Thực hiện nghiêm các quy định về thẩm quyền ban hành, hiệu lực văn bản quy phạm pháp luật

Ngày 6-7, trên cơ sở tham mưu của Sở Tư pháp, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành văn bản triển khai các nội dung về thẩm quyền ban hành, hiệu lực văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh. UBND tỉnh nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ rất quan trọng, cấp bách và yêu cầu Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND cấp xã chủ động nghiên cứu, nghiêm túc thực hiện các quy định của Luật số 87, ngày 25-6-2025 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (có hiệu lực từ ngày 1-7-2025), lưu ý các nội dung về thẩm quyền ban hành, hiệu lực văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh.

Cụ thể, về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, HĐND tỉnh ban hành nghị quyết để quy định chi tiết điều, khoản, điểm và các nội dung khác được giao trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên; chính sách, biện pháp nhằm bảo đảm thi hành Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên; chính sách, biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương; biện pháp khác có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phân cấp và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp; thực hiện thí điểm các chính sách theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. UBND tỉnh ban hành quyết định để quy định chi tiết điều, khoản, điểm và các nội dung khác được giao trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên; biện pháp thi hành Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của HĐND cùng cấp về phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương; biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương; phân cấp và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp. Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định để quy định biện pháp chỉ đạo, điều hành hoạt động của UBND tỉnh; phối hợp hoạt động giữa các cơ quan chuyên môn, cơ quan, tổ chức khác thuộc UBND tỉnh; phân cấp và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp.

Đối với hiệu lực về không gian, các cơ quan nêu trên căn cứ khoản 20 Điều 1 Luật số 87, khẩn trương rà soát văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực của tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Khánh Hòa (cũ) thuộc lĩnh vực do cơ quan, đơn vị đã trình HĐND tỉnh thông qua hoặc UBND tỉnh ban hành để tham mưu cấp có thẩm quyền quyết định áp dụng hoặc bãi bỏ, ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới. Trong đó, chú ý quy định: Văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND ở đơn vị hành chính nào thì có hiệu lực trong phạm vi đơn vị hành chính đó và phải được quy định cụ thể ngay trong văn bản đó. Trường hợp nhiều đơn vị hành chính được nhập thành 1 đơn vị hành chính mới cùng cấp thì văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND của đơn vị hành chính được nhập tiếp tục có hiệu lực trong phạm vi đơn vị hành chính đó cho đến khi HĐND, UBND, Chủ tịch UBND của đơn vị hành chính mới ban hành văn bản hành chính để quyết định áp dụng hoặc bãi bỏ văn bản quy pham pháp luật của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND của đơn vị hành chính được nhập hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới.

Việc áp dụng các chế độ, chính sách đặc thù thực hiện theo khoản 2 Điều 13 Nghị quyết số 76, ngày 14-4-2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025, quy định “giữ nguyên phạm vi, đối tượng và nội dung của các chế độ, chính sách theo quy định Trung ương và địa phương áp dụng đối với đơn vị hành chính như trước khi sắp xếp cho đến khi có quyết định khác của cấp có thẩm quyền".

N.V

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202507/thuc-hien-nghiem-cac-quy-dinh-ve-tham-quyen-ban-hanh-hieu-luc-van-ban-quy-pham-phap-luat-d8b6493/