nhiệm vụ chính trị, đối ngoại. Nguyên tắc phải hoàn thành, bố trí tái định cư trước khi thu hồi đất gây khó khăn cho một số loại dự án, thiếu cơ chế can thiệp của Nhà nước để hỗ trợ xử lý đối với trường hợp nhà đầu tư đã thỏa thuận được phần lớn diện tích thực hiện dự án, dẫn đến chậm tiến độ và phát sinh dự án treo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nêu rõ: "Việc định giá đất của Nhà nước tại thị trường sơ cấp lại phụ thuộc vào giá đất tại thị trường thứ cấp và kết quả của đơn vị tư vấn, thẩm định giá, dẫn đến không phản ánh đúng bản chất của giá đất trên thị trường sơ cấp và thứ cấp, chưa phát huy đầy đủ vai trò quyết định và điều tiết của Nhà nước đối với giá đất. Một số chính sách tài chính đất đai theo tinh thần Nghị quyết chưa được thể chế hóa đầy đủ, ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác nguồn lực đất đai. Ngoài ra, cũng có một số ý kiến đề nghị nghiên cứu thêm về việc cho phép người nước ngoài được tiếp cận quyền sử dụng đất Việt Nam".

Tại Hội nghị, đại diện các địa phương nêu thực tế 03 năm thực hiện Nghị quyết số 18 của Trung ương và 01 năm thực hiện Luật Đất đai năm 2024. Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được cho rằng, qua thực tế thực hiện quy định xây dựng bảng giá đất sát với thị trường còn bất cập, ảnh hưởng đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị

Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được nói: "Khi xây dựng bảng giá đất có chỗ 100%, có chỗ 80%, đặc biệt thành phố lớn. Nhưng liên quan đến khi chuyển mục đích sử dụng đất thì phải đóng nghĩa vụ. Hiện nay tỷ lệ đóng nghĩa vụ là 100%. Nếu tổ chức thì không vấn đề gì, nhưng mà người dân thì vượt tầm khả năng họ đóng. Tôi đề nghị nghiên cứu sắp tới nếu đối tượng gia đình, cá nhân thì có thể hạ tỷ lệ chuyển mục đích sử dụng đất để họ có thể đảm bảo được nguồn tài chính để chuyển mục đích sử đụng đất, đóng để xây nhà ở cho hộ gia đình, cá nhân. Tôi kiến nghị lần này giảm tỷ lệ đóng góp, thay vì 100% thì có thể giảm 20%, 50% để khả thi, trong tầm khả năng của người dân".

Đại diện Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng đề xuất cấp xã lập kế hoạch sử dụng đất làm căn cứ và trên cơ sở chỉ tiêu phân bổ để thực hiện, như vậy sẽ linh hoạt và triển khai kịp thời tránh manh mún, phát sinh thủ tục hành chính và kinh phí khi thực hiện quy hoạch sử dụng đất cấp xã.

Đại diện Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai về căn cứ giao đất, cho thuê đất. Nếu chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, không phải là đất ở thì người sử dụng đất được lựa chọn hình thức giao đất có thu tiền hoặc hình thức cho thuê đất.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy

Đại diện các tỉnh, thành phố cũng nhất trí với việc giữ hơn 3,5 triệu ha đất đất trồng lúa nhằm đảm bảo an ninh lương, cân đối tiêu dùng trong nước, xuất khẩu, chế biến, dự phòng luân chuyển. Tuy nhiên cần có giải pháp đồng bộ, hợp lý để vừa giữ đất lúa, vừa bảo đảm thu nhập cao hơn cho người trồng lúa.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết số 18 của Trung ương và 1 năm thực hiện Luật Đất đai năm 2024, là nhiệm vụ rất quan trọng và cấp bách đòi hỏi phải thực hiện trong một thời gian ngắn nhưng phải đảm bảo yêu cầu về mặt chất lượng để tháo gỡ các vướng mắc và điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết số 18 và làm cơ sở sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2024.

Nhất trí và đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng cho rằng, quá trình sửa đổi, bổ sung cần kiên trì, kiên định, bình tĩnh, không cầu toàn, không nóng vội; nghiên cứu cho phù hợp, linh hoạt với tình hình mới; lắng nghe đầy đủ ý kiến, cầu thị tiếp thu ý kiến các nhà khoa học, nhà chuyên môn, người dân, doanh nghiệp.

Các đại biểu dự Hội nghị

Các đại biểu dự Hội nghị

Thống nhất sự cần thiết điều chỉnh, bổ sung một số quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 18 làm cơ sở để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai đáp ứng với yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.

Thủ tướng đề nghị thống nhất quan điểm: "Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý"; "Quyền sử dụng đất là yếu tố đầu vào quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội". Vì vậy chính sách đất đai phải nghiên cứu gia tăng giá trị đất đai, có tính tổng thể, bao trùm toàn diện liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực.

Thủ tướng đề nghị điều chỉnh, bổ sung một số nhiệm vụ, giải pháp về tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý, sử dụng đất, trong đó bổ sung các giải pháp về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Ưu tiên bố trí quỹ đất cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, công nghiệp, dịch vụ, phát triển đô thị; duy trì hợp lý diện tích đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, chuyển đổi diện tích đất trồng lúa hiệu quả thấp sang sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi khác hoặc mục đích sử dụng khác để phát huy cao nhất hiệu quả sử dụng đất.

Các đại biểu dự Hội nghị

Các đại biểu dự Hội nghị

Thủ tướng cũng đề nghị bổ sung giải pháp về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Áp dụng linh hoạt các phương thức tiếp cận đất đai khi thực hiện giao đất, cho thuê đất phù hợp với loại hình, tính chất, quy mô, địa bàn. Điều chỉnh, bổ sung giải pháp về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Điều chỉnh, bổ sung giải pháp về giá đất, tài chính đất đai và nghiên cứu các phương án quy định về vấn đề về đất đai có yếu tố nước ngoài.

Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Văn phòng Chính phủ khẩn trương tiếp thu các ý kiến góp ý và kết luận để hoàn thiện các tài liệu dự thảo Báo cáo, Tờ trình để trình Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến để điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết số 18 và làm cơ sở sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2024.

Lại Hoa/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-nghien-cuu-gia-tang-gia-tri-dat-dai-tinh-tong-the-bao-trum-toan-dien-post1213721.vov