Thư về tòa soạn: Đời sống đồng bào Khơ Mú ở Tân Uyên ngày càng phát triển

Huyện Tân Uyên (Lai Châu) có đông đồng bào Khơ Mú, sinh sống ở 7 xã: Nậm Cần, Pắc Ta, Phúc Khoa, Trung Đồng, Mường Khoa, Nậm Sỏ, Thân Thuộc và thị trấn Tân Uyên.

Theo đồng chí Nguyễn Quốc Hương, Trưởng phòng Dân tộc huyện Tân Uyên, những năm qua, cùng với đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện, đời sống của đồng bào Khơ Mú đã có sự phát triển rõ rệt về mọi mặt. Bà con tập trung phát triển vùng cây trồng, vật nuôi hợp lý, sản xuất nông sản, nhất là nông sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao; tích cực thâm canh tăng vụ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tăng cường quản lý, khoanh nuôi, bảo vệ rừng, trồng rừng kinh tế, rừng phòng hộ. Đồng bào cũng tích cực tham gia các phong trào xây dựng đời sống văn hóa; hiến đất, góp công làm đường giao thông. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người ở huyện đạt 47 triệu đồng/năm; 100% các bản, khu dân cư có đường xe máy hoặc ô tô đi lại thuận lợi; huyện còn 68 hộ người Khơ Mú thuộc diện nghèo (6,78%), thấp hơn tỷ lệ hộ nghèo chung của đồng bào dân tộc thiểu số toàn huyện là 9,06%.

 Mô hình trồng bí xanh giúp các hộ dân đồng bào Khơ Mú ở bản Hô Ta, xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên nâng cao thu nhập.

Mô hình trồng bí xanh giúp các hộ dân đồng bào Khơ Mú ở bản Hô Ta, xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên nâng cao thu nhập.

Ghi nhận thực tế tại các xã: Trung Đồng, Phúc Khoa và thị trấn Tân Uyên, chúng tôi nhận thấy, từ bí thư chi bộ bản đến các đảng viên người dân tộc Khơ Mú đều tiên phong phát triển kinh tế gia đình để bà con noi theo. Những ruộng bí xanh, dưa bao tử sai trĩu quả, ngô ngọt xanh tươi của gia đình các đảng viên... là thực tiễn sinh động có tính thuyết phục đối với bà con. Đồng chí Hoàng Văn May, Bí thư Chi bộ bản Hô Ta, xã Phúc Khoa cho biết: “Bản có 89/168 hộ dân là người dân tộc Khơ Mú. Cùng với tuyên truyền, định hướng cây trồng, vật nuôi, tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật thì phải chứng minh được hiệu quả để bà con nghe theo, dần thay đổi phương thức canh tác. Hiện nay, bà con trồng các giống cây có giá trị kinh tế cao, chăn nuôi có quy mô hơn nên cuộc sống ngày càng khá giả, bản chỉ còn 2 hộ nghèo”. Cùng với phát triển kinh tế gia đình, đồng bào, nhất là thanh niên dân tộc Khơ Mú đã chủ động tìm việc qua trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh, qua các đợt tuyển lao động của huyện, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Điển hình như anh Lò Văn Tình (25 tuổi) ở bản Kim Pu, xã Trung Đồng, nhờ tìm được việc làm đã tích góp xây được ngôi nhà khang trang, rộng 90m2...

Bài và ảnh: NGÂN KHÁNH - QUỐC THÁI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/thu-ve-toa-soan-doi-song-dong-bao-kho-mu-o-tan-uyen-ngay-cang-phat-trien-782494