Họp báo Chính phủ: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 4 của Việt Nam tăng hơn 21%
Trong tháng 4-2025, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 74,32 tỷ USD, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả tích cực được thông tin tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ được tổ chức chiều 6-5 tại Hà Nội.
Thời gian qua, tình hình kinh tế vĩ mô của nước ta được giữ ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Theo Bộ Tài chính, bình quân 4 tháng đầu năm 2025, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 3,05%. Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 4-2025 ước đạt 199,9 nghìn tỷ đồng; lũy kế tổng thu NSNN 4 tháng đầu năm 2025 ước đạt 944,1 nghìn tỷ đồng, bằng 48% dự toán năm và tăng 26,3% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4-2025 ước tính tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước.
Về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), có 1.204 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 5,59 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và giảm 23,8% về số vốn đăng ký.
Đối với hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa, trong tháng 4-2025, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 74,32 tỷ USD, giảm 1,4% so với tháng trước và tăng 21,3% so với cùng kỳ năm trước.

Quang cảnh cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 6-5. Ảnh: VGP
Bên cạnh đó, an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm, đời sống nhân dân được cải thiện. Trong những tháng đầu năm 2025, các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở tiếp tục triển khai mạnh mẽ Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước. Theo báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 18-4-2025, cả nước đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được 201.651 căn, trong đó khánh thành 105.968 căn và khởi công mới 95.683 căn, đạt 90,36% mục tiêu của Chương trình (223.164 căn).
Chủ trì họp báo, đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ nhìn nhận còn một số tồn tại, hạn chế như: Khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 8% khó khăn hơn do chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ; hoạt động sản xuất, kinh doanh nhiều lĩnh vực còn khó khăn, tiếp cận vốn tín dụng còn hạn chế; các động lực tăng trưởng truyền thống chưa đạt kỳ vọng, trong khi các động lực tăng trưởng mới vẫn cần thời gian để phát huy hiệu quả; phân cấp, phân quyền chưa triệt để; thủ tục hành chính còn rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân...
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, trước những khó khăn, thách thức, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh tinh thần: Kiên trì, kiên định và chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để thực hiện bằng được các mục tiêu lớn, có tính chiến lược; thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân, củng cố quốc phòng, an ninh, tăng cường đối ngoại và hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi cho phát triển đất nước.