Thúc đẩy cơ hội tiếp cận an sinh xã hội cho lao động là lái xe công nghệ

Hiện nay, lái xe công nghệ không còn là công việc kiếm thêm lúc nhàn rỗi, mà đã trở thành một nghề. Tuy nhiên, lực lượng này lại gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách an sinh xã hội, trong đó có chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT). Do đó, đảm bảo an sinh cho nhóm lao động này là việc mà các cơ quan chức năng cần quan tâm.

Mong được quan tâm, đảm bảo quyền lợi

Anh Nguyễn Đức Cường (46 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) gắn bó với công việc lái xe công nghệ hơn 2 năm nay. Bởi vậy, anh hiểu rõ những rủi ro mà mình thường xuyên phải đối mặt, nhất là việc đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Cũng vì vậy, thời gian qua, anh Cường luôn duy trì tham gia đầy đủ BHXH, BHYT tự nguyện để phòng thân. “Không chỉ được thụ hưởng nhiều quyền lợi, chế độ, thủ tục đăng ký đóng BHXH tự nguyện cũng rất thuận tiện, nhanh chóng, tạo thuận lợi cho người tham gia”, anh Cường cho biết.

Bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng Phòng Truyền thông BHXH thành phố Hà Nội giải đáp thắc mắc của người lao động về chính sách BHXH, BHYT tự nguyện.

Bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng Phòng Truyền thông BHXH thành phố Hà Nội giải đáp thắc mắc của người lao động về chính sách BHXH, BHYT tự nguyện.

Tuy nhiên, trên thực tế không có nhiều lái xe công nghệ biết lo xa như anh Cường. Hơn 6 năm làm nghề này, anh Thạch Như Quân (40 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) thường xuyên làm việc hơn 12 tiếng/ngày (thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày) và hầu như không có ngày nào được nghỉ. Theo anh Quân, giờ đây lái xe công nghệ không còn là công việc kiếm thêm lúc nhàn rỗi, mà đã trở thành một nghề, với rất nhiều rủi ro tiềm ẩn, trong khi nhiều người chưa tham gia BHXH, BHYT. “Tài xế xe công nghệ không có BHXH, BHYT, dù hãng thu tiền chiết khấu và thuế thu nhập cá nhân từ những cuốc xe. Điều này khiến chúng tôi cũng lo lắng về cuộc sống sau này”, anh Quân chia sẻ.

Trong khi đó, anh Nguyễn Tiến Giỏi (33 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) làm “đối tác” cho Grab được gần 7 tháng cho biết: “Hằng nằm, tôi vẫn chủ động mua thẻ BHYT để phòng những lúc ốm đau, bệnh tật. Tuy nhiên, do tuổi còn trẻ, chưa có thời gian tìm hiểu, nên tôi chưa tham gia BHXH…”. Chia sẻ với phóng viên, anh Giỏi bày tỏ mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc yêu cầu công ty đóng BHXH, BHYT để đảm bảo quyền lợi cho lái xe công nghệ. “Chúng tôi không có bất cứ nguồn hỗ trợ nào khác, phải tự bỏ tiền túi mua BHYT để phòng khi ốm đau, bệnh tật, chứ chưa có điều kiện tham gia BHXH tự nguyện. Chúng tôi mong được đảm bảo quyền lợi để sau này có lương hưu như những lao động khác”, anh Giỏi bày tỏ.

Thu hẹp “khoảng trống an sinh”

Những năm gần đây, số lượng lái xe công nghệ tăng nhanh. Vì vậy, để có thu nhập, nhiều người phải đánh đổi thời gian và sức khỏe, bất chấp hiểm nguy để làm việc, đặc biệt luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro tai nạn nghề nghiệp, nguy cơ bị cướp giật… Quan tâm tới nhóm đối tượng ngày càng có chiều hướng gia tăng này, mới đây Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị tuyên truyền văn hóa giao thông và chính sách BHXH, BHYT cho đội ngũ lái xe công nghệ. Hội nghị đã thu hút hơn 100 người lao động thuộc Nghiệp đoàn Lái xe công nghệ Thủ đô tham dự.

Lái xe công nghệ tìm hiểu về chính sách BHXH, BHYT.

Lái xe công nghệ tìm hiểu về chính sách BHXH, BHYT.

