Thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy!

'Khẩn trương thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị' - đó là tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết quan trọng có nhan đề: 'Tinh - gọn - mạnh - hiệu lực - hiệu quả'.

Khi dùng thuật ngữ “cách mạng” là ta có thể hiểu sự quyết liệt, quyết tâm chính trị cao nhất khi làm nhiệm vụ tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong thời gian đến. Qua bài viết cho thấy: Chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về cách mạng tinh gọn bộ máy đã nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện một cuộc cách mạnh đồng bộ nhằm xây dựng một hệ thống chính trị hiệu quả, mạnh mẽ hơn và tinh gọn hơn. Tổng Bí thư khẳng định rằng bộ máy hiện tại còn cồng kềnh với nhiều tầng nấc, thường dẫn đến tình trạng chồng chéo chức năng và nhiệm vụ giữa các cơ quan, gây ra lãng phí và kém hiệu quả trong quản lý.

Tổng Bí thư cũng chỉ ra rằng việc cải cách này không chỉ nhằm giảm biên chế đơn thuần mà còn cần gắn với việc nâng cao chất lượng và năng lực của đội ngũ cán bộ. Việc này đòi hỏi sự đồng lòng và quyết tâm cao của toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương để chuyển biến rõ rệt trong thực tiễn cuộc sống. Tổng Bí thư còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải cách thủ tục hành chính, nhằm giảm thiểu những phiền phức cho người dân và doanh nghiệp, từ đó khôi phục niềm tin vào bộ máy nhà nước.

Cuộc cách mạng này không chỉ bám sát các nghị quyết đã ban hành mà còn hướng đến việc tổng hợp, đánh giá những thực tiễn trong 7 năm qua (thực hiện Nghị quyết số 18 ngày 25/10/2017 của Trung ương Đảng (khóa XII) về đổi mới sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị) để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong tổ chức bộ máy nhà nước và của cả hệ thống chính trị.

Đối với Bình Thuận, kết quả thực hiện tinh giản biên chế và tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết Trung ương tại tỉnh đã ghi nhận sự giảm đáng kể trong số lượng biên chế và tổ chức bộ máy. Cụ thể, tỉnh đã giảm biên chế số lượng giảm tương đương tỷ lệ 20,66% so với số biên chế được giao vào năm 2015.

Trong thời gian qua, nhiều cơ quan và đơn vị đã thực hiện xây dựng đề án sắp xếp bộ máy nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Tỉnh ủy Bình Thuận đã hướng dẫn và chỉ đạo các địa phương thực hiện các Đề án sáp nhập, hợp nhất các cơ quan, trong đó 19 đơn vị thuộc các sở và cơ quan ngang sở đã được giảm số lượng chi cục và phòng, đồng thời thực hiện hợp nhất một số bộ phận để nâng cao tính hiệu quả và hiệu lực của bộ máy quản lý. Đến nay, tỉnh đã triển khai nhiều thí điểm hợp nhất các văn phòng và tổ chức bộ máy mới, hướng tới việc không tăng thêm đầu mối và biên chế, nhằm bảo đảm tổ chức bộ máy hoạt động hiệu quả hơn. Nhiều đơn vị cũng đã thực hiện sắp xếp lại, giảm mạnh đầu mối để nâng cao hiệu suất hoạt động, như hợp nhất các bệnh viện và trung tâm y tế tuyến huyện. Bình Thuận còn chú trọng đến việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cải cách hành chính nhằm cải thiện hiệu quả phục vụ người dân. Một thành công đáng chú ý là việc đưa Trung tâm Hành chính công đi vào hoạt động, nơi đã xử lý hàng nghìn hồ sơ với tỷ lệ hài lòng lên tới 92,7% trong thời gian ngắn.

Theo kế hoạch của tỉnh, giai đoạn 2024-2026, tổng số biên chế dự kiến tinh giản lên tới 1.808 biên chế từ các cơ quan, đơn vị sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Đồng thời, sẽ tích cực thực hiện các giải pháp để đảm bảo công chức, viên chức không đáp ứng yêu cầu công việc được đưa ra khỏi bộ máy. Để tinh gọn bộ máy hành chính theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Bình Thuận cần chú trọng thực hiện một nhiệm vụ quan trọng. Trước hết, cần tập trung vào việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW trong 7 năm qua, từ đó đánh giá những kết quả đạt được, hạn chế và đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện thể chế lãnh đạo, quản lý, điều hành dựa theo phương châm chỉ đạo của Tổng Bí thư: “Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Ngoài ra, tỉnh cũng cần gắn tinh giản tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, đảm bảo số lượng và chất lượng phù hợp với yêu cầu nghiệp vụ. Công tác tuyển dụng, đào tạo, đánh giá cán bộ cần phải thực chất và minh bạch.

Cuối cùng, để thực hiện thành công chủ trương này, điều quan trọng là cần sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong tỉnh đến từng cấp lãnh đạo, cán bộ - đảng viên và sự đồng lòng của nhân dân.

HUỲNH THANH

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/thuc-hien-cach-mang-ve-tinh-gon-to-chuc-bo-may-125951.html