Thủ tướng: Phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2025 khoảng 8,3 - 8,5%
Chính phủ đặt mục tiêu cả nước cần đạt mức tăng trưởng năm 2025 khoảng 8,3-8,5%, tạo đà, tạo lực, tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng 2 con số đoạn 2026-2030.
Mục tiêu trên được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra khi phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 và giải pháp thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025, diễn ra sáng 16/7.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: TTXVN)
Thủ tướng cho biết, từ đầu năm đến nay, chúng ta đã và đang thực hiện rất nhiều nhiệm vụ mang tính đột phá, chiến lược, cơ bản cả trước mắt và lâu dài, như thực hiện cuộc cách mạng sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp lại giang sơn; trình Bộ Chính trị ban hành và tổ chức thực hiện 4 Nghị quyết quan trọng (bộ tứ trụ cột); đang xây dựng để trình cấp thẩm quyền các nghị quyết liên quan giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa.
"Đây là những định hướng lớn để bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc", Thủ tướng khẳng định.
Về mục tiêu tăng trưởng GDP, Thủ tướng nêu rõ Trung ương, Quốc hội, Chính phủ xác định năm nay phải đạt mức tăng trưởng từ 8% trở lên. Vừa qua, dưới sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, 6 tháng đầu năm, kinh tế đạt mức tăng trưởng 7,52%.
Song, người đứng đầu Chính phủ nhìn nhận, từ nay đến cuối năm còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khó khăn từ nội tại nền kinh tế, do đó chúng ta phải phân tích, thảo luận, đánh giá để tìm ra giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tìm ra cơ cấu, mô hình tối ưu nhất trong bối cảnh quốc tế hiện nay cũng như điều kiện Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, cần làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số…
"Tại hội nghị này, Chính phủ đưa ra con số cụ thể là cả nước cần đạt mức tăng trưởng năm 2025 khoảng 8,3-8,5%, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế, tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026-2030, qua đó đạt 2 mục tiêu chiến lược phát triển 100 năm", Thủ tướng thông tin.
Thủ tướng yêu cầu các đại biểu thảo luận đánh giá về khả năng đạt mức tăng trưởng 8,3-8,5% trong năm 2025; muốn đạt được mục tiêu này thì phải làm gì; từ đó phải xác định các trụ cột tăng trưởng, các động lực tăng trưởng, các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị tập đoàn kinh tế, các thành phần kinh tế đều phải nỗ lực, đều phải tiến lên.
Các đại biểu cũng cần tập trung phân tích, đánh giá bối cảnh thế giới để có giải pháp phù hợp; các giải pháp trước mắt và lâu dài để cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo tinh thần mới, tình hình mới; cởi nút thắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông các nguồn lực, thúc đẩy các động lực tăng trưởng.
Thủ tướng nhấn mạnh, cả hệ thống chính trị phải hành động, nếu không hành động, không đồng bộ, không chuyên nghiệp, không cùng một hướng thì không có sức mạnh tổng hợp, với yêu cầu cần đồng lòng, quyết trí, đồng tâm, thống nhất nhận thức, hành động để bảo đảm mục tiêu mà Đảng, Quốc hội đã đề ra.
Do đó, Thủ tướng mong các đại biểu nghiên cứu kỹ, đóng góp ý kiến để sau cuộc họp này, Chính phủ sẽ có một Nghị quyết mới về giao chỉ tiêu tăng trưởng, điều hành kịch bản tăng trưởng thống nhất.
Khẳng định hội nghị có tính hành động, tính chiến đấu, tính cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các đại biểu, lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, đơn vị cần nêu rõ các chỉ tiêu, mục tiêu, giải pháp của bộ ngành, lĩnh vực, địa phương, đơn vị mình, với lộ trình, bước đi, giải pháp cụ thể.
Bộ Tài chính dự báo 2 kịch bản tăng trưởng
Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, bộ đã tham mưu xây dựng 2 kịch bản.
Theo đó, kịch bản 1 xác định tăng trưởng cả năm 2025 đạt 8%. Cụ thể, nếu tăng trưởng quý III đạt 8,3% so với cùng kỳ, quý IV đạt 8,5% thì quy mô GDP cả năm khoảng trên 508 tỷ USD, GDP bình quân đầu người trên 5.000 USD.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VGP)
Các động lực tăng trưởng 6 tháng cuối năm, gồm: Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong 6 tháng cuối năm khoảng 108 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (giá hiện hành) tăng khoảng 12% trở lên; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2025 tăng 16% trở lên. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%.
