Thúc đẩy thực chất hợp tác khoa học ở Biển Đông

Giới chuyên gia đánh giá, hợp tác khoa học biển ở Biển Đông phải xây dựng dựa trên niềm tin chính trị được xây dựng thông qua sự phát triển của ngoại giao, tình hữu nghị. Đồng thời cần quản lý tốt rủi ro, căng thẳng trên biển và định hình những trụ cột để củng cố mạnh mẽ khoa học biển.

Quang cảnh phiên thảo luận đầu tiên của Đối thoại biển lần thứ 9. Ảnh: TTXVN

Quang cảnh phiên thảo luận đầu tiên của Đối thoại biển lần thứ 9. Ảnh: TTXVN

Xây dựng lòng tin và tạo dựng môi trường bền vững

Vừa qua đã diễn ra Đối thoại biển lần thứ 9 với chủ đề “Nghiên cứu khoa học biển: Xây dựng lòng tin và tạo dựng môi trường bền vững”. Đối thoại do Học viện Ngoại giao (DAV), Đại sứ quán Anh tại Việt Nam, Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS) đồng tổ chức. Chương trình được tổ chức tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa - nơi đại diện cho hệ sinh thái biển phong phú và đa dạng bậc nhất của Việt Nam.

Bộ Ngoại giao cho biết, Đối thoại biển lần thứ 9 đã thu hút sự quan tâm, tham dự của gần 200 đại biểu quốc tế và trong nước, gồm gần 100 đại biểu tham dự trực tiếp; 17 diễn giả là các chuyên gia, học giả uy tín hàng đầu thế giới và khu vực từ các quốc gia Mỹ, Anh, Đức, Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Philippines, Indonesia… cùng đại diện của các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam…

Trong 4 phiên thảo luận, các đại biểu đã đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay, đặc biệt là khuôn khổ pháp lý nghiên cứu khoa học biển theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Cùng với đó là các vấn đề liên quan tới thực tế quốc tế về nghiên cứu khoa học biển; nghiên cứu khoa học biển tại các khu vực tranh chấp; thách thức hiện hữu, khuyến nghị chính sách…

Đáng chú ý trong phiên thảo luận thứ nhất, Giáo sư David M. Ong của Đại học Nottingham Trent (Vương quốc Anh); Phó Giáo sư, Tiến sĩ Jay L. Batongbacal của Đại học Philippines (Philippines); Giáo sư, Tiến sĩ James Kraska từ Học viện Chiến tranh Hải quân (Hoa Kỳ) cùng nhiều đại biểu đã tham luận, thảo luận về những khía cạnh pháp lý, bao gồm những quy định của UNCLOS liên quan đến hoạt động nghiên cứu khoa học ở Biển Đông. Cùng với đó là những thách thức hiện nay đối với UNCLOS từ sự thay đổi nhanh chóng trong hoạt động của con người và các công nghệ mới. Đồng thời, các chuyên gia cũng thảo luận về những cách thức để đảm bảo, duy trì vai trò quản trị đại dương của UNCLOS.

Trong phiên thứ 2 và thứ 3, Giáo sư John McManus của Đại học Miami (Mỹ); Giáo sư, Tiến sĩ Suzette Suarez đến từ Đại học Hochschule Bremen (Đức); Giáo sư Yen Chiang Chang (Trung Quốc) cùng các chuyên gia đã tham luận, thảo luận xoay quanh tình hình thực tiễn của quốc tế và khu vực về nghiên cứu khoa học biển. Từ đó đưa ra các gợi ý đề xuất, ý tưởng hợp tác nghiên cứu khoa học ở Biển Đông.

Đặc biệt trong phiên thứ 4, các đại biểu đóng góp ý kiến, khuyến nghị chính sách nhằm tăng cường lòng tin giữa các bên trên cơ sở thúc đẩy các hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học biển trong khu vực.

