Thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt qua thương mại điện tử xuyên biên giới
Dự thảo Luật Thương mại điện tử đặt nền móng pháp lý mới nhằm thúc đẩy xuất khẩu số, hỗ trợ doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường toàn cầu.
Bước tiến toàn diện trong quản lý và hỗ trợ xuất khẩu số
Dự thảo Luật Thương mại điện tử dự kiến trình Quốc hội và có hiệu lực từ năm 2026, đang được đánh giá là bước ngoặt lớn trong việc xây dựng khung pháp lý đầy đủ và hiện đại cho hoạt động kinh doanh trực tuyến tại Việt Nam. Đặc biệt, một trong những trọng tâm quan trọng được đặt ra là thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ qua các nền tảng thương mại điện tử trong nước và xuyên biên giới.
Theo nội dung dự thảo, Luật được thiết kế để áp dụng cho cả tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài khi tham gia hoạt động thương mại điện tử tại thị trường Việt Nam. Dự thảo luật hóa các loại hình nền tảng thương mại điện tử, từ nền tảng kinh doanh trực tiếp, trung gian, mạng xã hội đến tích hợp đa dịch vụ và quy định rõ điều kiện hoạt động, trách nhiệm pháp lý, nghĩa vụ lưu trữ dữ liệu, kiểm duyệt thông tin, bảo vệ người tiêu dùng cũng như nghĩa vụ thuế.

Thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt qua thương mại điện tử xuyên biên giới. Ảnh minh họa
Tại Hội nghị lấy ý kiến Dự thảo Luật Thương mại điện tử do Bộ Công Thương tổ chức ngày 30/6/2025, nhiều ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và hiệp hội chuyên ngành cho rằng, hệ sinh thái hỗ trợ xuất khẩu số hiện vẫn còn nhiều khoảng trống và chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.
Đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) đánh giá: “Dự thảo chưa làm rõ các chính sách để khuyến khích các đối tượng tham gia hệ sinh thái xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ Việt Nam qua thương mại điện tử”.
Theo vị đại diện USABC, cần xây dựng cơ chế ưu đãi rõ ràng đối với các sàn giao dịch điện tử quốc tế nếu họ tích cực hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa Việt. “Có thể xem xét miễn, giảm thuế cho doanh thu từ hoạt động quảng bá, tiếp thị hoặc hỗ trợ người bán Việt Nam; tạo chính sách kết nối trực tiếp giữa người bán và sàn giao dịch nước ngoài và đơn giản hóa thủ tục hành chính nếu các nền tảng này có đóng góp tích cực”, đại diện USABC đề xuất.
Liên quan đến việc thúc đẩy xuất khẩu qua thương mại điện tử, bên cạnh các nguyên tắc pháp lý chung, dự thảo Luật đặt trọng tâm vào việc minh bạch hóa các giao dịch điện tử. Việc hợp đồng điện tử có giá trị pháp lý như văn bản gốc giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng yên tâm hơn khi thực hiện các giao dịch số. Các quy định chi tiết về quy trình giao kết hợp đồng, từ khâu mời chào, xác nhận, đến việc hủy hợp đồng và lưu trữ thông tin, là những công cụ pháp lý cần thiết để hạn chế rủi ro trong giao dịch quốc tế.
Đối với nền tảng có yếu tố nước ngoài, vốn là nơi tập trung phần lớn lưu lượng xuất khẩu số, Luật quy định rõ điều kiện để hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, như phải có tên miền “.vn”, ngôn ngữ hiển thị tiếng Việt hoặc lượng giao dịch từ Việt Nam vượt ngưỡng 100.000 lượt/năm. Các chủ thể nước ngoài trong trường hợp này bắt buộc phải có pháp nhân đại diện hoặc ủy quyền tại Việt Nam, đảm bảo năng lực tài chính và kỹ thuật, chịu trách nhiệm liên đới về pháp lý nếu xảy ra vi phạm.
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cũng khẳng định, đây là một trụ cột cần ưu tiên. Từ đầu năm đến nay, Hiệp hội đã đồng hành cùng Ban soạn thảo góp ý cho Dự thảo Luật với kỳ vọng định hình hành lang pháp lý vừa quản lý hiệu quả, vừa tạo thuận lợi để thương mại điện tử trở thành kênh xuất khẩu chiến lược của doanh nghiệp Việt.
