Thực hư thông tin châu Âu dư khí đốt

Có thực tế khí đốt ùn ứ ở các cảng châu Âu, giá giảm nhưng điều này chỉ mang tính thời điểm và rồi sẽ nan giải hơn vào năm tới.

Những ngày gần đây có thông tin châu Âu đang dư khí đốt, giá đã giảm mạnh, hàng đang tràn ngập các cảng mà không bán được. Những thông tin này chính xác đến đâu và thực hư thế nào, khi chỉ mới đây không lâu dòng thông tin chủ yếu vẫn là cảnh báo, lo ngại về tình trạng khủng hoảng khí đốt ở châu Âu?

Có thực tế khí đốt ùn ứ ở các cảng, giá giảm

Trong bài viết trên trang web seekingalpha.com của Công ty phân tích kinh tế và tài chính ING thuộc Tập đoàn dịch vụ tài chính và ngân hàng đa quốc gia ING (Hà Lan), chuyên gia quản lý đầu tư và rủi ro tài chính Warren Patterson (hiện là trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa của ING chi nhánh tại Singapore) ghi nhận có thực tế này.

Đúng là có tình trạng khí đốt kẹt ở các cảng châu Âu và đây là khí hóa lỏng (LNG) từ các nguồn không phải của Nga. Nhập khẩu LNG trong tháng 8 chiếm 41% tổng nhập khẩu của Liên minh châu Âu (EU), tăng đáng kể so với mức 19% của tháng 8 năm ngoái. Theo ông Patterson, các nhà vận chuyển LNG đang phải xếp hàng chờ đợi tại các đơn vị tái hóa khí lưu trữ nổi (FSRU) tại các cảng biển. Việc này có thể một phần do các nhà đầu tư mong muốn tận dụng lợi thế giá cả mà không đánh giá hết thực tế năng lực tái hóa khí của châu Âu.

Đơn vị tái hóa khí lưu trữ nổi (FSRU) ở TP cảng Bahía Blanca tại tỉnh Buenos Aires, Argentina. Ảnh: OIL&GAS JOURNAL

Đơn vị tái hóa khí lưu trữ nổi (FSRU) ở TP cảng Bahía Blanca tại tỉnh Buenos Aires, Argentina. Ảnh: OIL&GAS JOURNAL

Một lý do nữa, từ nhiều tháng nay, các nước châu Âu đã rất chú trọng dự trữ khí đốt và hiện các kho dự trữ đã đầy. Sự gia tăng đáng kể các nguồn cung khí đốt khác ngoài Nga và việc giảm nhu cầu tiêu thụ (do giá cao) đã giúp EU đẩy nhanh tốc độ lấp đầy các kho dự trữ trong năm nay, vượt mục tiêu ban đầu. Theo dữ liệu từ Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu, các kho dự trữ khí đốt của EU hiện đã đầy hơn 94%, không chỉ cao hơn mức trung bình năm năm qua mà còn cao hơn nhiều so với mục tiêu ban đầu của EU là đầy 80% vào ngày 1-11. Đức là nước có lượng dự trữ nhiều nhất, đầy 98%.

Giá giao dịch LNG giảm một phần vì sự ùn ứ tại các cảng. Giá khí đốt giao ngay trong một ngày đã giảm 91% so với mức đỉnh hồi tháng 8, giao dịch xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6-2021. Giá khí đốt giao ngay trong vài giờ cũng giảm mạnh, cho thấy thị trường giao ngay được cung cấp rất tốt. Trung bình giá khí đốt ở châu Âu đã giảm tới 82% trong tháng này.

Chỉ mang tính thời điểm, năm 2023 sẽ nan giải hơn

Diễn biến trên làm mối quan tâm về nguồn cung cấp khí đốt có giảm bớt nhưng điều này chỉ mang tính thời điểm, nếu có kéo dài cũng chỉ trong mùa đông này, theo chuyên gia Patterson. Vẫn còn những lo ngại với châu Âu về dài hạn. Năm 2023 sẽ là một năm khó khăn hơn đối với thị trường khí đốt châu Âu, đặc biệt là trong mùa đông 2023-2024.

Thời gian qua EU đã tăng năng lực tái hóa khí, tăng lượng lớn số đơn vị tái hóa khí lưu trữnổi (FSRU). Hà Lan, Đức, Phần Lan, Estonia đã hoặc đang trong quá trình bắt đầu kích hoạt các FSRU này với tổng công suất trong khu vực khoảng 23-27 tỉ m3 khí. Đức dự kiến sẽ cung cấp thêm 15 tỉ m3 khí công suất vào đầu năm tới. Điều này sẽ giúp giải quyết một số hạn chế về cơ sở hạ tầng mà châu Âu đang phải đối mặt nhưng khả năng lớn hạn chế sẽ chưa thể khắc phục trong năm tới.