Các diễn giả, các thành viên tham dự đối thoại đánh giá tại các khu vực tranh chấp, tình trạng mất lòng tin giữa các quốc gia ven biển bắt nguồn từ sự tranh chấp các quyền lợi, đã và đang cản trở hợp tác sâu rộng trong các hoạt động nghiên cứu khoa học biển. Do đó, các hoạt động khoa học biển cần tuân thủ nghiêm túc các quy định của UNCLOS, đồng thời cần có những chính sách để giảm sự ngờ vực, tăng cường hợp tác khoa học trong khu vực.

Định hình những trụ cột của nghiên cứu khoa học biển

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn - Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, hoạt động nghiên cứu khoa học biển có tầm quan trọng vô cùng lớn trong việc bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học và phát triển bền vững đại dương. Đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở các khu vực tranh chấp, nghiên cứu khoa học biển là chủ đề để tất cả các bên cùng quan tâm thảo luận, cùng có lợi ích trong việc thúc đẩy hợp tác, qua đó xây dựng lòng tin, góp phần vào thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển chung.

Các đại biểu quốc tế tham dự Đối thoại biển lần thứ 9. Ảnh: TTXVN

Các đại biểu quốc tế tham dự Đối thoại biển lần thứ 9. Ảnh: TTXVN

Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn cũng cho hay, mục đích của Đối thoại biển lần thứ 9 là làm rõ giá trị của hoạt động nghiên cứu khoa học biển trong khu vực Biển Đông. Đây là một khu vực có tính đa dạng sinh học cao nhưng lại đang chịu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường biển, suy giảm các nguồn tài nguyên và các thách thức từ vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Việc nghiên cứu sẽ giúp tìm kiếm các cơ hội nhằm tăng cường hợp tác giữa các quốc gia ven biển và các đối tác quốc tế trong hoạt động nghiên cứu khoa học biển ở khu vực Biển Đông.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, việc ứng dụng khoa học công nghệ là điều vô cùng cấp thiết. Ông Hồi khẳng định, hiện nay không thể khai thác biển bằng các phương tiện lạc hậu và không thể ra biển nếu không ứng dụng khoa học công nghệ. Đây cũng là thực tế ở các quốc gia phát triển. Nếu muốn trở thành cường quốc biển thì khoa học công nghệ phải đi đầu và là tiền đề bắt buộc.

Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, việc cần thúc đẩy mạnh mẽ nhất hiện nay là phải khai thác hiệu quả tài nguyên biển; các vấn đề về biển phải quản lý liên ngành, liên quốc gia, quản lý theo không gian. Các quốc gia ở Biển Đông hiện nay chưa cùng nhau thảo luận sâu sắc về vấn đề khoa học biển, cũng như chưa có sự hợp tác nào cụ thể về các vấn đề không nhạy cảm, ít nhạy cảm.

Đánh giá nhân lực là một trụ cột quan trọng của nghiên cứu khoa học biển, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Huy Giao - Đại học Dầu khí Việt Nam cho rằng, nghiên cứu về biển là nghiên cứu liên ngành, nhưng ở Việt Nam chưa có một trường đại học nào đào tạo chuyên sâu về biển. Trong khi đó, Liên hợp quốc đã xác định giai đoạn năm 2021 - 2030 là thập kỷ đại dương, không chỉ khai thác tài nguyên đại dương để phát triển kinh tế mà còn phải gắn với sự bền vững. Muốn làm tốt nghiên cứu khoa học biển thì phải đào tạo con người, kết hợp đào tạo trong nước và quốc tế.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Huy Giao, hiện nay, lĩnh vực khoa học biển không chỉ thiếu yếu tố về con người mà còn thiếu cả đội ngũ giảng dạy, trong khi cập nhật về khoa học trong giai đoạn hiện nay có tốc độ rất nhanh. Vì vậy, phải sớm có những hợp tác quốc tế, cần một tổ chức liên chính phủ để đào tạo quốc tế. Cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, thiếu hụt nhân lực nghiên cứu khoa học biển là vấn đề chung của nhiều quốc gia nên cần sự hợp tác quốc tế để cùng giải quyết vấn đề này nhằm cùng nhau hướng tới sự phát triển bền vững.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/thuc-day-thuc-chat-hop-tac-khoa-hoc-o-bien-dong-post455467.html