Thúc đẩy các mũi nhọn trong quá trình phát triển công nghiệp văn hóa

Với lợi thế và tiềm năng về điều kiện phát triển công nghiệp văn hóa, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước có Nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa nhằm thực hiện mục tiêu 'kép' vừa gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa ngàn năm, vừa đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, du lịch văn hóa là một trong các lĩnh vực được tập trung đầu tư với mục tiêu đóng góp vào GDP của thành phố.

Tour du lịch “Tìm về kinh đô người Việt cổ”

Tour du lịch “Tìm về kinh đô người Việt cổ”

Địa phương đầu tiên có nghị quyết chuyên đề công nghiệp văn hóa

Dựa trên những tiềm năng mà không phải địa phương nào cũng có được, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; Mục tiêu đến năm 2030, cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác; Mục tiêu đến năm 2045, là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển toàn diện, là động lực phát triển các ngành, lĩnh vực khác, là tiền đề để xây dựng Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao.

Sở dĩ có điều này vì Hà Nội sở hữu rất nhiều nguồn lực về văn hóa. Hà Nội có lịch sử nghìn năm văn hiến, sở hữu nhiều danh hiệu văn hóa như: Thành phố vì hòa bình; Thành phố sáng tạo, trung tâm đào tạo nhân lực sáng tạo, có nguồn lực xã hội tiềm năng… Năm 2018, công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 1,49 tỷ USD vào tổng sản phẩm trên địa bàn, chiếm tỷ trọng 3,7% GRDP của Hà Nội. Đây là tiền đề để Hà Nội đặt mục tiêu cao hơn trung bình cả nước. Cụ thể, năm 2030, đóng góp khoảng 8% GRDP; năm 2045 đóng góp 10% GRDP, đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn..

Tập trung đầu tư vào lợi thế

Để phát triển công nghiệp văn hóa, Hà Nội tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực giàu tiềm năng, lợi thế như: Du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, quảng cáo, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, điện ảnh, thời trang, ẩm thực, phần mềm và các trò chơi giải trí, truyền hình và thát thanh, xuất bản... phù hợp với thực tiễn Thủ đô và từng giai đoạn cụ thể. Trong đó, du lịch văn hóa đang được các cấp, các ngành triển khai và thu được những thành tựu đáng khích lệ.

Câu chuyện về sự thành công của những sản phẩm du lịch văn hóa tại Hà Nội thời gian gần đây như tour đêm tại di tích nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long, tour văn học tại Bảo tàng Văn học Việt Nam… là một minh chứng rất lớn cho việc dựa vào văn hóa để phát triển du lịch sẽ tạo được sức hút lớn với du khách.

Bên cạnh đó, nhiều tour du lịch mới mang dấu ấn văn hóa Hà Nội, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách cũng ra đời như sản phẩm: Du lịch văn hóa, tâm linh kết hợp chăm sóc sức khỏe tại huyện Sóc Sơn; Bác Cổ - mùa hoa gạo tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia; Tìm về kinh đô Việt cổ tại di tích thành Cổ Loa; Hành trình di sản tại Hoàng thành Thăng Long và làng cổ Bát Tràng… Mỗi tour du lịch có đặc trưng riêng nhưng đều tập trung vào những giá trị cốt lõi của văn hóa Hà Nội. Bước đầu, du khách đã có những phản hồi tích cực khi tham gia trải nghiệm các tour này. Đơn vị quản lý điểm đến cũng như các công ty lữ hành đang tích cực quảng bá tour du lịch mới, đưa sản phẩm đến gần hơn với du khách.

Chia sẻ về tour du lịch “Tìm về kinh đô người Việt cổ”, ông Phùng Quang Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty du lịch bền vững S.T.I.D cho rằng, đây là sản phẩm được công ty và Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội ấp ủ từ lâu với mong muốn mang đến trải nghiệm mới lạ cho du khách khi đến Cổ Loa. Mặc dù, các di tích ở Cổ Loa đã quen thuộc với nhiều người, câu chuyện lịch sử của Cổ Loa đã nằm lòng đối với người dân Việt Nam, nhưng đơn vị tổ chức vẫn mong muốn sản phẩm này mang đến trải nghiệm hoàn toàn mới cho người dân và du khách để di sản có sức sống mới trong đời sống đương đại.

Theo ông Ngô Văn Nam - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, giá trị của Di tích quốc gia Cổ Loa rất lớn. Việc phát huy giá trị của di tích trong đời sống, thu hút người dân và du khách là bài toán đặt ra nhiều năm nay. Ra mắt tour Tìm về kinh đô Việt cổ sẽ là khởi đầu cho những đổi mới trong cách gìn giữ, phát huy giá trị di sản của Cổ Loa, biến di sản thành tài sản theo chủ trương thực hiện công nghiệp văn hóa của Hà Nội.

Bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội khẳng định, du lịch văn hóa là thế mạnh lớn nhất của du lịch Thủ đô, đồng thời cũng là chủ trương tập trung phát triển của Hà Nội.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/thuc-day-cac-mui-nhon-trong-qua-trinh-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-post543832.antd