Thủ tướng: 'Vượt nắng thắng mưa' để về đích 3.000 km đường cao tốc
Chính phủ chỉ đạo sớm ban hành quy chuẩn đường cao tốc trong quý 1/2024, đồng thời huy động nguồn lực đầu tư mở rộng 5 tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư 2 làn xe và 7 tuyến chưa có làn dừng khẩn cấp.
Sáng 8/11, tiếp tục phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Mở đầu bài phát biểu giải trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chính phủ trân trọng cảm ơn, lắng nghe và nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước.
Nỗ lực để tăng trưởng GDP đạt trên 5%, tạo đà cho năm 2024
Báo cáo, làm rõ thêm một số vấn đề được các vị đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri quan tâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, trong tháng 10, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước, đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Tuy nhiên, theo người đứng đầu Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn những hạn chế, bất cập như sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn; thị trường lao động, việc làm trong một số lĩnh vực suy giảm; tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên còn cao...
Trong thời gian còn lại của năm 2023, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực, vừa giải quyết những vấn đề trước mắt, vừa chuẩn bị cơ sở, tiền đề cho những năm tiếp theo.
Trong đó tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), các địa phương đầu tàu tăng trưởng. Thực hiện các chính sách hỗ trợ tăng tổng cầu, nhất là các chính sách tài khóa, tiền tệ. Tăng khả năng tiếp cận tín dụng, đất đai, mở rộng thị trường, đa dạng sản phẩm, chuỗi cung ứng; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thu hút vốn đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài.
Thúc đẩy phát triển mạnh công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và thúc đẩy xuất khẩu, tận dụng tốt cơ hội thị trường vào dịp cuối năm, lễ, Tết. Bảo đảm ổn định giá cả, thị trường, nhất là những mặt hàng thiết yếu; đồng thời theo dõi sát, nắm chắc diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả với những vấn đề mới phát sinh.
"Nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, trong đó tăng trưởng GDP đạt trên 5%, tạo đà cho việc thực hiện kế hoạch năm 2024", Thủ tướng nhấn mạnh.
Kiên quyết đảm bảo giữ vững an ninh năng lượng quốc gia
Về vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng, Thủ tướng cho hay, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo từ sớm, từ xa về việc cung ứng đủ điện, xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân.
"Về cơ bản, an ninh năng lượng được đảm bảo; tuy nhiên trong năm nay đã xảy ra tình trạng thiếu điện cục bộ tại miền Bắc vào cuối tháng 5, đầu tháng 6, đúng như các vị đại biểu Quốc hội đã nêu", Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, mặc dù tổng công suất nguồn đạt trên 70.000 MW; nhu cầu thực tế chỉ cần khoảng 52.000 MW; nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan đã dẫn đến tình trạng thiếu điện cục bộ khu vực miền Bắc.
Theo đó, Chính phủ chỉ đạo kiên quyết đảm bảo giữ vững an ninh năng lượng quốc gia. Khẩn trương ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII; rà soát, hoàn thiện thể chế cho phát triển công nghiệp điện tái tạo theo tinh thần Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị.
Nâng cao hiệu quả các khâu truyền tải, điều độ và phân phối, trong đó đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường dây 500 kV từ miền Trung ra miền Bắc; sớm hoàn thiện thị trường mua bán điện cạnh tranh, cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế khuyến khích phát triển nguồn điện áp mái tự sản, tự tiêu.
Triệt để tiết kiệm điện trong sản xuất kinh doanh và tiêu dùng; bảo đảm đủ xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng; tăng cường hợp tác quốc tế. Đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng xanh, sạch, công bằng gắn với cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đặt mục tiêu 3.000 km đường cao tốc đến cuối nhiệm kỳ
Khái quát bức tranh về các dự án hạ tầng quan trọng ngành giao thông, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các dự án giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, gồm 36 dự án với 83 dự án thành phần.
"Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, động viên, khích lệ các đơn vị thi công và người lao động 'vượt nắng, thắng mưa', 'xua tan dịch bệnh', làm việc '3 ca, 4 kíp', xuyên lễ, xuyên Tết, nỗ lực hết mình để hoàn thành, sớm đưa công trình vào sử dụng", Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Thủ tướng thông tin về việc tháo gỡ những bất cập, vướng mắc kéo dài để khởi công, triển khai các dự án giao thông trọng điểm, như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sân bay Điện Biên, Vành đai 3 TP HCM, Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và nhiều dự án đường bộ cao tốc khác.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ nêu thực trạng một số dự án còn chậm tiến độ, đội vốn, chia nhỏ gói thầu, chất lượng chưa đồng đều. Một số đoạn, tuyến cao tốc chưa xây dựng đủ 4 làn xe, chưa có trạm dừng nghỉ, làn dừng khẩn cấp; hoàn trả đường dân sinh, hậu cần còn bất cập...
Chỉ ra nguyên nhân từ tác động khách quan cũng như chậm về thủ tục, người đứng đầu Chính phủ khẳng định tới đây sẽ chỉ đạo sớm ban hành quy chuẩn đường cao tốc trong quý 1/2024; rà soát, tính toán hợp lý, huy động nguồn lực đầu tư mở rộng 5 tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư 2 làn xe và 7 tuyến chưa có làn dừng khẩn cấp.
"Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ hoàn thành mục tiêu ít nhất có 3.000km đường bộ cao tốc theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng", Thủ tướng nhấn mạnh.