Kịch bản 2 là tăng trưởng cả năm 2025 đạt 8,3-8,5%. Bộ Tài chính ước tính nếu tăng trưởng quý 3 đạt 8,9-9,2% so với cùng kỳ, quý 4 đạt 9,1-9,5% thì quy mô GDP cả năm khoảng trên 510 tỷ USD, GDP bình quân đầu người trên 5.020 USD.
Các động lực tăng trưởng 6 tháng cuối năm, gồm: Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng cuối năm khoảng 111 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (giá hiện hành) tăng khoảng 13% trở lên; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2025 tăng 17% trở lên. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%.
Bộ trưởng Tài chính cho hay, cùng với việc khai thác cơ hội thị trường để thúc đẩy tiêu dùng và xuất khẩu, đầu tư tiếp tục được xác định là động lực chủ yếu, còn nhiều dư địa, tiềm năng để đẩy mạnh hơn nữa, giúp nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn trong nửa cuối năm 2025, đồng thời hình thành và phát triển năng lực sản xuất mới, không gian mới, tạo tiền đề cho tăng trưởng năm 2026 đạt 10% trở lên.
Tương ứng với 2 kịch bản nêu trên, ông Nguyễn Văn Thắng cho biết Bộ Tài chính đã dự kiến kịch bản tăng trưởng của các địa phương và tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước.
"Các kịch bản tăng trưởng phụ thuộc vào hiệu quả triển khai các chính sách, giải pháp, nhất là trong huy động và sử dụng các nguồn lực cho tăng trưởng", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng nhấn mạnh, Trung ương, Quốc hội quyết nghị mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8% trở lên, tuy nhiên với tinh thần quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn hơn, vượt mọi khó khăn, thách thức thực hiện cao hơn mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo, điều hành các bộ, ngành, địa phương phấn đấu thực hiện theo kịch bản 2 (8,3-8,5%), tạo đà cho tăng trưởng tăng trưởng năm 2026 đạt 10% trở lên.
Để đạt được điều này, Bộ Tài chính cho rằng, các địa phương cần đạt tốc độ tăng trưởng năm 2025 cao hơn so với mục tiêu tại Nghị quyết 25 của Chính phủ, nhất là các địa phương đầu tàu, động lực tăng trưởng của cả nước như: Hà Nội tăng 8,5% (cao hơn 0,5%), TP.HCM 8,5% (cao hơn 0,4%), Quảng Ninh 12,5% (cao hơn 1%), Thái Nguyên 8% (cao hơn 0,5%)…; các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước cần tăng trưởng cao hơn khoảng 0,5% so với chỉ tiêu đầu năm.
Đề cập đến kịch bản tăng trưởng năm 2026, ông Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ Tài chính kiến nghị tiếp tục rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng ngành, lĩnh vực và địa phương, bảo đảm tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2026 đạt 10% trở lên.
Về giải pháp cho kịch bản tăng trưởng, theo Bộ Tài chính, trong thúc đẩy đầu tư, cần huy động vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong 6 tháng cuối năm là khoảng 111 tỷ USD, cao hơn khoảng 3 tỷ USD so với kịch bản tăng trưởng kinh tế cả nước đạt 8%. Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng cuối năm đạt khoảng 28 tỷ USD (tương đương khoảng 700 nghìn tỷ đồng).
Các bộ, ngành, địa phương phải giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2025 và số vốn được giao bổ sung năm 2025 từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi NSNN năm 2024 (khoảng 152,7 nghìn tỷ đồng).
Đầu tư tư nhân khoảng 60 tỷ USD, cao hơn khoảng 3 tỷ USD so với kịch bản tăng trưởng kinh tế cả nước 8%; thu hút FDI đạt 18,5 tỷ USD, vốn FDI thực hiện khoảng 16 tỷ USD; đầu tư khác khoảng 7 tỷ USD.
Về thúc đẩy đầu tư tư nhân, doanh nghiệp nhà nước, cần tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 198/2025 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân và các chương trình hành động của Chính phủ.
Trong nhiệm vụ này, Bộ trưởng Tài chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 (khoảng 16%) trong trường hợp cần thiết, bảo đảm vốn tín dụng cho các ngành, lĩnh vực, dự án ưu tiên; chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các gói 500 nghìn tỷ đồng cho vay doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và công nghệ số, gói tín dụng cho vay người trẻ dưới 35 tuổi mua nhà ở xã hội…