Thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho rằng, để Nghị quyết sau ban hành sớm đi vào cuộc sống, cần rà soát cẩn trọng để có sự tiếp nối, kế thừa các chính sách đã triển khai. Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, hướng dẫn khi triển khai chính sách của Nghị quyết.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng phát biểu thảo luận tại điểm cầu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng phát biểu thảo luận tại điểm cầu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Về điều hòa kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn đầu tư công thực hiện Chương trình trong 02 năm 2022-2023, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho rằng, việc bổ sung nguồn vốn tập trung cho Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 trong chính sách tài khóa, tiền tệ là cần thiết và hợp lý. Riêng nội dung Chính phủ trình Quốc hội xem xét chấp thuận đầu tư Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu theo phương thức đầu tư công của chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, theo đại biểu, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị Quốc hội xem xét các ưu điểm để cân nhắc đầu tư công đối với dự án này so với hình thức đầu tư PPP.

Theo đại biểu, dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư PPP tại Quyết định số 1602/QĐ-TTg ngày 23.9.2021 với tổng mức đầu tư (PPP): 19.616 tỷ đồng (trong đó vốn Nhà nước chi trả kinh phí giải phóng mặt bằng, xây dựng công trình tạm 6.629 tỷ đồng, phần vốn nhà đầu tư dự án PPP 12.987 tỷ đồng). Nếu đầu tư theo phương thức PPP thì việc thu xếp tài chính của các nhà đầu tư sẽ khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Dẫn tới chậm trễ trong triển khai dự án.

Trong khi đó, dự án này có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nó bảo đảm tiêu chí đầu tư công trong gói kích thích, hỗ trợ; là tuyến đường huyết mạch trong việc kết nối liên kết vùng, phát huy vai trò của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, là cảng biển nước sâu đặc biệt của cả nước, là một trong 20 cảng lớn nhất thế giới, tiếp nhận tàu trên 200.000 tấn; kết nối cảng hàng không quốc tế Long Thành; nâng cao khả năng kết nối giao thông đa phương thức, rút ngắn thời gian, chi phí vận tải; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng, tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác và phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ theo quy hoạch; góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh. Theo đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, khi dự án này được chuyển sang đầu tư công sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, giảm tổng mức đầu tư đến 931 tỷ đồng so với đầu tư PPP. Giai đoạn 2021 - 2025 cơ bản hoàn thành toàn tuyến.

Để phát huy tối đa lợi thế cảng biển nước sâu đặc biệt Cái Mép - Thị Vải, tăng thu thuế xuất, nhập khẩu, đóng góp cho ngân sách Trung ương và khắc phục điểm nghẽn hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, thúc đẩy phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của đất nước, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị Quốc hội chấp thuận đầu tư dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu theo phương thức đầu tư công của chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội như Tờ trình số 02/TTr-CP ngày 2.1.2022 của Chính phủ đã trình.

Nhật Trường

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thuc-day-phat-trien-vung-kinh-te-trong-diem-phia-nam-klmpghn06w-78812