Thủ tướng: Với giao thông trọng điểm, chỉ bàn làm và không bàn lùi là xong hết
'Cứ có giải phóng mặt bằng xong, nỗ lực làm đêm ngày, 3 ca 4 kíp, chỉ bàn làm, không bàn lùi, là xong' – Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh điều này khi đề cập đến các công trình giao thông trọng điểm.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 25/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Chủ trương đầu tư đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
Thay đổi tư duy, khó ở đâu tháo gỡ ở đó
Phát biểu thảo luận tại tổ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trước đây làm chưa nhiều vì chưa thu xếp được vốn, nhưng bây giờ tập trung làm đường cao tốc từ Cao Bằng đến Mũi Cà Mau, hàng loạt đường xương cá. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở dần, tháo gỡ dần. Trong đầu tư phát triển hạ tầng, cần thời gian mới cho thấy được lợi ích, tạo không gian phát triển, do đó đòi hỏi chúng ta phải kiên trì.
Trước những khó khăn trong thực hiện các công trình giao thông trọng điểm, Thủ tướng cho rằng, điều quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy. Nếu trước vướng mặt bằng thì nay ta tách hẳn phần giải phóng mặt bằng sang một bên.
“Cứ có giải phóng mặt bằng xong, nỗ lực làm "3 ca 4 kíp", vượt nắng thắng mưa, "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, làm xuyên lễ, xuyên Tết, chỉ bàn làm, không bàn lùi là xong hết” – Thủ tướng nhấn mạnh và dẫn chứng có công trình xong trước 8 tháng.
Cũng theo Thủ tướng, cần tập trung nhất vào thể chế, chỉ cần tư tưởng thông, thay đổi suy nghĩ, khó ở đâu tháo gỡ ở đó là tốt nhất.
Đối với tuyến Chơn Thanh – Gia Nghĩa, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là con đường chiến lược. Trước mắt cần các cơ chế đặc thù để thực hiện nhưng về lâu dài, tổng thể, phải sửa luật PPP, đầu tư công, luật đấu thầu.
Có ý kiến đại biểu Quốc hội cho biết qua tiếp xúc, nhiều cử tri lo ngại về việc khi xây dựng đường cao tốc, khu vực dân sinh bị chia cắt, do đó đề xuất có văn bản làm cao tốc nếu vướng thì tự động sát nhập, không cần phải trình qua các quy trình khác.
Giải đáp thêm về băn khoăn của đại biểu, Thủ tướng khẳng định: “Chủ trương là làm đường thẳng nhất có thể. Điều đó có thể gây ra chia cắt nhưng hoàn toàn có thể khắc phục như làm nút giao, làm cầu vượt. Ta cần ưu tiên tổng thể, nghiên cứu giải pháp khắc phục”.
Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định tính khả thi
Thông tin tới các đại biểu tại tổ, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh đây là dự án đồng bào Đông Nam Bộ rất chờ đợi. Nếu dự án thành thực hiện, đây sẽ là tuyến đường đẹp, có hiệu quả lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, kết nối Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ và TPHCM.
Cao tốc Gia nghĩa - Chơn Thành có tổng mức đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng, trong đó Nhà nước đầu tư 12.770 tỷ đồng, còn lại nhà đầu tư trúng thầu sẽ đầu tư 12.770 tỷ đồng.
Trước ý kiến của một số đại biểu Quốc hội băn khoăn về tính khả thi, Bộ trưởng GTVT cho rằng có thể yên tâm về việc thu hút đầu tư. Bởi lẽ, đây là dự án có thời gian thu phí không quá dài - chỉ khoảng 18 năm, đã đảm bảo lãi suất ngân hàng, tỷ suất đầu tư, tương đồng với 3 dự án PPP trên trục Bắc - Nam phía Đông đã hoàn thành và sắp tới sẽ thu phí.
Với lo ngại có hai dự án BOT song hành cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa có thể bị ảnh hưởng khi dự án này đi vào vận hành, ông Nguyễn Văn Thắng cho biết, thực tế khi triển khai các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, rất nhiều dự án BOT trước đây bị ảnh hưởng do bị chia sẻ phí.
Về biện pháp tổng thể, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ GTVT tham mưu Chính phủ trình Bộ Chính trị về nội dung về Đề án xử lý khó khăn, vướng mắc dự án BOT giao thông. Bộ đã hoàn tất các nội dung này để trình Ban cán sự đảng Chính phủ, sau đó trình Bộ Chính trị và đưa ra tại kỳ họp thứ 7 để Quốc hội quyết định.
Liên quan đến trạm dừng nghỉ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết Bộ GTVT đã quy hoạch mạng lưới trạm, ban hành quy chuẩn quốc gia về đường cao tốc, trong đó có trạm dừng nghỉ và thông tư quy định đầy đủ trạm gồm những gì, đặc biệt dành diện tích xây dựng trạm sạc ở trạm dừng nghỉ tương đương với thế giới.
“Nước ngoài có gì, Châu Âu, Mỹ, Trung Quốc có gì, chúng ta có đầy đủ. Tôi đã chỉ đạo rất kỹ vấn đề này”, ông Nguyễn Văn Thắng nói, và cho biết dự kiến, toàn bộ khu vực cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ có 36 trạm dừng nghỉ.
Tư lệnh ngành giao thông cũng thông tin, trước mắt, các dự án xây dựng trạm dừng nghỉ nhận được sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư. Khi đấu thầu thử, có trạm thu hút 40 đơn vị tham gia. Có một trạm định giá khởi điểm khoảng 120 tỷ đồng nhưng đấu thầu lên hơn 200 tỷ đồng. Đây sẽ là nguồn thu lớn cho ngân sách.