Thủ tướng Nhật Bản nhấn mạnh 'công bằng' trong thảo luận về tỷ giá hối đoái
Phát biểu hôm Chủ Nhật (20/4), Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đã nhấn mạnh từ 'công bằng' trong bất kỳ cuộc thảo luận nào với Mỹ về tỷ giá hối đoái. Phát biểu được đưa ra khi các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Nhật đang thu hút sự chú ý.

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba
Phát biểu trên đài truyền hình NHK hôm Chủ Nhật, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba cho biết, các cuộc thảo luận cụ thể về chính sách tiền tệ sẽ được thực hiện giữa Bộ trưởng Tài chính Katsunobu Kato và Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent. Khi được hỏi Nhật Bản sẽ phản ứng như thế nào nếu Mỹ yêu cầu hợp tác để tăng giá đồng yên, ông nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ phải giải quyết vấn đề này theo quan điểm công bằng”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp thuế quan đối ứng 24% lên hàng xuất khẩu của Nhật Bản sang Mỹ. Mặc dù các khoản thuế này đã được ông Trumptạm dừng cho đến đầu tháng 7 để đàm phán, song hàng hóa của Nhật vẫn phải chịu mức thuế phổ thông 10%. Đặc biệt mức thuế 25% đối với ôtô vẫn được áp dụng, trong khi đây là một trụ cột của nền kinh tế Nhật Bản vốn phụ thuộc vào xuất khẩu.
Ông Trump đã nhiều lần phát biểu rằng, ông muốn các cuộc đàm phán bao gồm các cáo buộc của ông rằng Tokyo cố tình làm suy yếu đồng tiền của mình để mang lại lợi thế không công bằng cho các nhà xuất khẩu của mình.
Trưởng đàn đàm phán của Nhật Bản – Bộ trưởng Kinh tế Ryosei Akazawa đã có các cuộc đàm phán đầu tiên với các quan chức của chính quyền Mỹ vào tuần trước với sự tham dự đầy bất ngờ của ông Trump và ông đã ca ngợi là các cuộc đàm phán có “tiến triển lớn”.
Tuy nhiên, vòng đàm phán đầu tiên đã kết thúc mà không có bất kỳ một thỏa thuận nào. Ông Akazawa ngày 17/4 nói với báo giới rằng hai bên đã nhất trí sẽ tổ chức cuộc gặp thứ hai trong tháng này nhằm tìm kiếm một giải pháp nhanh cho vấn đề thuế quan.
Tuy nhiên theo Bộ trưởng Kinh tế Ryosei Akazawa, vòng đàm phán vừa diễn ra không bao gồm vấn đề tỷ giá hối đoán đồng yên mà vấn đề tỷ giá sẽ được thảo luận riêng giữa ông Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Katsunobu Kato. Ông cũng nhắc lại lập trường của Nhật Bản rằng nước này không thao túng thị trường với mục đích làm mất giá đồng yên.
Nhật Bản đã nhiều lần phủ nhận việc thao túng đồng yên. Trên thực tế lần gần đây nhất mà Nhật Bản can thiệp vào thị trường ngoại hối là vào năm ngoái để ngăn chặn đà giảm giá mạnh của đồng nội tệ, vì nó có thể làm trầm trọng thêm lạm phát tại nước này, vốn đã chạy trên mục tiêu 2% của NHTW Nhật trong 3 năm qua và điều đó đang làm tổn hại đến tiêu dùng nội địa.
Liên quan đến các chính sách khác, Thủ tướng Ishiba cho biết, Tokyo có thể mua thêm năng lượng của Mỹ và đề xuất sự linh hoạt về các cáo buộc của Mỹ về các rào cản phi thuế quan đối với thị trường ôtô Nhật Bản.
Mỹ từ lâu đã phàn nàn rằng các quy tắc an toàn của Nhật Bản là một rào cản phi thuế quan, trong khi Nhật Bản và nhiều chuyên gia cho rằng các nhà sản xuất ôtô Detroit không sản xuất ôtô phù hợp với đường sá và người lái xe của Nhật Bản.
Nikkei Asia đưa tin vào Chủ Nhật rằng Nhật Bản đang cân nhắc nới lỏng các quy tắc an toàn ô tô đối với hàng nhập khẩu như một phần trong các cuộc đàm phán thuế quan với Mỹ.
Khi được hỏi về những cáo buộc như vậy, Ishiba cho biết có sự khác biệt trong các quy tắc về giao thông và an toàn của Mỹ và Nhật Bản cần phải được tính đến. “Nhưng chúng tôi cũng cần đảm bảo rằng chúng tôi không bị nói rằng các quy tắc (an toàn) của chúng tôi là không công bằng”.
Ông cũng báo hiệu sẵn sàng cam kết đầu tư lớn hơn của Nhật Bản vào Mỹ, cũng như mua thêm hàng hóa Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. “Về khí đốt tự nhiên hóa lỏng, Úc là nước xuất khẩu lớn nhất sang Nhật Bản. Tôi tin rằng Mỹ đứng thứ tư. Chúng ta có thể đạt được mức tăng này. Câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ có thể cung cấp (năng lượng) ổn định hay không", ông nói.
Một số nhà phân tích cho rằng Nhật Bản có thể sử dụng lượng trái phiếu kho bạc Mỹ khổng lồ mà mình đang nắm giữ để làm đòn bẩy thương mại, nhưng trong phát biểu mới đây, Bộ trưởng Tài chính Nhật Kato đã loại trừ khả năng sử dụng chúng như một công cụ mặc cả.
“Đây là điều dựa trên sự tin tưởng giữa hai bên, sự ổn định kinh tế toàn cầu cũng như sự ổn định kinh tế của hai nước”, Thủ tướng Ishiba cũng khẳng định khi được hỏi liệu Nhật Bản có đề cập đến lượng trái phiếu kho bạc Mỹ mà họ nắm giữ trong các cuộc đàm phán hay không.