Thủ tướng Phạm Minh Chính:Phân cấp, phân quyền phải đi liền với phân bổ nguồn lực
Phát biểu tại phiên thảo luận Tổ sáng 23/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Phân cấp, phân quyền phải đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường năng lực thực thi, gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát. Và tinh thần là ai gần dân nhất thì phân cấp, ai hỗ trợ được người dân theo tinh thần chủ động phục vụ nhân dân thì phân cấp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta vẫn phải tiến hành tích cực 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Ảnh: Phạm Thắng
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Chín, sáng nay, 23/5, Quốc hội làm việc tại Tổ, thảo luận về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023; việc bổ sung ngân sách chi thường xuyên (nguồn viện trợ không hoàn lại nước ngoài) năm 2025; việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024; kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2024.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu tại Tổ 8 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Điện Biên, Trà Vinh, Cao Bằng).
Bình tĩnh ứng phó với chính sách thuế
Phát biểu tại phiên thảo luận Tổ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong bối cảnh các định chế quốc tế cũng như các nước lớn đều dự báo tăng trưởng chậm lại trong năm nay so với năm ngoái và so với dự báo đầu năm, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng năm nay từ 8% là đang "đi ngược" xu thế của thế giới.
Muốn vậy, chúng ta vẫn phải tiến hành tích cực 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực, Thủ tướng khẳng định.
Về thể chế, Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, với quyết tâm tháo gỡ điểm nghẽn cho phát triển kinh tế - xã hội ngay trong năm 2025.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, phân cấp, phân quyền phải đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường năng lực thực thi, có cơ chế gắn liền với kiểm tra, giám sát. Ảnh: Phạm Thắng
"Chúng ta tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế sẽ biến thể chế thành lợi thế cạnh tranh, như phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm; biến thể chế vừa là nguồn lực, vừa là động lực cho sự phát triển" Thủ tướng nhấn mạnh.
Về hạ tầng, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta phải đẩy mạnh đột phá hạ tầng chiến lược. Hiện, chi phí logistics của Việt Nam chiếm tới 17 - 18% GDP, trong khi mức trung bình của thế giới là 10 - 11% GDP. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Do vậy, cần tập trung đầu tư cho hạ tầng giao thông (đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không, đường thủy nội địa).
Theo đó, trong năm nay, phấn đấu hoàn thành ít nhất 3.000 km đường bộ cao tốc. Triển khai đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, tập trung xây dựng đường sắt tốc độ cao liên thông với Trung Quốc (tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng) để kết nối sang Trung Quốc, Trung Á và sang châu Âu.
Đối với hàng không, cần phát triển đội bay, hệ thống máy bay, sân bay cũng như phát triển các hãng hàng không. “Chúng ta không phải chỉ phát triển 1 - 2 hãng mà phải nhiều hãng để có sức cạnh tranh, có lợi cho người tiêu dùng”, Thủ tướng lưu ý.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nêu rõ, hạ tầng giáo dục, y tế, xã hội, văn hóa, thể thao đều phải phát triển để mang tính bao trùm, đồng bộ.
Về đột phá nhân lực, Thủ tướng chỉ rõ, cần chuyển sang đào tạo kỹ năng toàn diện, thay vì chỉ tập trung vào kiến thức; đào tạo được lao động có đẳng cấp quốc tế, qua đó tăng năng suất lao động.
Thời gian qua, Chính phủ đã trình Bộ Chính trị ban hành 4 Nghị quyết, gồm: Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Nghị quyết số 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Đây là 4 trụ cột chiến lược để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Nhấn mạnh "bộ tứ chiến lược" nêu trên, Thủ tướng chỉ rõ, để đạt được mục tiêu đề ra, chúng ta phải làm mới các động lực tăng trưởng cũ về đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng.
Trong đó, động lực xuất khẩu đang chững lại bởi chính sách thuế. Song, "chúng ta cần bình tĩnh, với tinh thần phải đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng", Thủ tướng nói.
Tinh thần là ai hỗ trợ, chủ động phục vụ nhân dân thì phân cấp
Liên quan mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Thủ tướng nêu rõ: Quan trọng nhất là chuyển đổi trạng thái từ thụ động tiếp nhận yêu cầu của người dân, doanh nghiệp rồi mới xử lý sang trạng thái chủ động, tích cực phục vụ người dân.
“Việc phân cấp, phân quyền phải đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường năng lực thực thi, có cơ chế gắn liền với kiểm tra, giám sát. Phân cấp, phân quyền mà giữ khư khư nguồn lực thì không thể làm được”, Thủ tướng chỉ rõ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 8. Ảnh: Phạm Thắng
Cho rằng "cơ hội đến và đi rất nhanh, nếu xử lý cầm chừng thủ tục thì cơ hội đi lúc nào không biết, giải quyết xong thì cơ hội đã đi mất", Thủ tướng yêu cầu phải cương quyết cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ; đẩy mạnh công tác xây dựng quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn, các điều kiện cần thiết khác và phải công bố công khai; chính quyền phải chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Thủ tướng cũng đề nghị Quốc hội ủng hộ mạnh mẽ việc cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền. "Tinh thần là ai gần dân nhất thì phân cấp, ai hỗ trợ được người dân theo tinh thần chủ động phục vụ nhân dân thì phân cấp".
Liên quan tiết kiệm, phòng chống lãng phí, Thủ tướng nêu rõ: Thời gian qua, lãng phí có liên quan đến chính sách không phù hợp. Như với các dự án điện gió, điện mặt trời..., do chính sách của chúng ta không tốt nên dẫn đến một số tiêu cực, có tình trạng ồ ạt xây dựng dự án không đúng quy hoạch, không đúng thủ tục cũng như quy định.
Theo Thủ tướng, nếu giải quyết được các dự án tồn đọng sẽ giải phóng được hơn 230 tỷ USD, bằng khoảng 50% tổng GDP. Hiện, Chính phủ đang xây dựng cơ chế, chính sách trình cấp có thẩm quyền để có giải pháp xử lý về mặt thể chế; đồng thời xử lý người làm sai.
“Khi khắc phục hậu quả, chúng ta không thể đòi hỏi thu về 100% mà phải chấp nhận mất mát, đau đớn”, Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ, đồng thời cho rằng, "đây cũng là bài học, kinh nghiệm cho chúng ta".
Việc sắp xếp bộ máy cũng sẽ dẫn tới dư thừa trụ sở làm việc. Nhấn mạnh “quan trọng nhất là cấp ủy chính quyền địa phương”, Thủ tướng chỉ rõ: Chủ trương là không để lãng phí, phải vận dụng sáng tạo trong điều kiện cụ thể của địa phương, cơ quan, đơn vị.
“Không cầu toàn, nóng vội, nhất là với các vấn đề mới phát sinh. Phải bình tĩnh, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, miễn là đừng tiêu cực, đừng lãng phí, đừng tham nhũng. Phải vô tư, trong sáng khi tìm cách giải quyết; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, Thủ tướng nói.
Đề xuất điều chỉnh mức bội chi ngân sách lên 4 - 4,5% GDP

ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Khánh Duy
Cho ý kiến về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025, các đại biểu đều cơ bản tán thành với báo cáo và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc đạt được các kết quả phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024 và những tháng đầu năm nay trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước gặp nhiều khó khăn.
Các đại biểu cũng cơ bản tán thành với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được Chính phủ đề ra, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội.
Đề xuất về các nhóm giải pháp cần tập trung trong thời gian tới, ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, trong ngắn hạn, Chính phủ nên xem xét điều chỉnh mức bội chi ngân sách lên 4 - 4,5% GDP nhằm tăng "dư địa" cho phát triển, đồng thời siết chặt kỷ luật tài khóa.
Chính phủ cũng cần sớm trình Quốc hội ban hành Nghị quyết chuyên đề về thúc đẩy giải ngân đầu tư công, trong đó quy định rõ trách nhiệm, chế tài, thời hạn cho từng cấp, ngành, phân cấp mạnh hơn cho địa phương.

ĐBQH Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Phạm Thắng
ĐBQH Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm bảo đảm tiến độ đặt ra cũng như chất lượng đối với các dự án cao tốc trên địa bàn vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời có các giải pháp để giảm thiểu thiên tai (sụt lún, sạt lở, ngập lụt, hạn mặn) đối với vùng này.

ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Phạm Thắng
ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đề xuất cần có các giải pháp để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên các sàn thương mại điện tử, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh làm ăn chân chính.