Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ

Thực hiện Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ (KTCS) theo Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 12/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh quán triệt và yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương tích cực nghiên cứu, triển khai các nội dung của quyết định; thường xuyên cập nhật thông tin từ các bộ, ngành Trung ương; lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch chuyên ngành để hỗ trợ và phát triển mô hình KTCS.

Trưng bày quảng bá sản phẩm xoài Cao Lãnh

Trưng bày quảng bá sản phẩm xoài Cao Lãnh

Mô hình KTCS đem lại giá trị kinh tế cao, tác động không nhỏ đến người tiêu dùng, cũng như những doanh nghiệp (DN) kinh doanh theo hướng truyền thống. Khi thông tin về hàng hóa được chia sẻ, giá trị của hàng hóa và dịch vụ sẽ tăng lên cho cả DN, cá nhân và cộng đồng. Đối với tỉnh Đồng Tháp, với việc xây dựng kinh tế nông nghiệp, có hệ thống mô hình hội quán, các hợp tác xã, tổ hợp tác... phát triển rộng khắp rất thuận lợi cho việc phát triển mô hình KTCS.

Khái niệm “KTCS” hoặc “mô hình chia sẻ” đã xuất hiện từ rất lâu. Khi nền kinh tế số trở thành xu thế, người dân buộc phải thay đổi cách tiêu dùng để thích ứng thì mô hình KTCS cũng phát triển mạnh mẽ. Trong xu thế công nghệ số, giúp cộng đồng DN, người tiêu dùng có thể chia sẻ và khai thác tài nguyên lẫn nhau. Từ đó, xuất hiện nhiều phương thức kinh doanh mới, sáng tạo, nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực cho DN, cũng như giúp người tiêu dùng tiếp cận và lựa chọn sản phẩm dễ dàng hơn, trong số đó có mô hình KTCS.

Thời gian qua, ngành công thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành rà soát các hoạt động theo mô hình KTCS; đề xuất các biện pháp quản lý theo quy định hiện hành nhằm tạo điều kiện cho KTCS phát triển. Trong các hoạt động chuyên môn của từng ngành đều lồng ghép hoạt động KTCS, qua đó, hỗ trợ và thúc đẩy mô hình phát triển; bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các DN kinh doanh theo mô hình KTCS và kinh tế truyền thống; bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp giữa người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ và DN cung cấp nền tảng, khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển nền kinh tế số.

Đồng Tháp thực hiện các mô hình cải cách hành chính với mục tiêu xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ Nhân dân giai đoạn 2021 - 2022 như: “Cà phê Doanh nhân - Doanh nghiệp”, “Hẹn giờ hướng dẫn kê khai, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại nhà”; “Đề án chuyển giao nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công”; “Tổng đài thông tin Dịch vụ công 1022”; “Kết hợp dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC)”... Công tác đơn giản hóa TTHC được tập trung thực hiện, nhằm rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục trên các lĩnh vực như: đầu tư công, tiếp cận đất đai, đăng ký tài sản, cấp phép xây dựng, đăng ký kinh doanh,...

Về chính quyền điện tử và dịch vụ công trực tuyến, UBND tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động. Đến nay, Đồng Tháp đã triển khai cung cấp 1.047/1.698 TTHC trực tuyến (đạt 61,6%) bao gồm cả dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần. Đồng thời tiếp tục tích hợp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia theo quy định. Tỷ lệ hồ sơ TTHC tiếp nhận trực tuyến trên địa bàn tỉnh đạt 56,6%.

Công tác cải thiện môi trường đầu tư được UBND tỉnh đặc biệt quan tâm và chỉ đạo thực hiện, đạt được những kết quả quan trọng. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh được cộng đồng DN đánh giá là 1 trong 5 địa phương có “chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất nước” từ năm 2008 - 2023; Chỉ số PAR thuộc “Nhóm B”; Chỉ số PAPI thuộc nhóm “Trung bình cao” của cả nước. Công tác đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho DN được duy trì và thực hiện có hiệu quả, hàng năm, tổ chức đối thoại công khai ít nhất 2 lần với DN, báo chí; duy trì và nhân rộng mô hình “Cà phê Doanh nhân - Doanh nghiệp”.

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 181/KH-UBND ngày 30/6/2017 về việc phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 và Kế hoạch số 39/KH-UBND ngày 3/2/2021 về phát triển thương mại điện tử tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 -2025, đã góp phần tích cực cho sự phát triển mô hình KTCS của tỉnh. Kết quả, năm 2023 kinh tế số của tỉnh tiếp tục duy trì đà phát triển ổn định, tỷ lệ doanh thu đạt 4,96% GRDP của tỉnh (tăng 1,34% so với năm 2022).

Mô hình KTCS tác động tích cực đến môi trường, giúp tiết kiệm trong sử dụng tài sản, máy móc, thiết bị, tài nguyên...Các hoạt động KTCS tác động tích cực tới môi trường thông qua giảm phát thải khí nhà kính, giảm khối lượng các chất thải ra môi trường, tạo bước chuyển biến tích cực, hướng tới nền nông nghiệp xanh, phát thải cac-bon thấp, thân thiện với môi trường, một nền nông nghiệp đầu tư có trách nhiệm, minh bạch, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân trong tình hình mới phù hợp với lợi thế kinh tế nông nghiệp của tỉnh.

KTCS cũng giúp giảm chi phí giao dịch trong các hoạt động kinh tế. Thông qua các nền tảng trực tuyến, người mua và người bán dễ dàng liên hệ với nhau, tương tác trực tiếp với nhau; tiết kiệm được thời gian tìm đối tác, thời gian thương lượng và thực hiện giao dịch nhanh chóng. Qua đó, người tiêu dùng được hưởng lợi và hiệu quả sản xuất trong nền kinh tế tăng lên.

Trong thời gian qua, tỉnh luôn chủ động hỗ trợ các DN trên địa bàn tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm, quảng bá hình ảnh của tỉnh thông qua chương trình hội chợ, các chương trình xúc tiến thương mại... Các DN nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình đối với đời sống, xã hội, từ đó có nhiều đóng góp hơn cho tỉnh và chủ động đầu tư sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ...

TN

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/thuc-day-mo-hinh-kinh-te-chia-se-126519.aspx