Thủ tướng nói đến sự trăn trở về việc phát triển ngành đường sắt
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ động yêu cầu làm việc và tham dự Hội nghị triển khai kế hoạch SXKD của ngành đường sắt vì nỗi trăn trở với ngành.
Chiều ngày 9/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.
Điểm đáng chú ý, Thủ tướng chính là người đã chủ động yêu cầu làm việc và tham dự Hội nghị này vì nhìn thấy sự thay đổi tích cực của ngành đường sắt trong năm qua. Mặt khác, dù đã trải qua hơn 140 năm hình thành và phát triển nhưng ngành đường sắt hiện nay vẫn chưa có vị trí xứng tầm với lịch sử và mong muốn của nhân dân.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết đã có nhiều ấn tượng, cảm xúc và trăn trở với ngành đường sắt ngay từ khi nhậm chức với mong muốn vực dậy ngành này, đóng góp vào sự phát triển chung của ngành giao thông. Ngành đường sắt đã trải qua nhiều mô hình quản lý, phát triển, cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, hoàn thiện để giải quyết bài toán không thua lỗ, bảo toàn và phát triển về tài sản, nguồn tài chính và nhất là nguồn lực con người.
Tới Ga Hà Nội để "xem có gì mới", Thủ tướng đã trực tiếp trao đổi với công nhân, hành khách đường sắt và được cho biết những đổi mới của ngành như các tòa tàu mới đẹp hơn, ga khang trang, sạch đẹp hơn, mua vé nhanh hơn, thuận tiện hơn, chất lượng phục vụ tốt hơn… "Hành khách nói với tôi là đi tàu giờ sướng lắm. Người lao động nói lương và thu nhập "cũng đủ"", Thủ tướng thân tình chia sẻ với Hội nghị.
Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những kết quả đạt được với nhiều tiến bộ trong năm 2023 của Tổng Công ty, nhất là việc đã cơ cấu lại tài sản, cơ cấu lại cán bộ, cơ cấu lại cách làm và "3 năm nay đã khác hẳn". Những thay đổi của ngành đường sắt cho thấy điều quan trọng là có muốn làm, dám làm và có phương pháp làm hay không khi xử lý, giải quyết các khó khăn, thách thức, vướng mắc, các vấn đề tồn đọng…
"Cũng ngần ấy tài sản, cũng ngần ấy con người, cơ chế chính sách chưa thay đổi nhiều nhưng với cách làm mới, tư duy mới, cơ cấu lại nguồn vốn, quản trị, con người, lãnh đạo... thì chất lượng, hiệu quả, ý thức con người có thay đổi, từ lỗ chuyển sang lãi. Chúng ta không say sưa, thỏa mãn với những kết quả đạt được, lơ là, chủ quan với tình hình, nhưng từ khí thế này, chúng ta quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn thì chắc chắn sẽ có kết quả tốt hơn, cao hơn năm 2023", Thủ tướng nói.
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng ghi nhận, biểu dương những nỗ lực và kết quả hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, vấn đề tồn đọng tại nhiều dự án yếu kém, thua lỗ, kéo dài.
Bên cạnh những kết quả, Tổng Công ty Đường sắt còn một số tồn tại, hạn chế như mức độ cơ giới hóa chưa cao, kết cấu hạ tầng còn lạc hậu, đầu máy, toa xe hiện có chưa có khả năng đáp ứng nếu nâng cao tốc độ chạy tàu trên 100 km/h…
Tạo khí thế mới với đột phá từ đường sắt tốc độ cao
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phải có tư tưởng mới, quyết tâm mới, khí thế mới, động lực mới, thắng lợi mới, tạo đột phá phát triển ngành đường sắt với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 178/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động triển khai Kết luận số 49 của Bộ Chính trị.
Đặc biệt, về chủ trương xây dựng, phát triển đường sắt tốc độ cao, Kết luận 49 yêu cầu đến năm 2025, phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam và hoàn thành toàn bộ tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trước năm 2045.
Thủ tướng nhấn mạnh, để thực hiện các mục tiêu này, tư duy phải đổi mới, tầm nhìn phải chiến lược, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, hiệu quả. Lựa chọn nào hiệu quả thì làm, ai làm hiệu quả thì giao việc, khi nào hiệu quả thì bắt đầu. Những băn khoăn, trăn trở, lo lắng về hệ thống đường sắt phải biến thành hành động, sản phẩm, chương trình, đề án, dự án cụ thể, mang lại thay đổi, hiệu quả cụ thể.
Thủ tướng cũng khẳng định, việc phát triển đường sắt tốc độ cao "không làm không được", phải quyết tâm làm và sẽ làm được. Bởi ngành đường sắt phải đặt trong sự vận động và phát triển, với phương châm "đi sau nhưng về trước", tận dụng lợi thế của người đi sau, đi nhanh hơn và bền vững hơn.
Do vậy, người đứng đầu Chính phủ đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ GTVT cùng Tổng Công ty Đường sắt và các cơ quan liên quan quyết tâm trình để được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án đường sắt tốc độ cao.
Để huy động nguồn lực, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển, xu thế thời đại, công nghệ hiện đại. Trong đó, nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, do đó, phải huy động hợp tác công-tư, tham khảo kinh nghiệm các nước, khai thác hiệu quả nguồn lực từ nguồn nhân lực 22.000 người, gần 300 nhà ga, nguồn lực đất đai, tiềm năng du lịch của cung đường sắt đẹp nhất thế giới…, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu củng cố, phát huy đoàn kết, thống nhất, quyết tâm trong nội bộ Tổng Công ty, trong ngành đường sắt, sự bản lĩnh và trách nhiệm của người đứng đầu; dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, cùng với sự phối hợp, hỗ trợ của các cấp, các ngành, các cơ quan, hợp tác đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả với các đối tác như Tập đoàn Hóa chất, các doanh nghiệp du lịch…
Thủ tướng yêu cầu cần chú trọng phát huy các tiềm năng, lợi thế của ngành và thúc đẩy các động lực phát triển mới như chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao trách nhiệm của các cấp và năng lực thực thi của cấp dưới, cắt giảm thủ tục hành chính, dứt khoát không để cơ chế xin cho…
"Phải phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc của mình, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể", Thủ tướng phát biểu.
Bên cạnh nhiệm vụ của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cùng các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải quyết các vướng mắc với tinh thần vướng mắc đâu thì tháo gỡ ở đó, thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết.
Với tinh thần trách nhiệm cao, với khí thế và niềm tin mạnh mẽ về bề dày lịch sử và truyền thống hào hùng của ngành đường sắt, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo và tập thể người lao động Tổng Công ty Đường sắt đã quyết tâm rồi thì phải quyết tâm cao hơn nữa, đã nỗ lực phải nỗ lực nhiều hơn nữa, đã quyết liệt rồi thì phải quyết liệt hơn, vượt qua mọi khó khăn thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt thành tích năm 2024 cao hơn năm 2023.