Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chuyển đổi số đã đến 'từng ngõ, từng nhà, từng người'

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định chuyển đổi số đã đến 'từng ngõ, từng nhà, từng người'; đã trở thành xu thế bắt buộc, không thể đảo ngược ở bình diện quốc tế, khu vực, quốc gia…

Sáng 19/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ về chuyển đổi số với các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ về chuyển đổi số với các đồng chí Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ về chuyển đổi số với các đồng chí Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Lê Thành Long; các Bộ trưởng, Trưởng ngành, các thành viên Ủy ban Quốc gia và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu TP Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải.

Theo Chương trình, Hội nghị nghe báo cáo và thảo luận về các giải pháp để xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số, phục vụ phát triển kinh tế số, tháo gỡ những tồn tại, điểm nghẽn trong triển khai Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Chuyển đổi số trở thành xu thế bắt buộc

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là những động lực lớn trong phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ này và những nhiệm kỳ tiếp theo. Đảng ta đã đề cập sâu sắc về chuyển đổi số trong nhiều văn kiện, trong đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó xác định thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chúng ta xác định ưu tiên cho tăng trưởng, thông qua làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, các ngành mới nổi như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây…). Nhiệm vụ quan trọng hiện nay là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong cả nhiệm kỳ, những nhiệm vụ này đều có quan hệ mật thiết với chuyển đổi số.

Trong bối cảnh hiện nay, lực lượng sản xuất chất lượng cao chính là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó có chuyển đổi số, ai nắm bắt được thì sẽ đi nhanh hơn, đột phá hơn, hiệu quả hơn. Chúng ta đã xác định phương châm "bắt kịp, tiến cùng và vượt lên" trong nhiều lĩnh vực mới nổi, công nghệ cao.

Các đại biểu dự hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Các đại biểu dự hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Khẳng định chuyển đổi số đã trở thành xu thế bắt buộc, đã đến “từng ngõ, từng nhà, từng người”, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, đây là Hội nghị quan trọng để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thảo luận, thống nhất tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận để cùng nhau hành động, nâng cao nhận thức, xác định mục tiêu, quan điểm, các nhiệm vụ, giải pháp đúng, trúng, khả thi, tổ chức thực hiện hiệu quả, tiết kiệm thời gian, chi phí nhất nhưng đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số, phát triển kinh tế số.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh và lãnh đạo TP tại điểm cầu Hà Nội

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh và lãnh đạo TP tại điểm cầu Hà Nội

Cùng đó, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu chuyển đổi số toàn dân, toàn diện với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, sự hợp tác, hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, chú trọng xây dựng hạ tầng số, hoàn thiện thể chế số, đào tạo nhân lực số để bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong thế giới đầy biến động hiện nay…

Kinh tế số Việt Nam tăng cao nhất ASEAN 2 năm liên tiếp

Theo báo cáo của Bộ Thông tin & Truyền thông – cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chuyển đổi số đã và đang trở thành yếu tố then chốt trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội trên toàn cầu.

Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo đánh giá của thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam tăng dần qua các năm. Nếu năm 2020, Việt Nam chỉ đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN về tốc độ tăng trưởng kinh tế số, thì năm 2021 đứng thứ 3 và hai năm 2022, 2023 đứng thứ 1.

Báo cáo về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) năm 2022 xếp Việt Nam hạng 55 toàn cầu, trong khi Singapore xếp thứ 2, Malaysia 29, Thái Lan 31. Về xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 25/194 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng.

Theo đánh giá của Việt Nam, chỉ số chuyển đổi số quốc gia (DTI) tăng đều qua các năm, đến năm 2022 đạt 0,71 điểm; các chỉ số thành phần về Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao từ 45% - 55%.

Về giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp, nếu năm 2019 mới chỉ đạt gần 11% thì từ năm 2020 đến nay có bước tăng trưởng đột phá, đến nay đạt 55%, tăng gấp 5 lần so với cả giai đoạn trước 2020; tỉ lệ hồ sơ trực tuyến ở năm 2019 chỉ khoảng 5%, thời điểm hiện tại, tỉ lệ này đạt 43% (tăng hơn 8 lần).

Về phát triển kinh tế số, tỉ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 ước tính đạt 16,5% và đến tháng 6/2024 là 18,5%...

Từ các điển hình thành công về chuyển đổi số, Bộ Thông tin & Truyền thông nêu ra một số bài học kinh nghiệm để giúp các cơ quan, tổ chức, các bộ, ngành, địa phương thực hiện chuyển đổi số quốc gia hiệu quả hơn. Trong đó, người đứng đầu phải trực tiếp làm chuyển đổi số, từ đó mới có thể chỉ đạo thúc đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số cấp mình.

Chuyển đổi số thành công cần xác định rõ mục tiêu, đưa tri thức chuyên ngành vào ứng dụng, tạo sản phẩm đáp ứng nhu cầu của cán bộ, công chức. Thành công của chuyển đổi số phụ thuộc chủ yếu vào sự chủ động các bộ, ngành, địa phương. Chuyển đổi số cần phải tìm, mở đột phá khẩu, lựa chọn một vấn đề thiết yếu, có tác động lan tỏa, giải quyết tồn tại, phục vụ người dân, từ đó tự tin mở rộng sang các lĩnh vực khác.

Cùng đó, phải chọn đúng đối tác, cam kết đồng hành dài hạn. Để làm được điều này, các doanh nghiệp phải không ngừng lớn mạnh, không những giỏi chuyên môn, mà phải am hiểu nghiệp vụ của các ngành, lĩnh vực. Phải có nguồn lực đủ mạnh, có cam kết và dành nguồn lực riêng, đảm bảo sẵn sàng 24/7.

Ngoài ra, chuyển đổi số phải dựa trên các nền tảng số; chú trọng phát triển hạ tầng số, phát triển dữ liệu số; bảo đảm an toàn thông tin...

Hồng Thái

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-chuyen-doi-so-da-den-tung-ngo-tung-nha-tung-nguoi.html