Thực hiện quy chế dân chủ trong doanh nghiệp

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh có 11 chi hội doanh nghiệp các huyện, thành phố và 6 tổ chức thành viên, với tổng số 834 hội viên. Việc thực hiện quy chế dân chủ được các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chú trọng triển khai thông qua việc tổ chức hội nghị người lao động, ký thỏa ước lao động tập thể; góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

Người lao động làm việc tại Công ty TNHH Thương mại Tiến Đoàn, thành phố Sơn La.

Người lao động làm việc tại Công ty TNHH Thương mại Tiến Đoàn, thành phố Sơn La.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, cho biết: Ban Thường trực Hiệp hội đã có công văn gửi các chi hội, tổ chức thành viên phối hợp tuyên truyền, vận động lãnh đạo, người lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp hội viên thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Kiểm tra tại các chi hội, tổ chức thành viên; thực hiện tốt công tác nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp...

Anh Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung, huyện Mai Sơn, chia sẻ: Công đoàn có 35 đoàn viên. Từ đầu năm, công đoàn phối hợp với ban giám đốc tổ chức hội nghị người lao động và ký TƯLĐTT. Trong đó, cam kết phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi để công đoàn hoạt động theo quy định; đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của người lao động... Người lao động cam kết tôn trọng, chấp hành nghiêm những điều đã ký trong thỏa ước, trong hợp đồng lao động, quy chế, nội quy của công ty... Bản thỏa ước có hiệu lực trong thời hạn 3 năm, có thể được xem xét, sửa đổi, bổ sung hằng năm.

Tại huyện Mộc Châu, có 8 doanh nghiệp thành lập tổ chức công đoàn trực thuộc LĐLĐ huyện và đã ban hành quy chế dân chủ ở doanh nghiệp. Từ đầu năm đến nay, có 7/8 doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động và ký TƯLĐTT. Tại hội nghị, lãnh đạo doanh nghiệp tổ chức lấy ý kiến đóng góp của người lao động xây dựng, sửa đổi, bổ sung nội quy, quy chế và các văn bản quy định liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động; đề xuất, thực hiện giải pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ... Từ đó, nhiều doanh nghiệp khắc phục khó khăn, vươn lên làm ăn có lãi, thực hiện tốt nghĩa vụ đối với nhà nước, đời sống, điều kiện làm việc của người lao động cải thiện.

Toàn tỉnh hiện có 1.260 công đoàn cơ sở, với tổng số 50.28 đoàn viên, trong đó: 1.124 công đoàn cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; 136 công đoàn cơ sở khối doanh nghiệp, HTX, nghiệp đoàn, với 7.936 đoàn viên. Ông Lường Minh Xuấn, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: Thực hiện quy chế dân chủ trong doanh nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về thực hiện quy chế dân chủ trong doanh nghiệp thông qua các văn bản chỉ đạo, điều hành, họp giao ban, hội nghị ban chấp hành, hội nghị tổng kết năm, hội nghị đối thoại, hội nghị tập huấn. Đồng thời, phối hợp với thủ trưởng cơ quan, lãnh đạo doanh nghiệp vận động đoàn viên, người lao động tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; hướng dẫn công đoàn cơ sở các doanh nghiệp tổ chức Tháng công nhân, Tháng an toàn vệ sinh lao động hằng năm; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Kiểm tra tại các chi hội, tổ chức thành viên; vận động hội viên thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn, cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào “Sơn La chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh yêu cầu chi hội doanh nghiệp các huyện, thành phố, tổ chức thành viên phối hợp với Liên đoàn Lao động các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh và thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; nắm tình hình, tư vấn, hỗ trợ ký, đánh giá thỏa ước lao động tập thể; kiểm tra quản lý, thu, chi tài chính công đoàn tại các doanh nghiệp; thành lập tổ công tác dự và nắm tình hình tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và hội nghị người lao động tại các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp...

Đến nay, toàn tỉnh có 80 doanh nghiệp xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở, đạt trên 85%; 89 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đã tổ chức hội nghị đối thoại, thương lượng, ký kết TƯLĐTT, đạt 75,4%, một số doanh nghiệp đối thoại thường xuyên với người lao động thông qua các cuộc họp, giao ban hằng tháng. Quan tâm những nội dung có lợi cho người lao động, như chế độ ăn ca, thăm hỏi, ốm đau, tham quan, du lịch và các chế độ phúc lợi xã hội khác; đề xuất, thương lượng với người sử dụng lao động điều chỉnh giá trị bữa ăn ca từ 20.000 - 30.000 đồng/người/ca.

Đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ trong doanh nghiệp, từ đầu năm đến nay, LĐLĐ tỉnh thành lập đoàn công tác nắm tình hình, tư vấn, hỗ trợ, đánh giá thỏa ước lao động tập thể; kiểm tra quản lý, thu, chi tài chính công đoàn tại 8 doanh nghiệp thuộc LĐLĐ Thành phố, LĐLĐ huyện Mộc Châu, Công đoàn ngành Công Thương; tổ chức tập huấn cho 111 cán bộ công đoàn cơ sở khối doanh nghiệp. Tham mưu cho Ban Chỉ đạo tỉnh về thực hiện dân chủ ở cơ sở thành lập 3 tổ công tác dự và nắm tình hình tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và hội nghị người lao động tại 9 cơ quan đơn vị, doanh nghiệp...

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc các công đoàn cơ sở tham gia xây dựng, thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, các cấp, ngành, Hiệp hội doanh nghiệp trong tỉnh, công đoàn cơ sở cần thực hiện tốt việc tư vấn, hỗ trợ việc thương lượng ký kết và thực hiện thỏa ước lao động để các doanh nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả cao.

Minh Thu

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/thuc-hien-quy-che-dan-chu-trong-doanh-nghiep-ZJZJszlSg.html