Thúc đẩy động lực tăng trưởng mới để đạt mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên
Chiều 14/2, thảo luận tại Tổ 01 (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội) về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên do Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, các đại biểu thống nhất với 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu và gợi mở nhiều giải pháp để đạt mục tiêu đề ra.

Toàn cảnh Thảo luận Tổ 01
Thảo luận về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, đa số ý kiến cơ bản thống nhất với mục tiêu, yêu cầu, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 trong Tờ trình, Báo cáo của Chính phủ. Việc trình Quốc hội điều chỉnh tăng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai điều hành nội dung thảo luận
Các đại biểu đã phân tích những cơ hội tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2025, đó là phục hồi kinh tế các quý trong năm 2024 ở mức khá, quý sau tăng cao hơn quý trước, đây là đà phục hồi tích cực cho năm 2025. Tăng trưởng diễn ra đều ở tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương. Nhiều thể chế, nút thắt tăng trưởng đã cơ bản được giải quyết xong trong năm 2024, nhất là nút thắt về bất động sản được kỳ vọng sẽ tạo đà bứt phá, đóng góp vào tăng trưởng trong năm 2025. Các đại biểu cũng kỳ vọng, kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng cao và kỳ vọng các cơ hội tăng trưởng đối với ngành công nghệ mới, như trí tuệ nhân tạo, AI...
Tuy vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho rằng, năm 2025 cũng có nhiều thách thức đặt ra có thể ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng 8% vào năm 2025, đó là đà tăng trưởng khó có bước tăng vượt bậc; chiến tranh thương mại có thể đe dọa đến xuất khẩu; nguồn lực sẽ bị phân tán bởi năm 2025 cả nước dồn sức tiến hành nhiều nhiệm vụ lớn, như Đại hội Đảng, tổ chức sắp xếp lại bộ máy; triển khai thực hiện một loạt công việc quan trọng cho giai đoạn 2026-2030...

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội phát biểu
Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8%, đa số ý kiến thống nhất với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được Chính phủ trình Quốc hội. Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội khẳng định, Đề án của Chính phủ thể hiện quyết tâm bứt phá, nhưng nếu năm 2025 không đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8% thì trong giai đoạn tiếp theo khó đạt mức tăng trưởng hai con số. Đại biểu bày tỏ tâm đắc với nhóm nhiệm vụ tập trung nguồn lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, khơi thông nguồn lực đầu tư công, đây là nhóm nhiệm vụ cơ bản, tạo ra cơ sở vật chất cho đất nước.
Các ý kiến cũng gợi mở một số giải pháp trọng tâm cần triển khai trong thời gian tới, trong đó đề nghị bên cạnh động lực tăng trưởng truyền thống, cần xác định các động lực tăng trưởng mới, ưu tiên nguồn lực cho lĩnh vực này. Có giải pháp cụ thể, thực chất, hiệu quả để triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tạo đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia; thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, phát triển lực lượng sản xuất mới, tiên tiến, nâng cao năng suất lao động, đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đề nghị.

Đại biểu tham gia Phiên thảo luận Tổ
Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đề nghị chú trọng thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, tránh tình trạng đội lốt thương mại; Quyết liệt thực hiện Nghị quyết số 25 của Chính phủ về giao chỉ tiêu tăng trưởng, giao nhiệm vụ cho các địa phương, bộ ngành để đạt mục tiêu tăng trưởng. Tiếp tục tháo gỡ rào cản hỗ trợ khu vực đầu tư tư nhân phát triển (bởi trong tháng 1/2025 có hơn 58,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2024).
Nhiều ý kiến nhấn mạnh, đầu tư công năm 2025 lớn, nhưng không nên chủ tập trung vào lĩnh vực hạ tầng, mà nên chuyển đầu tư công vào lĩnh vự sản xuất và thúc đẩy các dự án bất động sản. Đại biểu cho rằng, đầu tư công là lợi ích kép của tăng trưởng, vì vậy cần chú trọng đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, có giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn, vướng mắc để giải ngân vốn đầu tư công đã tồn tại trong nhiều năm qua; xem xét trách nhiệm của người đứng đầu nếu chậm giải ngân vốn đầu tư công.
Đại biểu Trương Xuân Cừ - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đề nghị có giải pháp cụ thể, gắn trách nhiệm thực hiện để đổi mới quản lý đầu tư công; bảo đảm giải ngân được số vốn đầu tư công đã giao dự toán và bổ sung thêm. Có giải pháp thực chất, hiệu quả để thu hút đầu tư xã hội, thực hiện thành công chủ trương lấy “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”.
Đại biểu Tạ Đình Thi – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội bày tỏ lo ngại trước nguy cơ tụt hậu nền kinh tế; các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Tờ trình của Chính phủ cơ bản, đồng bộ. Tuy nhiên, để thúc đẩy tăng trưởng, đại biểu cho rằng, việc tạo lập niềm tin của thị trường là vấn đề cơ bản, vì vậy, kiến nghị nghiên cứu bổ sung giải pháp phát triển toàn diện và đồng bộ các thị trường, trong đó có thị trường hàng hóa dịch vụ, thị trường lao động, thị trường bất động sản, tạo niềm tin cho doanh nghiệp
"Nghị quyết của Quốc hội cũng cần nghiên cứu giao Chính phủ thúc đẩy công tác thông tin, truyền thông để người dân, doanh nghiệp hiểu chính sách, trên cơ sở đó tin tưởng thực hiện", đại biểu Tạ Đình Thi đề nghị.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội phát biểu
Cũng tại thảo luận Tổ 01, đa số đại biểu thống nhất cao với Tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; Các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=92625