Thực hiện đúng tiến độ các đề án khuyến công

Năm 2024, HĐND tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt hỗ trợ 29 đề án khuyến công với kinh phí gần 5,5 tỷ đồng cho 22 đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp. Để sử dụng hiệu quả kinh phí này, Sở Công thương tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị khẩn trương thực hiện đúng tiến độ các đề án khuyến công đã được phê duyệt.

Bám sát mục tiêu hỗ trợ

Năm 2023, sản xuất công nghiệp của tỉnh Ninh Bình phải đối mặt với không ít khó khăn. Nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế thấp nên các doanh nghiệp không ký được đơn hàng mới, thậm chí còn bị hủy các đơn đặt hàng đã ký. Hàng tồn kho tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp phải chủ động cắt giảm sản xuất. Tuy nhiên với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành trong việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn đạt mức tăng trưởng dương. Giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh năm 2023 ước đạt 102.893,2 tỷ đồng, tăng 3,4% so với năm trước.

Cùng với sự phát triển chung của tỉnh, chương trình khuyến công của Ninh Bình có sức lan tỏa mạnh mẽ đến các địa bàn nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, thực hiện xây dựng mô hình nông thôn mới trên địa bàn các huyện, thành phố. Năm 2023, Ninh Bình triển khai 31 đề án khuyến công quốc gia và địa phương với tổng kinh phí hỗ trợ là 7,1 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ 17 cơ sở ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất; tổ chức 3 lớp tập huấn chuyên đề, khởi sự doanh nghiệp, chuyển đổi số cho 360 người; hỗ trợ 15 cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ trong nước; tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn biêu biểu cấp tỉnh,…

Cũng trong năm 2023, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 đã phối hợp Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Ninh Bình hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến hàng nông sản xuất khẩu cho nhiều đơn vị như: Công ty TNHH Thanh An, xã Yên Sơn, TP. Tam Điệp; Công ty CP Thực phẩm Á Châu, phường Nam Sơn, TP. Tam Điệp; Công ty TNHH chế biến nông sản xuất khẩu Vinasam, xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh; Công ty TNHH sản xuất và phân phối thực phẩm An Phú, xã Kim Chính, huyện Kim Sơn... Kết quả nghiệm thu đề án cho thấy, các đơn vị đã tự động hóa một số khâu sản xuất, chế biến giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí và hạ giá thành sản phẩm, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hoạt động khuyến công ngày càng hỗ trợ tích cực cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh. Nguồn:ITN

Hoạt động khuyến công ngày càng hỗ trợ tích cực cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh. Nguồn:ITN

Sở Công thương Ninh Bình đánh giá, chương trình khuyến công năm 2023 đã bám sát mục tiêu, kế hoạch từng giai đoạn. Nội dung hoạt động cụ thể, rõ ràng phù hợp với nhu cầu, khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn. Chính sách khuyến công được dần hoàn thiện đã kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, giúp các doanh nghiệp ổn định phát triển sản xuất. Công tác khuyến công trên địa bàn Ninh Bình hỗ trợ có hiệu quả, đúng hướng, đúng đối tượng, đúng mục đích phát huy được lợi thế vùng nguyên liệu sẵn có của địa phương, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Các chương trình khuyến công đã khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn đẩy mạnh sản xuất, đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Tuy nhiên, công tác khuyến công hiện nay cũng còn một số hạn chế. Không ít cơ sở công nghiệp nông thôn chưa hiểu rõ về chính sách khuyến công, các nội dung của hoạt động khuyến công; đồng thời chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, tăng cường quảng bá, xúc tiến thị trường tiêu thụ.

Tăng quản lý, giảm thủ tục

Năm 2024, HĐND tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt hỗ trợ 29 đề án khuyến công với kinh phí gần 5,5 tỷ đồng cho 22 đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp.

Để sử dụng hiệu quả kinh phí khuyến công được giao, đưa nguồn kinh phí này thực sự trở thành “vốn mồi” để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, Sở Công thương tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị khẩn trương thực hiện đúng tiến độ các đề án khuyến công đã được phê duyệt.

Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm hoàn thành đề án khuyến công theo đúng nội dung, tiến độ và sử dụng kinh phí đúng mục đích, chế độ chính sách cũng như các quy định khác về quản lý hoạt động khuyến công. Phối hợp với các cơ quan tuyên truyền, xây dựng chương trình và dành thời lượng phát sóng cần thiết để tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về khuyến công của nhà nước trên Đài truyền hình, Đài phát thanh của trung ương, của tỉnh.

Đồng thời, tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công; chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung các quy định về xây dựng, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công của tỉnh cho phù hợp với các văn bản pháp luật của Nhà nước. Chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác khuyến công theo hướng tăng cường quản lý nhưng cũng giảm bớt thủ tục hành chính cho các cơ sở được lựa chọn tham gia hoạt động khuyến công. Đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công.

Lam Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/thuc-hien-dung-tien-do-cac-de-an-khuyen-cong-i373509/