Thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành logistics

Logistics xanh giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, tránh bị đào thải khỏi các hoạt động thương mại trong nước và toàn cầu. Đó là nhận định được đưa ra tại Tọa đàm giới thiệu Triển lãm quốc tế logistics Việt Nam năm 2024, do Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam tổ chức.

Doanh nghiệp logistics cần tận dụng lợi thế, đưa xanh hóa thành động lực, yêu cầu bức thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh. Ảnh: Quang Vinh.

Doanh nghiệp logistics cần tận dụng lợi thế, đưa xanh hóa thành động lực, yêu cầu bức thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh. Ảnh: Quang Vinh.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ tăng trưởng bình quân 14 - 16%/năm, quy mô 40 - 42 tỷ USD/năm. Số lượng các doanh nghiệp (DN) và chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng.

Theo đánh giá của Agility năm 2023, Việt Nam nằm trong Top 10 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tuy nhiên, khi nhiều xu thế mới đã và đang xuất hiện, ngành logistics thực sự cần có những thay đổi về “chất” để trụ vững. Xanh hóa chính là sự thay đổi cần thiết, gắn với mục tiêu giảm phát thải ròng về 0% (net zero) mà Việt Nam đã cam kết.

Trong bối cảnh ấy, Triển lãm Quốc tế Logistics Việt Nam 2024 (VILOG 2024) đóng vai trò như một nền tảng, nơi các DN logistics trình diễn các giải pháp kỹ thuật, công nghệ và chiến lược tiên tiến nhằm ưu tiên khía cạnh bền vững, thúc đẩy chuyển đổi xanh trong toàn ngành.

"Bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của logistics xanh như là nền tảng cho sự phát triển bền vững, chúng tôi muốn truyền cảm hứng cho các cuộc đối thoại có ý nghĩa, tạo ra các liên kết giá trị và tăng tốc độ thực hiện những thay đổi thể hiện trách nhiệm với môi trường" - ông Hải khẳng định.

Tại buổi tọa đàm, ông Đào Trọng Khoa - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) dẫn một khảo sát vào năm 2022, cho thấy có tới 73,2% DN nói rằng logistics xanh đã nằm trong chiến lược kinh doanh của họ; gần 65% DN tham gia khảo sát cũng cho biết họ có thực hiện kiểm soát môi trường tại DN.

“Với ngành logistics, xanh hóa không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc với các DN” - ông Khoa bày tỏ đồng thời nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay nếu không thực hiện nhanh và ngay các tiêu chí để xanh hóa ngành logistics thì trong tương lai DN sẽ gặp nhiều khó khăn, dần bị “đào thải” ra khỏi các hoạt động kinh doanh, thương mại và xuất nhập khẩu trong nước và toàn cầu.

Theo ông Khoa, việc xanh hóa ngành logistics đương nhiên sẽ tiêu tốn chi phí của DN, tuy nhiên, DN không nên nhìn nhận đó là chi phí mà nên coi đó như những khoản đầu tư cần phải có để đảm bảo cho tương lai cạnh tranh được trong chuỗi ngành logistics toàn cầu.

“DN logistics Việt cần tận dụng lợi thế, đưa xanh hóa thành động lực, yêu cầu bức thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hình ảnh thương hiệu, hướng tới phát triển bền vững và toàn diện hơn trong hoạt động kinh doanh, thương mại” - đại diện VLA cho biết.

Hiện nay, dù đã có cơ chế cho phát triển logistics xanh, nhưng theo giới chuyên gia, việc thực hiện các quy định trong thực tế vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, các quy định và chính sách hiện tại của Chính phủ Việt Nam mới chỉ tập trung vào vận tải đường bộ. Việc hạn chế các quy định liên quan đến các loại cơ sở hạ tầng logistics khác như kho bãi hay hệ thống công nghệ thông tin, dẫn đến tình trạng thiếu đồng bộ trong việc áp dụng và thực hiện logistics xanh.

Trong số các giải pháp thúc đẩy logistics xanh thời gian tới, một giải pháp có thể thực hiện ngay, theo ông Trần Thanh Hải, là cần thống nhất nhận thức về vai trò của ngành logistics, từ đó có chìa khóa triển khai đồng bộ. “Nếu không có nhận thức tương đối đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, từ Trung ương đến địa phương, giữa các hiệp hội và các tổ chức hỗ trợ xúc tiến cho đến các DN và chủ hàng… những giải pháp logistics đưa ra có vẻ tốt và hay nhưng quá trình triển khai sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Khi có sự thống nhất sẽ tạo ra quyết tâm để cải thiện vai trò của logistics” - ông Hải khẳng định.

Theo ông Đào Trọng Khoa - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), với ngành logistics, “Xanh hóa” không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp. Doanh nghiệp logistics Việt cần tận dụng lợi thế, đưa “Xanh hóa” thành động lực, yêu cầu bức thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hình ảnh thương hiệu, hướng tới phát triển bền vững và toàn diện hơn trong hoạt động kinh doanh, thương mại và xuất nhập khẩu toàn cầu.

An Bình

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thuc-day-chuyen-doi-xanh-nganh-logistics-10279988.html