Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 5 trụ cột để tỉnh Long An phát triển bứt phá, bền vững

Trong chương trình công tác tại Long An, chiều 25-7, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết, xử lý một số đề xuất, kiến nghị của tỉnh, nhằm giúp địa phương phát triển nhanh và bền vững.

Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và tỉnh Long An.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Long An. Ảnh: DƯƠNG GIANG

Thủ tướng Phạm Minh Chính với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Long An. Ảnh: DƯƠNG GIANG

Theo Tỉnh ủy Long An, trong bối cảnh khó khăn, thách thức chung, nhờ thực hiện nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tỉnh Long An đã vượt qua dịch bệnh, đạt được nhiều kết quả đáng mừng, khá toàn diện, trên tất cả các lĩnh vực. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt mức 8,46%; trong 6 tháng năm 2023 ước tăng 3,43%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, trong 6 tháng 2023, khu vực nông nghiệp chiếm 16,41%; công nghiệp, xây dựng 50,92%; dịch vụ 27,13% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp 5,54%. Quy mô kinh tế năm 2022 xếp thứ 1/13 địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và 12/63 cả nước; GRDP bình quân đạt 90,2 triệu đồng/người...

Cơ bản nhất trí, ủng hộ với các đề xuất của tỉnh, lãnh đạo các bộ, ngành góp ý, Long An cần phát huy nhiều hơn nữa lợi thế vị trí chiến lược của tỉnh để đi lên; có cơ chế huy động các nguồn lực vào phát triển, nhất là phát triển hạ tầng giao thông; thúc đẩy thu hút đầu tư, nhất là các dự án lớn; tiếp tục phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao; đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển; tăng cường liên kết để phát triển hiệu quả hơn…

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao, biểu dương những nỗ lực và kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An đạt được trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng đã thẳng thắn chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế, khó khăn mà tỉnh Long An cần khắc phục như: Tăng trưởng kinh tế của tỉnh còn thấp so với tiềm năng, thế mạnh và yêu cầu đặt ra, nhất là trong 6 tháng đầu năm 2023. GRDP bình quân đầu người thấp hơn của cả nước; thu hút nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Tỉnh chưa thu hút được nhiều các dự án FDI quy mô lớn, công nghệ cao. Sản xuất nông nghiệp thiếu ổn định, hiệu quả chưa cao. Việc triển khai một số công trình, dự án còn chậm tiến độ; chưa khai thác hết lợi thế về vận tải, logistics…

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, để Long An phát triển, đóng góp cho sự phát triển của cả nước, tỉnh phải tiếp tục nỗ lực lớn hơn, quyết tâm cao hơn, đổi mới nhận thức, tư duy, phương pháp, cách tiếp cận và tổ chức thực hiện trong phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng lưu ý, với nhiều tiềm năng, thế mạnh và những động lực mới, tỉnh cần tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa, phấn đấu là một trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam; là vùng đệm, cửa ngõ kết nối thông suốt, hiệu quả giữa vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ, để tạo sự phát triển bứt phá, bền vững, nâng tầm vị thế, tỉnh cần dựa trên 5 trụ cột: Nông nghiệp sinh thái là trọng tâm; công nghiệp xanh, công nghệ cao, chế biến chế tạo, năng lượng xanh, năng lượng sạch là đột phá; dịch vụ là bệ đỡ, đưa Long An trở thành điểm trung chuyển hàng hóa trong khu vực; tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao; kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kinh tế, xã hội, đô thị đồng bộ, hiện đại.

Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Long An tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. Long An triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tạo động lực mới; tổ chức không gian phát triển theo mô hình “Một trung tâm - Hai hành lang kinh tế - Ba vùng kinh tế xã hội - Sáu trục động lực”.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, tỉnh Long An cần đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh hình thức PPP; quản lý chặt chẽ và sử dụng vốn đầu tư hiệu quả; phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ, hiệu quả. Tỉnh phát triển hệ thống đô thị hài hòa, tổ chức lại các khu dân cư; chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Tỉnh tạo thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính để huy động doanh nghiệp và người dân đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Long An phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng hành, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển mạnh kinh tế tư nhân. Tỉnh đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội; phát triển công nghiệp theo hướng công nghệ cao, năng suất, năng lực cạnh tranh, sử dụng hiệu quả tài nguyên. Tỉnh phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, gắn với chế biến và xây dựng thương hiệu, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm. Long An phát triển du lịch gắn với lịch sử, bản sắc văn hóa, sinh thái, sản phẩm đặc trưng, chất lượng cao.

Đặc biệt, Long An phải chú trọng bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm, ứng phó hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu, tình trạng sạt lở; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Tỉnh bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử, giá trị truyền thống; quan tâm bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo; thực hiện tốt chính sách đối với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội; đầu tư đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, tỉnh phải chú trọng xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả; nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên. Tỉnh xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì nhân dân phục vụ; phòng, chống tham nhũng; bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững trật tự an toàn xã hội; phòng chống hiệu quả các loại tội phạm. Tỉnh tăng cường công tác đối ngoại để góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam - Campuchia.

Về các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Long An, Thủ tướng Chính phủ cơ bản nhất trí xem xét giải quyết; giao các bộ, ngành phối hợp với tỉnh xem xét, xử lý, căn cứ tình hình, nguồn lực chung và theo lộ trình phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân, doanh nghiệp. Những vấn đề vượt thẩm quyền, trình Chính phủ, cấp có thẩm quyền xem xét.

TTXVN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/thu-tuong-pham-minh-chinh-neu-5-tru-cot-de-tinh-long-an-phat-trien-but-pha-ben-vung-736025