Tham dự Hội nghị với vai trò là báo cáo viên về chính sách BHXH, BHYT, bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông (BHXH thành phố Hà Nội) đã thông tin tới các lái xe công nghệ về tầm quan trọng của chính sách BHXH tự nguyện, BHYT. Theo bà Châu, chính sách BHXH tự nguyện với phương thức đóng linh hoạt, mức đóng phù hợp với khả năng tài chính của mỗi cá nhân và có thể thay đổi mức đóng từ thấp lên cao. Trong trường hợp rủi ro, bị giảm thu nhập, người tham gia có thể tạm ngừng đóng và được bảo lưu thời gian đóng để làm cơ sở cộng nối thời gian đóng sau đó. Do đó, các lái xe công nghệ không cần băn khoăn về việc phải có mức thu nhập đều đặn hàng tháng.

Đặc biệt, tham gia BHXH tự nguyện, sau này các lái xe công nghệ sẽ được hưởng lương hưu hằng tháng để ổn định cuộc sống. Hiện, những người thuộc đối tượng hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ 30%, hộ cận nghèo được hỗ trợ 25%; còn các lái xe công nghệ thuộc nhóm đối tượng khác được hỗ trợ 10%. Vì vậy, hiện nay các lái xe công nghệ có thể tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng phù hợp.

“BHXH tự nguyện là chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Tham gia BHXH tự nguyện, lái xe công nghệ không chỉ được Nhà nước hỗ trợ mức đóng, mà còn được hưởng nhiều quyền lợi thiết thực như: Có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng và được cấp thẻ BHYT miễn phí; người thân được nhận chế độ tử tuất khi chẳng may người tham gia qua đời” - bà Dương Thị Minh Châu phân tích thêm những quyền lợi người lao động được hưởng.

Chia sẻ thêm về áp lực làm việc và những rủi ro mà lái xe công nghệ phải đối mặt, bà Tạ Thị Mỹ Thanh - Chủ tịch Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, đây là thực trạng và là bài toán nan giải về an sinh xã hội mà tổ chức Công đoàn cũng như các ngành chức năng cần phải tính đến, nhằm đảm bảo công bằng trong quan hệ lao động, cũng như chăm lo cho người lao động được toàn diện. “Việc tuyên truyền, vận động nhóm lao động là tài xế xe công nghệ tham gia BHXH tự nguyện, BHYT nhằm lấp đầy khoảng trống an sinh cho nhóm lao động này là điều cần thiết” - bà Thanh cho hay.

Chủ tịch Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội Tạ Thị Mỹ Thanh cho biết, thời gian tới, Công đoàn ngành sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, đảm bảo an toàn, an sinh cho đội ngũ lái xe công nghệ.

Chủ tịch Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội Tạ Thị Mỹ Thanh cho biết, thời gian tới, Công đoàn ngành sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, đảm bảo an toàn, an sinh cho đội ngũ lái xe công nghệ.

Với mục tiêu góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho nhóm lao động tự do; giảm bớt khó khăn, rủi ro trong quá trình làm việc, giúp họ bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống cho mỗi người khi hết tuổi lao động, Chủ tịch Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, thời gian tới, Công đoàn ngành sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình, hội nghị truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ lái xe công nghệ trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ; từ đó xây dựng văn hóa giao thông, giúp giảm ùn tắc, tai nạn giao thông; đồng thời, nỗ lực đưa chính sách BHXH, BHYT tự nguyện đến gần hơn với đội ngũ lái xe công nghệ, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn Thủ đô.

Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cả nước có khoảng 200.000 lái xe công nghệ - những người lái xe (xe máy hoặc ô tô) cung cấp dịch vụ chở người hoặc vận chuyển thức ăn, hàng hóa được điều hành trên nền tảng công nghệ. Có 2/3 lái xe công nghệ đã có gia đình và 60% đang phải làm kiếm tiền để nuôi dưỡng từ 2 người trở lên. Thu nhập bình quân của lái xe công nghệ (đã trừ phí, xăng…) khoảng 7 triệu đồng/tháng đối với lái xe máy; khoảng 12 triệu đồng/tháng với lái xe ô tô.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy “khoảng trống chính sách” đối với nhóm lao động này. Đáng chú ý, rào cản lớn nhất hiện nay đó là lái xe công nghệ, là chỉ có “hợp đồng đối tác” với các đơn vị cung cấp ứng dụng, chứ không phải hợp đồng lao động, nên họ chưa thể tham gia BHXH bắt buộc. Cũng bởi vậy, nhiều lái xe công nghệ mong được công ty hỗ trợ tiền tham gia BHXH, BHYT như lái xe của các hãng taxi khác để được đảm bảo cuộc sống khi về già.

Bảo Duy - Hà Hùng

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/thuc-day-co-hoi-tiep-can-an-sinh-xa-hoi-cho-lao-dong-la-lai-xe-cong-nghe-175515.html