Giá khí đốt giảm sẽ giúp giảm nỗi lo của người tiêu dùng và cả các chính trị gia EU. Giá giảm giúp người tiêu dùng bớt căng thẳng nhưng cũng dẫn tới câu hỏi liệu giá thấp có kích cầu một lần nữa hay không? Các nhà sản xuất phân bón châu Âu đã bắt đầu tăng lại công suất, sau thời gian giảm sản xuất vì giá khí đốt quá cao. Nếu điều này xảy ra trên quy mô lớn hơn, rõ ràng châu Âu sẽ khó khăn hơn để dự trữ khí đốt trong năm tới.

Dữ liệu mới nhất cho thấy dòng chảy khí đốt từ Nga đến châu Âu từ đầu năm đến nay đã giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn khoảng 58 tỉ m3. Thời điểm hiện tại, dòng khí đốt hằng ngày của Nga đến EU giảm khoảng 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu giả định không có sự thay đổi về khối lượng của Nga so với hiện tại, vào năm 2023, lượng khí đốt hằng năm của Nga đến EU có thể giảm thêm 60% so với cùng kỳ năm 2022, xuống khoảng 23 tỉ m3. Trường hợp Nga đóng các dòng chảy qua Ukraine và qua Thổ Nhĩ Kỳ thì còn nguy hiểm hơn.

Thị trường LNG đã giúp châu Âu đáng kể trong năm nay. Tuy nhiên, chưa thể nói chắc châu Âu có thể nhập thêm bao nhiêu LNG trong năm tới. Việc các nhà vận chuyển LNG phải xếp hàng chờ đợi tại các đơn vị FSRU phản ánh rõ nét sự thiếu hụt năng lực tái hóa khí của châu Âu ở thời điểm hiện tại.

Một vấn đề khác đối với EU là cạnh tranh về LNG. Năm nay, nhu cầu LNG từ người mua lớn nhất thế giới là Trung Quốc giảm (trong chín tháng đầu năm giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái) và đây là một điều may mắn cho châu Âu. Lý do có thể do môi trường giá cả cao hơn cũng như tác động của nhu cầu giảm liên quan đến chính sách "zero-COVID" của Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu nhu cầu của Trung Quốc phục hồi trong năm tới, châu Âu sẽ phải cạnh tranh mạnh hơn về nguồn cung.

Tốc độ dự trữ khí đốt trong năm 2023 sẽ khiêm tốn hơn nhiều so với những gì chúng ta đã thấy trong năm nay, do nguồn cung của Nga ít hơn. Khả năng EU chuyển hoàn toàn sang các nguồn khác là không thể. Do đó, châu Âu có khả năng sẽ bước vào mùa đông 2023-2024 với các kho dự trữ không đầy bằng, điều này sẽ khiến khu vực dễ bị tổn thương vào mùa đông tới.

Để vượt qua mùa đông 2023-2024 một cách thoải mái, châu Âu sẽ lại phải tìm cách giảm nhu cầu để tăng dự trữ với tổng hòa loạt biện pháp: Tăng giá để người dân giảm sử dụng, thỏa thuận bắt buộc cắt giảm tiêu thụ toàn khối (hiện khối đã thỏa thuận tự nguyện cắt giảm 15% nhu cầu cho đến hết tháng 3-2023).

Từ các dữ liệu và phân tích trên, ông Patterson tin rằng giá khí đốt sẽ tăng lên, đặc biệt vào cuối năm 2023. Mức độ tăng sẽ phụ thuộc vào mức giảm lượng dự trữ ở các kho châu Âu trong mùa đông này - điều phụ thuộc vào nhu cầu sưởi ấm trong thời gian cao điểm mùa đông.

Những kịch bản nào để giá khí đốt giảm hơn trong năm 2023?

Thứ nhất, nếu thời tiết ôn hòa hiện tại ở châu Âu tiếp tục kéo dài sang mùa đông năm nay thì thị trường sẽ giảm bớt áp lực trong năm tới, theo chuyên gia Warren Patterson. Châu Âu có thể dễ dàng hơn để lấp đầy các kho dự trữ và với tốc độ nhanh hơn. Điều này sẽ kéo giá bình ổn.

Thứ hai, Nga gia tăng lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu. Tuy nhiên, với bối cảnh hiện tại thì khó có thể nói chắc được điều này. Ngay cả khi các bên có ý chí khôi phục dòng chảy khí đốt thì về mặt hoạt động, điều này sẽ khó khăn, ít nhất là thông qua các đường ống Nord Stream do thiệt hại sau vụ phá hoại.

Cuối cùng là sự can thiệp về giá của chính phủ, mặc dù trong một thị trường đang thiếu hụt nguồn cung về mặt cơ cấu, việc can thiệp sẽ có ít thành công nếu không bắt buộc cắt giảm nhu cầu. Áp giá trần khí đốt vốn vẫn đang được bàn ở châu Âu sẽ không giúp giải quyết được tình trạng thiếu nguồn cung.

ĐĂNG KHOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/thuc-hu-thong-tin-chau-au-du-khi-dot-post705354.html