Thực hư dòng máy lạnh tiết kiệm điện, chỉ tốn 2000 đồng/đêm

Tiêu thụ điện của máy lạnh còn phụ thuộc vào rất nhiều điều kiện khác nhau như kích thước phòng, số người trong phòng, cách nhiệt của bao che, độ kín khít cửa, lưu lượng gió tươi, nhiệt độ cài đặt...

Thực hư dòng máy lạnh tiết kiệm điện, chỉ tốn 2000 đồng/đêm

Những ngày gần đây, khi nắng nóng lan rộng khắp cả nước, nhiều diễn đàn chia sẻ lại thông tin về một dòng máy lạnh được cho là có khả năng tiết kiệm điện rất lớn. Người dùng chỉ mất khoảng 2000 đồng/đêm cho 8 tiếng sử dụng máy điều hòa.

Theo quảng cáo dòng máy lạnh này sử dụng máy nén swing và động cơ DC từ trở giúp tiết kiệm dài hạn bằng việc giảm hóa đơn tiền điện đáng kể so với các dòng máy không có chức năng inverter. Đồng thời, cải tiến độ ồn dàn nóng và dàn lạnh giúp máy hoạt động êm ái, duy trì nhiệt độ ổn định và đạt công suất tối ưu.

Hãng sản xuất còn đăng thông tin theo thực nghiệm của Quatest 3 (trực thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), điện năng tiêu thụ liên tục trong 8 tiếng của máy lạnh này chỉ từ 0.82kWh, tương đương khoảng 2,000 đồng (ước tính giá điện trung bình là 2,500đ/kWh). Bên cạnh đó, CSPF (Cooling Seasonal Performance Factor - chỉ số hiệu suất lạnh toàn mùa) của máy cũng khá ấn tượng ở mức 5.38.

Quảng cáo máy điều hòa có thể tiết kiệm điện tối ưu.

Quảng cáo máy điều hòa có thể tiết kiệm điện tối ưu.

Hãng công bố điều kiện thử nghiệm nhiệt độ không khí trong phòng là 30 độ C, nhiệt độ không khí ngoài phóng là 30 độ C, nhiệt độ cài đặt máy lạnh là 26 độ C, tốc độ gió để tự động, điện áp nguồn điện 230V, tần số nguồn điện là 50Hz

Thử nghiệm điều hòa loại 9000 BTU (2,5kW) chạy liên tục 8 tiếng từ 22h00 đến 6h00 chỉ hết 0,82kWh có chính xác không? GS.TS Nguyễn Đức Lợi, Hội KH&CN Nhiệt lạnh cho biết, ông đã đọc biên bản thử nghiệm này của Quatest 3 và thấy rằng, phần mô phỏng tải lạnh bằng một bóng đèn 200W cho 2 người ngủ trong phòng là chưa đủ.

Mỗi ngày bật điều hòa 8 tiếng thì mất khoảng bao nhiêu số điện là thắc mắc của không ít người. GS.TS Nguyễn Đức Lợi cho biết, máy điều hòa 9000BTU có công suất động cơ tương đương với 1 bếp điện 750W, máy 24000 BTU tương đương 2000W. Các máy khác có thể tính theo tỉ lệ trên.

Khi chạy máy điều hòa cũng tương đương như bật bếp lên để sử dung. Khi máy 9000 BTU chạy h ban ngày, nhiệt độ ngoài trời là 35 độ C, trong nhà là 27 độ C thì tiêu tốn điện là khoảng 6hWh. Nhưng khi chạy ban êm ở ngoài nhà nhiệt độ là 29 độ C thì điện tiêu thụ có thể giảm đi gần một nửa, còn khoảng 3,5kWh. Nếu chạy điều hòa 8h ban ngày mà tăng nhiệt độ trong nhà lên 28 độ C thì tiết kiệm được khoảng 0,6kWh, ban đêm khi tăng nhiệt độ lên 1 độ thì cũng tiết kiệm được khoảng 0,6kwh.

Nếu là máy điều hòa lớn, phòng lớn thì cũng có thể tính theo tỉ lệ trên. Tuy nhiên, điện tiêu thụ còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề khác như hiệu suất máy, tình trạng vận hành, đủ dầu, đủ ga, không có khí không ngưng, dàn sạch hay bẩn, lắp đặt có chuẩn không, có thông gió hợp lý không... nên sẽ có sai lệch.

