Thúc đẩy hợp tác về khoa học, công nghệ Việt - Nga
Việt Nam và Liên bang Nga có truyền thống hợp tác lâu dài, bền chặt về khoa học và công nghệ.
Nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin cùng Đoàn đại biểu cấp cao Liên bang Nga đến Việt Nam, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái về hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Xin Thứ trưởng cho biết những nét khái quát về quan hệ hợp tác hai nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ?
Hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga có truyền thống lâu đời và là một bộ phận quan trọng không thể tách rời trong mối quan hệ truyền thống, hữu nghị hai nước. Ngay từ sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 30/1/1950, hai nước đã dành ưu tiên cho mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật thông qua việc ký Hiệp định hợp tác khoa học kỹ thuật giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết (Liên Xô) vào ngày 7/3/1959. Trong quá trình 65 năm hợp tác chặt chẽ, hai nước đã ký hàng loạt các hiệp định, thỏa thuận quốc tế về hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Tháng 11/2014, mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Liên bang Nga về khoa học và công nghệ được nâng lên tầm chiến lược khi hai nước ký Hiệp định đối tác chiến lược về giáo dục và khoa học công nghệ (nhân chuyến thăm Liên bang Nga của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tháng 11/2014). Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với đối tác Liên bang Nga cấp kinh phí để thực hiện gần 60 nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu chung trong các lĩnh vực từ công nghệ sinh học, vật liệu mới, điện tử, tự động hóa đến khoa học xã hội và nhân văn, kinh tế.
Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 30/1/1950 đến nay, mối quan hệ giữa Việt Nam với Liên Xô trước đây và Liên bang Nga hiện nay luôn được củng cố và ngày càng phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Tháng 7/1955, trong chuyến thăm Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Liên Xô (và đầu tiên trên thế giới) tại Obninsk (vận hành từ 27/6/1054).
Thời gian sau đó, Việt Nam bắt đầu gửi cán bộ sang Liên Xô học chuyên ngành Vật lý hạt nhân và điện hạt nhân. Từ đó, nhiều thế hệ các nhà khoa học đầu đàn, chuyên gia giỏi của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đã được đào tạo tại Nga, làm nền tảng quan trọng cho sự phát triển của ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam hiện tại. Cùng với đó, Liên Xô đã hỗ trợ Việt Nam việc thiết kế kỹ thuật, khôi phục và nâng công suất Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt từ 250 kW lên 500 kW.
Hiện tại, hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử vẫn tiếp tục được duy trì và thúc đẩy thông qua việc thực hiện Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân (CNST) với lò phản ứng nghiên cứu mới công suất 10 MW cũng như hoạt động hợp tác đào tạo nguồn nhân lực.
Thứ trưởng có thể nói rõ thêm về quá trình triển khai Dự án CNST cũng như việc đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử?
Ngày 21/11/2011, Chính phủ Việt Nam và Liên bang Nga đã ký Hiệp định hợp tác về xây dựng Trung tâm Khoa học và công nghệ hạt nhân tại Việt Nam. Theo đó, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân đặt tại Long Khánh, Đồng Nai và giao Bộ Khoa học và Công nghệ làm chủ đầu tư.
Cấu phần chính của Dự án CNST là lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu mới công suất 10 MW do Liên bang Nga thiết kế, chế tạo và lắp đặt với mục tiêu sản xuất đồng vị phóng xạ phục vụ y tế và công nghiệp; chiếu xạ pha tạp silic bằng neutron để sản xuất chất bán dẫn; thực hiện các nghiên cứu trong lĩnh vực chuyển hóa vật liệu, khoa học vật liệu, các nghiên cứu cơ bản và ứng dụng về vật lý hạt nhân; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Hiện tại, Bộ Khoa học và Công nghệ và Tập đoàn nhà nước về năng lượng hạt nhân Rosatom (được phía Nga giao là đối tác chính thực hiện Dự án) đang phối hợp chặt chẽ trong việc lập Báo cáo nghiên cứu khả thi và Hồ sơ địa điểm. Mặc dù có những khó khăn ban đầu, có thể nói, tới thời điểm này các công việc đang được thực hiện khẩn trương theo đúng tiến độ.
