Thuận Châu tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ

Hướng tới phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững, huyện Thuận Châu tập trung vận động người dân, HTX, doanh nghiệp thực hiện sản xuất theo hướng hữu cơ nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng, nâng giá trị nông sản, tăng thu nhập cho nông dân.

Mô hình trồng thanh long ruột đỏ theo hướng hữu cơ tại xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu.

Mô hình trồng thanh long ruột đỏ theo hướng hữu cơ tại xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, cho biết: Triển khai thực hiện hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp thực hiện chương trình sản xuất theo hướng hữu cơ, từ năm 2018-2021, huyện đã hỗ trợ với số tiền hơn 4 tỷ đồng, để các HTX, doanh nghiệp mua chế phẩm vi sinh, phân bón hữu cơ. Đến nay, toàn huyện có trên 300 ha cây ăn quả, lúa trồng theo hướng hữu cơ.

Tháng 1/2018, Công ty cổ phần Nông sản sạch Sơn La, ở bản Hưng Nhân, xã Chiềng Pha, triển khai trồng 10 ha bưởi ruột hồng, ruột đỏ; được tỉnh hỗ trợ 900 triệu đồng mua phân bón hữu cơ, thuốc phòng trừ sâu bệnh; hỗ trợ chi phí thuê tổ chức chứng nhận sản phẩm hữu cơ, bao bì sản phẩm, thông tin tuyên truyền, truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, Công ty sử dụng các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh định kỳ bằng các loại thuốc thảo mộc và một số loại thuốc sinh học, sử dụng men vi sinh kết hợp với nấm đối kháng Trichoderma, vôi bột, lân nung chảy Lào Cai để làm phân bón cho cây bưởi. Năm 2020, cây bưởi ra quả bói, chất lượng bưởi thơm ngon. Năm 2021, cho thu hơn 20 tấn quả, chủ yếu đem bán lẻ tại các cửa hàng, siêu thị từ miền Trung trở ra; với giá bán lẻ 150.000 đồng/kg quả loại 1; 100.000 đồng/kg quả loại 2; hiện tại, 10 ha bưởi đã được cấp chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam.

Anh Vũ Ngọc Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần Nông sản sạch Sơn La, cho biết: Hiện, Công ty đang liên kết với các hộ dân và HTX sản xuất 284 tấn sản phẩm hữu cơ, gồm: khoai sọ, gừng, bưởi ruột hồng, bưởi ruột đỏ, bưởi ruột vàng, bí thơm, thóc tan Te Lanh, bí đỏ, su su, thanh long, chanh leo, gừng đen, nghệ vàng và các loại rau quả khác, tạo việc làm cho hơn 100 lao động địa phương; tiêu thụ toàn bộ sản phẩm nông sản sau thu hoạch cho nông dân vùng liên kết, từng bước thay đổi ý thức và tư duy sản xuất theo tiêu chuẩn thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch...

Còn tại HTX Sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận, bản Kiến Xương, bà Nguyễn Thị Bình, Phó Giám đốc HTX, chia sẻ: Năm 2019, HTX bắt đầu trồng 10 ha chè theo hướng hữu cơ, tất cả các khâu trồng, chăm sóc, ban đầu gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ, bởi quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ rất khắt khe, mất nhiều công và thời gian chăm sóc, chỉ dùng phân chuồng ủ mục cùng các chế phẩm sinh học trong quá trình trồng, chăm sóc. Hiện, 10 ha chè sản xuất theo hướng hữu cơ đã được HTX chế biến chè thành phẩm. Đến cuối năm 2019, HTX đã xây dựng thành công thương hiệu "Chè Trọng Nguyên - Phổng Lái Thuận Châu". Cũng trong năm 2019, sản phẩm chè của HTX đã đạt sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Năm 2021, Chè Trọng Nguyên được tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia, sản phẩm chè được đem bán tại các siêu thị, gian hàng OCOP, làm quà tặng cho các đoàn khách của huyện, tỉnh, được nhiều khách tiêu dùng trong toàn quốc biết đến.

Trên địa bàn huyện Thuận Châu còn có sản phẩm thanh long ruột đỏ cũng đang được thực hiện theo mô hình sản xuất hữu cơ, đủ điều kiện đưa vào tiêu thụ tại các siêu thị trong nước và xuất khẩu. Riêng năm 2021, đã xuất khẩu 20 tấn thanh long sang Nga, Trung Quốc; dự kiến năm 2022, huyện xuất khẩu sang Hàn Quốc 200 tấn.

Song, trên thực tế, ý thức và tư duy sản xuất của người dân về sản xuất hữu cơ chưa cao; diện tích đất sản xuất và nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch chưa đảm bảo; cơ chế, các chính sách hỗ trợ chưa kịp thời; nhiều diện tích đã trồng theo hướng hữu cơ chưa được công nhận thương hiệu...

Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Bí thư Huyện ủy Thuận Châu, cho biết: Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXI đã ban hành nghị quyết, đề án về phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao; phát triển rừng sản xuất gắn với các cơ sở chế biến lâm sản phù hợp với nguồn nguyên liệu; thúc đẩy và mở rộng nông lâm kết hợp hướng theo thị trường. Theo đó, mục tiêu đề ra đến năm 2025, có ít nhất thêm 4 sản phẩm cây trồng, vật nuôi được cấp chứng nhận là sản phẩm hữu cơ (chè, chăn nuôi, cam, thanh long ruột đỏ); thành lập mới 13 HTX nông nghiệp sản xuất theo hướng hữu cơ; sản phẩm thịt lợn sản xuất theo hướng hữu cơ đạt 300 tấn; tạo thành vùng dược liệu tập trung 300 ha ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và theo hướng hữu cơ tại các xã Long Hẹ, Co Tòng, Co Mạ, Pá Lông... với hình thức liên kết theo chuỗi giá trị.

Để đạt được mục tiêu, huyện Thuận Châu đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó, tăng cường tuyên truyền về lợi ích của sản xuất hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao để dần thay đổi tư duy, phương thức sản xuất; tập trung đầu tư nguồn lực cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn chứng nhận; có chính sách hỗ trợ, kêu gọi các doanh nghiệp, HTX và người dân có nhu cầu sản xuất hữu cơ đầu tư vào sản xuất. Tăng cường xúc tiến thương mại, ổn định thị trường tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm, hướng tới sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, an toàn, thân thiện môi trường, bền vững và giá trị kinh tế cao.

Thủy Ngân

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/thuan-chau-tap-trung-phat-trien-nong-nghiep-huu-co-50136