Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội: Chỉ rõ giải pháp trong từng lĩnh vực
Sáng 8/11, sau khi trình bày Báo cáo giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề được các vị đại biểu Quốc hội, đồng bào, cử tri quan tâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Nhiều vấn đề nóng như việc làm, an sinh xã hội, cải cách tiền lương, phân cấp phân quyền, phòng tránh cháy nổ... được đại biểu Quốc hội nêu lên đều được Thủ tướng trả lời rất cụ thể.
Phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Sau 2,5 ngày làm việc nghiêm túc, tập trung, sôi nổi, với tinh thần xây dựng, tâm huyết và trách nhiệm cao, đã có 457 lượt ĐBQH đăng ký tham gia chất vấn; 152 lượt ĐBQH thực hiện quyền chất vấn, trong đó có 39 lượt đại biểu tranh luận, còn 310 đại biểu đăng ký chất vấn, 15 đại biểu đăng ký tranh luận nhưng chưa được chất vấn, tranh luận. Lần đầu tiên trong nhiệm kỳ khóa XV, Thủ tướng, tất cả các Phó Thủ tướng Chính phủ và 21 vị bộ trưởng, trưởng ngành đã trực tiếp trả lời chất vấn của các vị ĐBQH. Các vị ĐBQH đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề. Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự nghiêm túc, cầu thị, tinh thần trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, trưởng ngành trong việc trả lời chất vấn và tiếp thu ý kiến của ĐBQH.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Đặt câu hỏi chất vấn Thủ tướng, ĐB Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) cho biết, ngay từ ngày đầu nhiệm kỳ Chính phủ, Thủ tướng đã có chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực bộ máy và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Tuy nhiên, thực tiễn trong nhiều lĩnh vực vừa qua chưa thực sự đạt được mục tiêu như kỳ vọng. “Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết nguyên nhân, định hướng và giải pháp cụ thể trong thời gian tới để thực hiện thành công chủ trương lớn trên” - ông Thành nêu ý kiến.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, phân cấp, phân quyền là chủ trương đã rõ. Tăng cường phân cấp phân quyền để phân định rõ hơn trách nhiệm các cấp, phát huy tính năng động sáng tạo chủ động của các cấp. Chính quyền có chính quyền Trung ương, chính quyền cấp tỉnh, chính quyền cấp huyện, chính quyền cấp xã, ngoài ra còn có các cơ quan là “cánh tay nối dài”. Phân cấp, phân quyền rất quan trọng để tăng tính linh hoạt sáng tạo đồng thời phân định rõ trách nhiệm của các cấp. Tuy nhiên, việc phân cấp, phân quyền, tổ chức thực thi pháp luật vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đáp ứng mong muốn của cử tri và nhân dân.
Về giải pháp, Thủ tướng nhấn mạnh: Cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phân cấp, phân quyền phải đi đôi với phân bổ nguồn lực. Tăng cường giám sát, kiểm tra xử lý vi phạm. Nâng cao khả năng thực thi của cấp dưới, hoàn thiện thể chế, các cấp cũng phải tiếp tục mạnh dạn thực hiện phân cấp, phân quyền, không né tránh, đùn đẩy.
ĐB Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) đề nghị Thủ tướng cho biết định hướng chiến lược, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới để thích ứng với tình hình quốc tế đã và đang diễn biến phức tạp.
Thủ tướng cho biết, chúng ta đang thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trên thế giới, là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Chúng ta triển khai đường lối đối ngoại này cũng xác định các thứ tự ưu tiên, các nước láng giềng, các bạn bè truyền thống, các nước lớn. “Thời gian qua chúng ta đã thể chế hóa các chủ trương của Đảng, đã thực hiện nghiêm túc và đạt được hiệu quả rất quan trọng, có thể nói là điểm sáng như Tổng Bí thư đã nói, để tạo môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển và thu hút nguồn lực đầu tư gồm vốn, công nghệ, quản trị, đào tạo nguồn nhân lực” - Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết đường lối đối ngoại góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ nhưng tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng thực chất và hiệu quả. Chúng ta đã đạt được nhiều kết quả, như thiết lập quan hệ đối tác chiến lược hay chiến lược toàn diện với 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, và 20 nước trong G20. Đây là những nước có vai trò vị trí quan trọng, có nguồn lực công nghệ tiên tiến, chúng ta đã khai thác tốt vấn đề này.
Tiết kiệm các khoản chi để đảm bảo chi lương cho người lao động
ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (Đoàn ĐBQH TPHCM) đặt câu hỏi với Thủ tướng: Chính phủ có những giải pháp mang tính đột phá nào để đưa Việt Nam phát triển trong bối cảnh kỷ nguyên số và cơ hội, lợi thế thách thức đan xen như hiện nay? Bà Tuyết đề nghị cho biết việc bố trí ngân sách và xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan sẽ được Chính phủ triển khai như thế nào.
