Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về chuyển đổi số với các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố

Sáng 19-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ với các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về chuyển đổi số. Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ với đầu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Dự hội nghị có các Phó thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Lê Thành Long; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; Chủ tịch UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, các đồng chí thành viên Tổ Công tác Đề án 06.

Mở đầu hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội đều xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực, là đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, yêu cầu bắt buộc, tiến trình không thể đảo ngược ở bình diện quốc tế, quốc gia hay từng bộ, ngành, địa phương.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Hiện nay, Việt Nam xác định ưu tiên cho tăng trưởng. Theo đó, phải làm mới các động lực tăng trưởng cũ là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ. Thực tế cho thấy, lực lượng sản xuất chất lượng cao chính là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để mỗi quốc gia “bắt kịp, tiến cùng, vượt lên”.

Theo Thủ tướng, nhìn lại những bước tiến trong quá trình chuyển đổi số ở nước ta thời gian qua rút ra nhiều bài học, trong đó bài học lớn là chuyển đổi số muốn mạnh, muốn nhanh, muốn hiệu quả đòi hỏi vai trò quan trọng, mang tính quyết định của người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương. Do đó, Thường trực Chính phủ tổ chức Hội nghị về chuyển đổi số với Bộ trưởng, Trưởng ngành và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thảo luận, làm rõ nhằm thống nhất tư duy, phương pháp, cách tiếp cận để cùng nhau hành động thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa tiến trình chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Thủ tướng chỉ rõ, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường bởi các cuộc xung đột, cạnh tranh chiến lược, dịch Covid-19 ảnh hưởng và gây hậu quả kéo dài, đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất, nhiều nước điều chỉnh chính sách tiền tệ… ảnh hưởng tới phát triển kinh tế nước ta. Trong bối cảnh đó, công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam đã diễn ra mạnh mẽ và mang lại hiệu quả thiết thực. Ngay trong dịch Covid-19, chúng ta đã tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến toàn quốc từ Trung ương tới xã, phường, thị trấn, vừa khắc phục được khó khăn, hạn chế do dịch bệnh, vừa giảm chi phí, tránh tốn kém kinh phí, thời gian… lại chuyển tải nội dung nhanh nhất, rõ nhất tới các đối tượng.

Cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chuyển đổi số vẫn còn nhiều việc phải làm để Việt Nam bắt kịp, tiến cùng và vượt lên, Thủ tướng yêu cầu hội nghị thảo luận, đánh giá đúng tình hình, nêu các mô hình hay, bài học quý, cách làm hiệu quả; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ, hiệu quả hơn, nhất là trong điều kiện kinh phí còn khiêm tốn, còn nhiều khó khăn, nhất là giải pháp đột phá, đổi mới sáng tạo với phương châm “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp”…

 Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, chuyển đổi số đã trở thành phong trào, xu thế, là yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu. Trong giai đoạn 2021-2024, chuyển đổi số được đẩy mạnh theo hướng toàn dân, toàn diện, bao trùm, xuyên suốt, có kết quả thiết thực, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Thủ tướng nhấn mạnh, công tác chỉ đạo, điều hành đã có kinh nghiệm hơn, bài bản, bám sát thực tiễn hơn. Công tác tổ chức thực hiện từ Trung ương đến cơ sở được triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn. Kết quả mang lại thiết thực, người dân, doanh nghiệp ủng hộ, đồng hành, tham gia tích cực hơn.

Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện chuyển đổi số bao trùm, tổng thể với “5 trọng tâm”: Phát triển nhân lực số, công dân số, kỹ năng số, tài năng số; ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế số, Chính phủ số; phát triển hạ tầng số toàn diện, phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả; quản lý điều hành phải số hóa và ứng dụng trí tuệ thông minh; khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách, thể chế cho chuyển đổi số theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi cho cấp dưới, đẩy mạnh việc giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, xóa bỏ cơ chế xin - cho, chống tiêu cực tham nhũng.

Thủ tướng yêu cầu chuyển đổi số với tinh thần là 5 “đẩy mạnh”, 5 “bảo đảm” gắn với 5 “không”. Trong đó, “5 đẩy mạnh” gồm: Đẩy mạnh thống nhất nhận thức và hành động của người lãnh đạo trong chuyển đổi số, phát huy tính tiên phong, nêu gương, đi đầu; đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, để thúc đẩy chuyển đổi số, phù hợp với thông lệ quốc tế; thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng số quốc gia thông suốt, phát triển nền tảng số, dữ liệu số, hệ sinh thái số thuận tiện; đẩy mạnh an ninh mạng, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu, bảo vệ chủ quyền không gian mạng quốc gia từ sớm, từ xa; đẩy mạnh xây dựng văn hóa số, góp phần xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và hội nhập thế giới.

Thủ tướng chỉ rõ “5 bảo đảm” gồm: Bảo đảm triển khai chuyển đổi số, Đề án 06 đồng bộ, hiệu quả tại tất cả các bộ, ngành, địa phương, các lĩnh vực kinh tế - xã hội và môi trường để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng; bảo đảm nguồn lực cho chuyển đổi số quốc gia, nhất là đầu tư phát triển hạ tầng số, nền tảng số, đào tạo nhân lực số; bảo đảm 100% dịch vụ công trực tuyến thiết yếu cho người dân, tiếp cận dễ dàng, an toàn, tiện lợi, tiết giảm chi phí; bảo đảm nhân lực cho chuyển đổi số và các ngành kinh tế mới nổi, chú trọng đào tạo kỹ năng số gắn với nhu cầu thị trường; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững.

Việc thực hiện “5 đẩy mạnh”, “5 bảo đảm” phải gắn với “5 không": Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; không bàn lùi, chỉ bàn làm; không để ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia, triển khai Đề án 06; không tiền mặt, hướng tới mọi giao dịch thông qua phương thức điện tử, phòng, chống tham nhũng; không giấy tờ, hướng tới số hóa toàn diện; không tiếp xúc, hạn chế giao dịch trực tiếp; hướng tới tự động hóa, sản xuất thông minh.

TTXVN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/thu-tuong-pham-minh-chinh-chu-tri-hoi-nghi-ve-chuyen-doi-so-voi-cac-bo-truong-truong-nganh-chu-tich-ubnd-cac-tinh-thanh-pho-786010