Đây là dự án được cả hai phía Việt Nam - Nga rất quan tâm, được đưa vào danh mục ưu tiên thực hiện trong hợp tác giữa hai Chính phủ. Sự thành công của Dự án không những đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hợp tác khoa học và công nghệ Việt - Nga, giúp nâng cao tiềm lực năng lượng nguyên tử cho Việt Nam trong giai đoạn tới mà đây còn là tiền đề để Việt Nam và Liên bang Nga tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác quan trọng hơn trong tương lai, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.
Để triển khai Dự án CNST, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có những phương án trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực không những cho quản lý và triển khai thực hiện dự án ở các giai đoạn khác nhau mà còn có một kế hoạch chuẩn bị nguồn nhân lực cho vận hành đảm bảo an toàn và khai thác hiệu quả CNST sau khi đi vào hoạt động.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai một dự án về xây dựng lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu công suất lớn, vì vậy, để hỗ trợ công tác thẩm tra, thẩm định cho Báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo phân tích an toàn và hồ sơ thiết kế, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề nghị Tập đoàn nhà nước về năng lượng hạt nhân Rosatom tạo điều kiện để một số cán bộ Việt Nam được tham gia thực hiện thiết kế cơ sở của lò phản ứng và các tính toán, phân tích an toàn đi kèm. Rosatom cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo cán bộ vận hành lò phản ứng nghiên cứu.
Để chuẩn bị cho nguồn cán bộ làm công tác nghiên cứu, ứng dụng để khai thác hiệu quả lò nghiên cứu mới, đảm bảo an toàn, khi CNST đi vào hoạt động, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam xây dựng các nhóm chuyên môn sâu về vật lý lò, thiết kế sử dụng kênh ngang, sản xuất đồng vị phóng xạ trên lò nghiên cứu, nghiên cứu vật liệu, chiếu xạ silic làm bán dẫn, nghiên cứu phân tích kích hoạt, bảo vệ môi trường, an toàn hạt nhân...
Bên cạnh đó, hoạt động hợp tác song phương được đẩy mạnh thông qua việc ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam với Trường Đại học nghiên cứu Bách khoa Tomsk, Đại học Nghiên cứu Hạt nhân Quốc gia Nga (MEPhI); mở rộng hợp tác với Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Dubna (JINR)...
Những ưu tiên hợp tác giữa hai nước về khoa học và công nghệ trong thời gian tới tập trung vào những nội dung gì, thưa Thứ trưởng?
Thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua cơ chế Ủy ban hợp tác về giáo dục, khoa học và công nghệ được tổ chức họp luân phiên hằng năm tại mỗi nước. Việt Nam cùng với đối tác Liên bang Nga sẽ định kỳ xác định những hướng ưu tiên về hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, qua đó tiến hành tuyển chọn để cấp kinh phí thực hiện các nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu chung.
Bộ Khoa học và Công nghệ cũng sẽ phối hợp với phía Nga để xem xét việc mời các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín sang làm việc, giảng dạy ngắn hạn tại các Phòng thí nghiệm, trường đại học của Việt Nam; thúc đẩy việc ký Thỏa thuận hợp tác về đồng tài trợ cho những đề tài, dự án nghiên cứu cơ bản giữa Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam NAFOSTED và Quỹ khoa học Nga. Các hướng ưu tiên hợp tác với Nga trong thời gian tới sẽ tập chung vào các ngành khoa học và công nghệ mà Nga có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như vật liệu mới, công nghệ sinh học, nghiên cứu biển, công nghệ vũ trụ, công nghệ năng lượng, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên...
Đặc biệt, trong thời gian tới, hai bên sẽ tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện Dự án CNST bảo đảm tiến độ, hiệu quả cũng như tuân thủ các quy định của IAEA, Việt Nam và Liên bang Nga, đặc biệt cho giai đoạn phê duyệt địa điểm Trung tâm và báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án (FS); cũng như hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực cho thực hiện Dự án; bảo đảm khai thác vận hành an toàn và hiệu quả sau khi lò phản ứng nghiên cứu mới đi vào hoạt động.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!