"Tuy nhiên, tiêu thụ điện của máy điều hòa còn phụ thuộc vào rất nhiều điều kiện khác nhau như kích thước phòng, số người trong phòng, cách nhiệt của bao che, độ kín khít cửa, lưu lượng gió tươi và nhiệt độ ngoài nhà, nhiệt độ cài đặt trong nhà... Nhưng không thể là 0,82 kWh được", GS.TS Nguyễn Đức Lợi nhận định.

Sử dụng điều hòa tiết kiệm điện

GS.TS Nguyễn Đức Lợi cho biết, nguyên lý làm việc của máy điều hòa cũng như các thiết bị làm lạnh sẽ bao gồm dàn ngưng (dàn nóng), dàn lạnh (dàn bay hơi), máy nén sử dụng điện và thiết bị tiết lưu để giảm nhiệt độ của môi chất (ga lạnh). Lượng điện tiêu thụ trong máy điều hòa tương đối lớn, công suất điện của động cơ máy nén thông thường tiêu hao trên 1KW, tùy thuộc năng suất lạnh của máy. Mỗi năm, nước ta tiêu thụ trên 1,2 triệu máy điều hòa. Tổng lượng điện tiêu thụ cho điều hòa ở các nước có thể lên tới 4-6% lượng điện tiêu thụ chung, như vậy điều hòa đã tiêu tốn một lượng điện đáng kể.

Việc sử dụng điều hòa một cách tiết kiệm đóng góp rất lớn vào chủ trương tiết kiệm năng lượng và hiệu quả của Chính phủ. Để có thể tiết kiệm điện khi sử dụng điều hòa, khi chọn mua máy điều hòa phải chọn năng suất lạnh phù hợp với diện tích của phòng, cũng không nên lớn quá và cũng không nên bé quá. Con số cụ thể nên chọn ý kiến của các chuyên gia. Trên thị trường có rất nhiều hãng khác nhau, khi mua máy điều hòa nên chọn các hãng có uy tín và tất nhiên có thể giá thành cao hơn.

Thực tế hiện nay trên thị trường có một số loại máy điều hòa giá rất thấp so với các hãng có uy tín có cùng năng suất lạnh. Chắc chắn các loại máy này sẽ tiêu hao điện nhiều hơn so với các máy của các hãng có uy tín.

GS.TS Nguyễn Đức Lợi lưu ý về lắp đặt. Dàn nóng phải lắp chỗ thoáng mát và đặc biệt không nên quay về hướng tây vì khi đó nhiệt độ dàn nóng sẽ cao, máy điều hòa làm lạnh sẽ kém và tiêu hao điện năng nhiều hơn. Vị trí dàn nóng và dàn lạnh không nên cách nhau xa quá vì càng xa thì việc làm lạnh của máy càng kém đồng thời cũng tiêu tốn điện năng nhiều hơn.

Khi sử dụng, nên đặt nhiệt độ điều hòa phù hợp với yêu cầu của mỗi người nhưng phải chú ý là không đặt nhiệt độ thấp quá vì nhiệt độ càng thấp thì điện năng tiêu hao càng cao. Đặc biệt, khi đặt nhiệt độ điều hòa cũng phải chú ý đến điều kiện vệ sinh cho người sử dụng. Điều kiện vệ sinh cho phép là nhiệt độ trong phòng điều hòa và nhiệt độ bên ngoài không chênh lệch nhau quá 10 độ C vì từ phòng lạnh ra ngoài chỗ nóng con người dễ bị cảm.

Hàng năm phải bảo dưỡng máy điều hòa, đặc biệt là vệ sinh sạch sẽ cả dàn nóng và dàn lạnh vì nếu dàn nóng dàn lạnh bẩn quá trình trao đổi nhiệt kém việc làm lạnh cũng kém đi và điện năng tiêu hao sẽ lớn hơn. Phòng lắp đặt điều hòa cần phải kín không có khe hở thông với bên ngoài và nếu được cách nhiệt thì càng tốt. Khi ở trong phòng điều hòa hạn chế việc mở cửa vì mỗi lần mở cửa sẽ mất một lượng lạnh nhất định. Về mặt vệ sinh thì con người từ phòng máy ra bên ngoài dễ bị cảm do đó hạn chế việc đi ra khỏi phòng điều hòa...

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thuc-hu-dong-may-lanh-tiet-kiem-dien-chi-ton-2000-dong-dem-169240624105808669.htm