Về phía các doanh nghiệp thương mại điện tử, đại diện Shopee nhấn mạnh yếu tố công bằng: “Nếu doanh nghiệp nội địa phải đáp ứng hàng loạt điều kiện pháp lý khi hoạt động thương mại điện tử, doanh nghiệp xuyên biên giới cũng cần chịu trách nhiệm tương xứng khi tham gia vào xuất khẩu tại Việt Nam”.
Đại diện Shopee đề xuất bổ sung vào Điều 31 của Dự thảo một điều khoản bắt buộc các nền tảng xuyên biên giới khi đạt quy mô lớn phải được đánh giá an ninh mạng và chấp thuận từ Bộ Công an, giống như các nền tảng nội địa có vốn đầu tư nước ngoài.

Đại diện Shopee đề xuất bổ sung vào Điều 31 của Dự thảo một điều khoản bắt buộc các nền tảng xuyên biên giới. Ảnh minh họa
Đồng thời, các doanh nghiệp trong nước cũng đề xuất chỉ cho phép mỗi nền tảng xuyên biên giới chỉ định một pháp nhân ủy quyền duy nhất tại Việt Nam, nhằm đảm bảo trách nhiệm liên đới và tránh tình trạng chuyển đổi đại diện để né tránh nghĩa vụ pháp lý.
Tạo đòn bẩy xuất khẩu nhờ chính sách hỗ trợ
Bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý, Dự thảo Luật Thương mại điện tử dành một chương riêng để thúc đẩy phát triển thị trường, trong đó xuất khẩu qua thương mại điện tử được xác định là trụ cột chiến lược. Cụ thể, giao Bộ Công Thương chủ trì xây dựng Chiến lược phát triển thương mại điện tử quốc gia, trình Thủ tướng phê duyệt, với các chương trình mục tiêu, dự án ưu tiên và cơ chế tài chính kèm theo. Trong đó, việc xây dựng khu thí điểm thương mại điện tử xuyên biên giới là một nội dung đột phá.
Các khu thí điểm này sẽ được hưởng chính sách đặc thù về thông quan, kho ngoại quan, logistics và ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, những đối tượng thường gặp nhiều rào cản khi tiếp cận thị trường xuất khẩu truyền thống.
Bên cạnh đó, Quỹ phát triển thương mại điện tử, một quỹ tài chính ngoài ngân sách trực thuộc Bộ Công Thương, sẽ là nguồn lực chủ đạo để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, phát triển mô hình kinh doanh trực tuyến, nâng cao năng lực tiếp cận thị trường quốc tế. Quỹ này có thể hỗ trợ thử nghiệm mô hình kinh doanh mới (sandbox), phát triển nhân lực, nâng cấp nền tảng số, và tài trợ cho hoạt động xuất khẩu qua thương mại điện tử.
Về hạ tầng hỗ trợ, Luật đề cập đến việc thiết lập nền tảng quản lý hoạt động thương mại điện tử, kết nối với các hệ thống dữ liệu quốc gia, giúp theo dõi, phân tích thị trường, quản lý gian lận và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin kịp thời. Nền tảng này cũng sẽ đóng vai trò như một “cổng thông tin công” tích hợp nhiều chức năng như phản ánh vi phạm, xử lý khiếu nại và thống kê thị trường.
Cơ chế thanh toán đảm bảo cho thương mại điện tử cũng được thiết kế để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tạo sự tin tưởng cho giao dịch xuất khẩu, đặc biệt trong các nền tảng xuyên biên giới. Các doanh nghiệp cung cấp nền tảng sẽ được khuyến khích thiết lập cơ chế đảm bảo chất lượng hàng hóa, dịch vụ, thậm chí có thể bồi thường trực tiếp cho người mua nếu phát sinh tranh chấp.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tài chính khẳng định, sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để xây dựng các cơ chế tài chính minh bạch, hiệu quả. Đáng chú ý, Bộ đang nghiên cứu khả năng triển khai cổng thanh toán thương mại điện tử xuyên biên giới để hỗ trợ truy vết dòng tiền, chống thất thu thuế và đảm bảo minh bạch trong các giao dịch có yếu tố nước ngoài.
Việc ban hành Luật Thương mại điện tử nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, nội luật hóa các cam kết quốc tế, hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ, thống nhất, khắc phục bất cập hiện hành và thích ứng với xu thế chuyển đổi số. Luật hướng đến tạo môi trường pháp lý minh bạch, thúc đẩy sáng tạo, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp, tăng cường quản lý nhà nước và phát triển thương mại điện tử bền vững. Dự thảo Luật được thiết kế bao gồm 7 Chương, 55 Điều.