Thực hiện bằng được các mục tiêu lớn, có tính chiến lược

Kiên trì, kiên định và chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để thực hiện bằng được các mục tiêu lớn, có tính chiến lược - đó là thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân…

Quang cảnh Họp báo. Ảnh: HỒNG NHUNG

Quang cảnh Họp báo. Ảnh: HỒNG NHUNG

Chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Trần Văn Sơn nhấn mạnh khi chủ trì Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025, vừa diễn ra chiều nay (06/5), tại Hà Nội.

Vốn FDI thực hiện cao nhất cùng kỳ giai đoạn 2020-2025

Tại Họp báo, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, tại Phiên họp, Chính phủ thống nhất đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 tiếp tục chuyển biến tích cực; tính chung kết quả 4 tháng đầu năm 2025 tốt hơn cùng kỳ năm 2024 trên hầu hết các lĩnh vực; trong đó nổi bật là:

Kinh tế tiếp tục duy trì đà phát triển tích vực. Nông nghiệp phát triển ổn định: trồng trọt, chăn nuôi, khai thác thủy sản đều đạt kết quả tích cực. Sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 1,4% so với tháng 3; tính chung 4 tháng tăng 8,4% so với cùng kỳ tăng 6,3%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng gần 10%. Thu hút gần 7,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng 23,8%, cao nhất từ trước đến nay.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4 tháng tăng bình quân 3,2%; thu NSNN bằng 48% dự toán năm, tăng 26,3%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt trên 276 tỷ USD, tăng 15,7%, xuất siêu 3,8 tỷ USD. An ninh năng lượng, lương thực được bảo đảm.

Tập trung đẩy nhanh các dự án kết cấu hạ tầng, nhất là bảo đảm hoàn thành trên 3.000 km đường bộ cao tốc và 1.000 km đường ven biển trong năm nay.

Thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng; tổng vốn FDI đăng ký 4 tháng đạt trên 13,8 tỷ USD, tăng 40%; vốn FDI thực hiện đạt trên 6,7 tỷ USD, cao nhất cùng kỳ giai đoạn 2020-2025.

Trình Quốc hội 13 dự án luật để triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Công tác phòng, chống lãng phí được đặc biệt quan tâm. Hoàn thành rà soát, đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội tháo gỡ vướng mắc cho trên 2.200 dự án với tổng vốn gần 6 triệu tỷ đồng và quy mô sử dụng đất khoảng 347.000 ha…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ nhìn nhận còn một số hạn chế: Khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 8% khó khăn hơn do chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ và sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy, xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn lớn, nhất là trước những biến động bên ngoài. Hoạt động sản xuất kinh doanh nhiều lĩnh vực còn khó khăn, tiếp cận vốn tín dụng còn hạn chế. Các động lực tăng trưởng truyền thống chưa đạt kỳ vọng, trong khi các động lực tăng trưởng mới vẫn cần thời gian để phát huy hiệu quả…

Bộ trưởng Trần Văn Sơn điều hành Họp báo. Ảnh: HỒNG NHUNG

Bộ trưởng Trần Văn Sơn điều hành Họp báo. Ảnh: HỒNG NHUNG

Các nhóm giải pháp trọng tâm thời gian tới

Kết luận Phiên họp, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho hay, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần: Kiên trì, kiên định và chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để thực hiện bằng được các mục tiêu lớn, có tính chiến lược - đó là thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân, củng cố quốc phòng an ninh, tăng cường đối ngoại và hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi cho phát triển đất nước.

Thủ tướng nhấn mạnh các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới:

Các Bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo địa phương chủ động rà soát lại công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công để khắc phục các hạn chế, bất cập đã chỉ ra.

Tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là 4 Nghị quyết chiến lược của Bộ Chính trị (Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân). Chuẩn bị kỹ, chu đáo tài liệu phục vụ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Tập trung thực hiện hiệu quả việc sắp xếp địa giới hành chính và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, thực sự chuyển đổi trạng thái từ thụ động giải quyết thủ tục hành chính sang tích cực, chủ động phục vụ nhân dân, doanh nghiệp; cắt giảm thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền, nâng cao tính tự lực, tự cường; rà soát, sửa đổi các văn bản hướng dẫn sáp nhập; rà soát lại toàn bộ việc phân cấp, phân quyền của ngành mình và đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết về phân cấp, phân quyền.

Ứng phó hiệu quả chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ: Chuẩn bị kỹ phương án, đàm phán hiệu quả với phương châm "hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ" và trên tinh thần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam, hướng tới thương mại cân bằng, bền vững. Bảo đảm các nội dung đàm phán không ảnh hưởng đến các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam tham gia. Đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ. Khai thác tốt thị trường trong nước; tăng cường kiểm tra giám sát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Thường xuyên trao đổi và hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động chịu ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ.

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế: Điều hành chính sách tiền tệ, tỉ giá chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho người dân và doanh nghiệp theo Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Tăng cường quản lý thị trường vàng, phòng, chống và cương quyết xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, thao túng, găm hàng và buôn lậu.

Phấn đấu tăng thu ít nhất 15%; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để tăng chi đầu tư phát triển; thực hiện tốt các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí. Phát triển thị trường vốn, trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, minh bạch, bền vững; đẩy mạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng.

Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% kế hoạch; xử lý nghiêm các bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đến 15/3/2025; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao…

Cũng tại Họp báo, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành đã trả lời câu hỏi của các nhà báo về các vấn đề được dư luận quan tâm thời gian qua như: Miễn viện phí toàn dân; tiến độ gói tín dụng 500.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi đối với đầu tư hạ tầng và công nghệ số; tình hình đăng ký doanh nghiệp 4 tháng đầu năm; triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán; kết quả điều tra vụ án sữa giả, thuốc giả; giải pháp ngăn chặn lỗ hổng quản lý sữa giả, thuốc giả, thực phẩm chức năng giả…/.

HỒNG NHUNG

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/thuc-hien-bang-duoc-cac-muc-tieu-lon-co-tinh-chien-luoc-40001.html