TPHCM còn bao nhiêu chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm chưa được di dời?
Ngày 10/7, Sở Xây dựng TPHCM cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975, trong đó có 16 chung cư có kết quả kiểm định cấp D (hư hỏng nặng, nguy hiểm) cần di dời, tháo dỡ để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của cư dân.

Người dân sống tại chung cư xuống cấp
Trong số này, có 9/16 chung cư đã hoàn tất di dời với 543 hộ dân; 3/16 chung cư di dời dở dang với 150/386 hộ dân gồm: chung cư 11 Võ Văn Tần (18/19 hộ), chung cư Trúc Giang (120/123 hộ), chung cư Vĩnh Hội (lô A,B,C,12/244 hộ); 4/16 chung cư chưa di dời gồm chung cư 137 Lý Thường Kiệt, chung cư 149-151 Lý Thường Kiệt, chung cư Tôn Thất Thuyết (lô A,B,C) và chung cư Hoàng Diệu (lô Y).
Về những khó khăn, vướng mắc khiến công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn còn chậm, Sở Xây dựng TPHCM cho biết, chủ trương của thành phố khi triển khai thực hiện các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư chủ yếu là huy động nguồn vốn của doanh nghiệp. Chính phủ đề ra các cơ chế thu hút nhà đầu tư tham gia thông qua việc tăng chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc và miễn tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, do các chung cư cũ nằm trong khu vực nội thành nên việc tăng chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc phải được tính toán trên cơ sở đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và quy mô dân số hiện hữu của khu vực. Đồng thời, việc trình và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/2000, 1/500 gặp vướng, khó khăn kéo dài nên chưa đảm bảo tính khả thi cho dự án, khó mời gọi được nhà đầu tư tham gia.
Thực tế cho thấy có một số chung cư cấp D có diện tích khuôn viên quá nhỏ (dưới 1.000m2) nên khi xây dựng mới lại nhà chung cư không đảm bảo cân đối việc tái định cư cho người dân và lợi nhuận cho nhà đầu tư nên không mời gọi được nhà đầu tư tham gia.
Đối với dự án xây dựng mới thay thế chung cư cũ đã có chủ đầu tư, trong quá trình triển khai thực hiện đã gặp nhiều vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ di dời do có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân, chỉ một bộ phận người dân đang cư ngụ tại chung cư cấp D chưa đồng thuận với chính sách di dời, tạm cư, tái định cư sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ công tác di dời, tháo dỡ, an toàn khu vực. Bên cạnh đó, việc bồi thường đối với phần diện tích nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước chưa bán cũng phát sinh vướng mắc do các quy định liên quan.
Để đẩy mạnh cải tạo chung cư cũ, Sở Xây dựng tham mưu UBND TPHCM phê duyệt Đề án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2030 đặt mục tiêu hoàn thành cơ bản công tác chuẩn bị phục vụ cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư được xây dựng trước năm 1975 và các nhà chung cư được xây dựng từ năm 1975 đến 1994. Đối với 16 chung cư đã được kiểm định cấp D, sẽ hoàn thành công tác xây dựng mới; các chung cư cấp D phát sinh thuộc trường hợp phải phá dỡ khẩn cấp theo quy định.
Đến năm 2035, sẽ hoàn thành công tác sửa chữa hoặc xây dựng lại chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975. Hoàn thành cơ bản công tác cải tạo, xây dựng đối với các chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm, cấp D hoặc hết niên hạn sử dụng được xây dựng từ năm 1975 đến năm 1994.
Để thực hiện mục tiêu này, nhiều giải pháp cũng được đưa ra. Trong đó, tiếp tục trao quyền cho UBND phường, xã thực hiện công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư trên địa bàn quản lý.
Bên cạnh các cơ chế, chính sách ưu đãi mà pháp luật về nhà ở hiện hành đã quy định cho chủ đầu tư, người dân được hưởng khi tham gia, xây dựng lại chung cư, trên cơ sở thực tiễn, TPHCM đang xây dựng Nghị quyết quy định thêm cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đối với chủ đầu tư khi tham gia cải tạo, xây dựng lại chung cư.
Đồng thời, tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền phường, xã, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong việc tuyên truyền, thuyết phục vận động người dân tham gia ủng hộ chương trình xây dựng lại thay thế các chung cư cũ đã bị hư hỏng, xuống cấp.