Thúc đẩy du lịch làng nghề

Đã có thời gian không ít làng nghề truyền thống đứng trước nguy cơ mai một. Song hiện nay, du lịch kết hợp đã mở ra hướng đi mới cho các làng nghề.

Khách du lịch trải nghiệm thực tế tại làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội). Ảnh: P. Sỹ.

Khách du lịch trải nghiệm thực tế tại làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội). Ảnh: P. Sỹ.

Giàu tiềm năng

Hiện cả nước có 5.400 làng nghề, trong đó có khoảng 2.000 làng nghề truyền thống với lợi thế văn hóa, lịch sử và sản phẩm, rất thuận tiện để xây dựng các chương trình du lịch kết hợp. Du lịch làng nghề là loại hình du lịch văn hóa tổng hợp, đưa du khách tới tham quan, cảm nhận các giá trị văn hóa và mua sắm những hàng hóa đặc trưng. Những năm gần đây, cùng với xu thế hội nhập và mở cửa, đây là tiền đề, cơ hội tốt để các làng nghề đi lên cùng với sự phát triển của ngành du lịch.

Được mệnh danh là “đất trăm nghề” - Hà Nội là một trong những thành phố tập trung số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước với 806 làng nghề và làng có nghề. Mỗi làng nghề đều mang đậm bản sắc riêng. Nhiều làng nghề đã trở thành điểm đến du lịch của Thủ đô, thu hút đông đảo du khách đến thăm mỗi năm. Điển hình như: gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, tạc tượng Sơn Đồng…

Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km là làng nghề dệt nổi tiếng từ lâu ở vùng đất Phùng Xá, thuộc huyện Mỹ Đức. Về với vùng đất này, chúng ta sẽ được nghe những nghệ nhân kể về những giai đoạn hưng thịnh, khó khăn mà nghề dệt nơi đây đã trải qua.

Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Phan Thị Thuận chia sẻ: “Khách du lịch thích nhìn thấy tằm tự dệt, họ muốn tìm hiểu về nghề của mình. Họ cũng thích đằm mình dưới đầm để lấy sen cùng. Mong ước lớn nhất của tôi là nghề tơ tằm và tơ sen được giữ gìn và phát triển, vì cái nghề này mang lại cuộc sống cho người dân nơi đây. Tôi mong mô hình du lịch làng nghề được quan tâm và phát triển, để từ đó sản phẩm được nhiều người biết đến hơn thông qua những du khách đã từng đến tham quan”.

Khi nói về lợi ích của việc xây dựng làng nghề thành điểm đến du lịch, nghệ nhân Phạm Anh Đức ở làng gốm Bát Tràng, Gia Lâm cho biết, khách du lịch trong và ngoài nước đến không chỉ xem, hay mua sản phẩm, họ còn đặt các đơn hàng sản phẩm với mẫu mã, kỹ thuật họ yêu cầu. Từ đó chúng tôi có thêm một dòng sản phẩm mới từ chính yêu cầu của khách.

Miền Trung cũng có hệ thống hàng trăm làng nghề, tiêu biểu như tranh làng Sình, làng gốm Thanh Hà, làng nghề chạm khắc gỗ Mỹ Xuyên, làng mộc Kim Bồng, làng nghề nón Phú Cam, làng đúc đồng Phúc Kiều, làng dệt Mã Châu, làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước…

Phía Nam cũng nổi tiếng với các làng nghề thủ công như sơn mài Tương Bình Hiệp, các làng gốm Lái Thiêu, Tân Vạn, làng nghề điêu khắc đá Bửu Long, các làng nghề cây cảnh ở Bến Tre… Hệ thống các làng nghề phong phú, đa dạng như vậy cho thấy du lịch làng nghề sẽ là loại hình du lịch thế mạnh của Việt Nam.

TS Nguyễn Thị Lan Hương (Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam) nhận định, Việt Nam có hệ thống các làng nghề phong phú, đa dạng là một tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch. Có thể thấy đa số du khách quốc tế khi đến Việt Nam đều muốn mang theo về một món đồ thủ công mỹ nghệ, bởi những sản phẩm này luôn chứa đựng những gì tinh tế nhất của một nền văn hóa.

Gìn giữ bản sắc

Du lịch làng nghề ở nước ta đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Tuy tiềm năng là to lớn nhưng du lịch làng nghề hiện vẫn chưa xứng tầm với những lợi thế sẵn có, bởi các hoạt động còn mang tính tự phát cùng nhiều bất cập trong vấn đề môi trường và cơ sở hạ tầng.

Ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng, phát triển loại hình du lịch làng nghề mang lại lợi ích kép về kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống. Nếu phát huy được hiệu quả tiềm năng của các làng nghề thì lợi ích mang lại là rất lớn. Để khai thác phát triển du lịch làng nghề theo hướng bền vững, nhằm phát huy hiệu quả trên các mặt kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần quan tâm tới công tác bảo vệ, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa cũng như khôi phục và phát triển các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống trong khu vực làng nghề, nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa của làng nghề, tạo sức hút với du khách.

Còn TS Trần Hữu Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian ứng dụng nhấn mạnh vấn đề về môi trường của làng nghề. Theo ông Sơn, muốn phát triển du lịch làng nghề thì cần phải giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Phải chú trọng phát triển làng nghề theo hướng du lịch xanh, du lịch sạch.

Cùng với đó, du lịch làng nghề muốn khai thác hiệu quả thì phải nghiên cứu thị hiếu của du khách đối với các làng nghề. Từ đó có chiến lược về thị trường để đáp ứng được du khách. Song song phải có chính sách hấp dẫn để phát triển du lịch làng nghề. Phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sớm để du khách quốc tế có thể dễ dàng tiếp cận thông tin du lịch về những làng nghề.

Phạm Sỹ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thuc-day-du-lich-lang-nghe-10276634.html