Thủ tướng cho biết, hiện nay chúng ta đang đề ra tăng trưởng trung bình của kinh tế số khoảng 20%/năm. Kinh tế số năm 2023 đạt 17%. Năm 2024 dự kiến đạt 20%. Như vậy nếu đạt được 20% thì sẽ về đích trước 1 năm theo kế hoạch đề ra. “Phải chuyển đổi số trong toàn dân, để người dân tham gia, là chủ thể, trung tâm trong chuyển đổi số. Tập trung chuyển đổi số cho các ngành mới nổi như: chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn” - Thủ tướng nói.
Về chính sách tiền lương từ 1/7/2024, Thủ tướng cho biết, tiền lương vừa là tái tạo sức lao động, vừa là động lực cho cán bộ, công chức, người lao động tham gia vào hoạt động phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Theo Thủ tướng, sắp tới chúng ta tiếp tục hoàn chỉnh vị trí việc làm, tinh giản biên chế gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị, tiết kiệm các khoản chi để đảm bảo nguồn chi lương cho người lao động. Bên cạnh đó đã chỉ đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu để xây dựng chính sách tiền lương ngoài khu vực nhà nước. Hai chính sách này sẽ tiệm cận với nhau theo Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương.
Thúc đẩy sản xuất kinh doanh
Về câu hỏi của ĐB Phạm Thị Hồng Yến (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) liên quan đến lực lượng lao động trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cũng như việc người lao động tiếp cận được các chính sách an sinh xã hội, Thủ tướng cho biết, đất nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi. Vừa qua đại dịch Covid -19 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng. Chúng ta mất đơn hàng, mất các chuỗi cung ứng do đại dịch. Doanh nghiệp khó khăn nên việc dịch chuyển lao động này cũng là việc điều tiết để cho người lao động có điều kiện tìm sinh kế. Tính tự chủ, tính tự lực, tự cường ở đây rất đáng hoan nghênh. Nhưng về mặt quản lý nhà nước là rất đáng suy nghĩ.
Thủ tướng nhấn mạnh: Phải có công ăn việc làm, tạo sinh kế cho người dân. Muốn có công ăn việc làm thì phải thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nhất là khu vực công nghiệp là chuyển dịch từ lao động ở khu vực phi chính thức, khu vực nông thôn ra thành thị. Bên cạnh đó, phải tái cơ cấu ngành nông nghiệp để nâng cao năng suất lao động. Chúng ta phải làm tốt công tác an sinh xã hội, phải hỗ trợ nhau.
ĐB Mai Thị Phương Hoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) nêu câu hỏi cải cách thể chế, quan trọng nhất và trọng tâm nhất là gì.
Thủ tướng cho biết, công tác cải cách thể chế chúng ta đã bàn, thảo luận nhiều. Chọn 3 đột phá chiến lược tức là chúng ta đã ưu tiên, nhưng chọn cái nào hơn cái nào thì phải hài hòa, hợp lý, tháo gỡ được thể chế thì sẽ tháo gỡ được nguồn lực. Phát triển được hệ thống hạ tầng sẽ tạo sức cạnh tranh cho hàng hóa...
Thủ tướng cho rằng, thủ tục hành chính còn rườm rà gây tăng chi phí cho doanh nghiệp. Thái độ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức xử lý công việc vẫn đùn đẩy, sợ trách nhiệm.
Về giải pháp, theo Thủ tướng, chúng ta phải tăng cường công tác tuyên truyền, đối với cán bộ, công chức phải đảm bảo lợi ích tinh thần, vật chất cho họ. Trên cơ sở đó, họ đảm bảo được nhiệm vụ, chức trách được giao, làm tốt hơn. Thủ tướng đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục vào cuộc, vừa thúc đẩy, vừa giám sát, vừa động viên, vừa định ra những nhiệm vụ cơ bản cho cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Giải pháp căn cơ, theo Thủ tướng, là các giải pháp liên quan đến tinh thần trách nhiệm, năng lực cán bộ, cắt giảm các thủ tục hành chính, tăng chế tài xử lý.
Tăng cường phòng chống cháy nổ
ĐB Cầm Thị Mẫn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) đặt vấn đề: Thời gian gần đây xảy ra một số vụ cháy nổ nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và của. Thời gian tới cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp gì để chấn chỉnh?
Thủ tướng cho biết, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cũng đã có những hành động cụ thể để phòng chống, ngăn chặn việc này. Để thực hiện có hiệu quả, cần làm tốt công tác tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, nâng cao ý thức của người dân tham gia phòng cháy, chữa cháy; kỹ năng khi có cháy xảy ra. Bên cạnh đó, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền. Phải đầu tư cơ sở vật chất cho ngành này để nếu có vấn đề thì có thể xử lý ngay.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, vấn đề quy hoạch, xây dựng, tiêu chuẩn, tiêu chí là rất quan trọng cần phải hoàn thiện. Quy hoạch không tốt thì nếu có cháy nổ, các phương tiện không vào được. Phải quy hoạch cả giao thông, cả nguồn nước. Cùng với đó là sự tham gia của người dân, của tổ dân phố. Các tổ chức chính trị - xã hội cũng phải vào cuộc, vừa phòng, vừa chống. Đồng thời, phải hiện đại hóa lực lượng phòng cháy, chữa cháy.