Thực hư về thông tin phát hiện hàng loạt hành tinh giống Trái Đất

Siêu Trái Đất chỉ đơn giản là các hành tinh có khối lượng gấp 1 cho tới 10 lần khối lượng Trái Đất. Ngoài ra, không có bất cứ qui ước nào về thành phần hóa học, điều kiện bề mặt, có khí quyển hay không...

Tồn tại hàng loạt hành tinh giống Trái Đất trong vũ trụ?

Những ngày gần đây, một số phương tiện truyền thông đăng tải thông tin về các ngoại hành tinh giống Trái Đất có thể rất phổ biến trong toàn bộ Dải Ngân Hà so với những gì chúng ta từng tin trước đây.

Theo đó, sử dụng Mạng lưới kính thiên văn vi thấu kính Hàn Quốc (KMTNet) - gồm 3 kính thiên văn đặt tại Australia, Chile và Nam Phi, nhà vật lý thiên văn Weicheng Zang từ Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard và Smithsonian (CfA - Mỹ), cho biết họ đã kiểm tra tỉ lệ khối lượng của nhiều ngoại hành tinh với các ngôi sao mẹ của chúng. Từ đó, họ đưa ra một "mô hình nhân khẩu học" cho thiên hà chứa Trái Đất Milky Way (Ngân Hà).

Thông tin về các ngoại hành tinh giống Trái Đất có thể rất phổ biến trong toàn bộ Dải Ngân Hà cần được hiểu đúng.

Thông tin về các ngoại hành tinh giống Trái Đất có thể rất phổ biến trong toàn bộ Dải Ngân Hà cần được hiểu đúng.

Mô hình này cho thấy các siêu Trái Đất không chỉ giới hạn ở quỹ đạo chu kỳ ngắn gần các ngôi sao mẹ của chúng, nơi chúng thường được tìm thấy trước đây. Những ngoại hành tinh hấp dẫn này cũng có thể tồn tại xa hơn, với chu kỳ quỹ đạo giống với các hành tinh khí khổng lồ trong hệ Mặt trời của chúng ta hơn. Việc nằm xa sao mẹ khiến chúng ẩn mình trong bóng tối và khó bị phát hiện. Nhưng chúng vẫn ở đó, hằng hà sa số xung quanh chúng ta.

Cho rằng điều này là chưa chính xác, nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam cho biết, trong vật lý thiên văn hiện đại, có một thuật ngữ được gọi là "siêu Trái Đất" (super-Earth). Thuật ngữ này bạn có thể thấy khá nhiều nếu thường xuyên theo dõi thông tin về việc tìm kiếm các ngoại hành tinh (exoplanet - các hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời). Đáng nói là rất nhiều người đang hiểu sai về thuật ngữ này. Thậm chí, người ta còn dễ dàng nhầm tưởng rằng các nhà thiên văn đã tìm ra một hành tinh rất giống Trái Đất và có thể có sự sống ở đó. Điều này hoàn toàn là ngộ nhận.

Nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn lý giải, siêu Trái Đất là những hành tinh có khối lượng lớn hơn Trái Đất nhưng nhỏ hơn các hành tinh khí khổng lồ của Hệ Mặt Trời, thường được qui ước là từ trên 1 cho tới 10 lần khối lượng Trái Đất.

Một số nhà khoa học đề xuất rằng ngoài giới hạn này thì còn cần qui ước thêm siêu Trái Đất cần là các hành tinh đá, tuy nhiên việc đó là không chính thức.

Như vậy, siêu Trái Đất chỉ đơn giản là các hành tinh có khối lượng trong khoảng nêu trên. Ngoài ra, không có bất cứ qui ước nào về thành phần hóa học, điều kiện bề mặt, có khí quyển hay không, và do đó càng không liên quan dù chỉ một chút nhỏ nhất tới việc có sự sống hay không.

"Bạn cần nhớ rõ rằng hiện tại, cũng như ít nhất vài thập kỷ tới, không có bất cứ kính thiên văn nào - dù là kính mặt đất hay kính không gian, dù thu ánh sáng ở bước sóng nào đi nữa - có khả năng quan sát được bề mặt và khí quyển của một hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời. Hệ hành tinh gần nhất nằm cách chúng ta 4 năm ánh sáng, và người ta cũng chỉ có thể phát hiện ra sự tồn tại của các hành tinh ở đó qua hiện tượng quá cảnh (transit) - tức là dựa vào sự suy giảm ánh sáng của ngôi sao một cách có chu kỳ khi hành tinh di chuyển qua để ngoại suy ra, chứ không hề nhìn thấy hành tinh một cách trực tiếp", ông Đặng Vũ Tuấn Sơn nói.

Chưa tìm thấy hành tinh nào có khả năng sống được

Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn cho biết, siêu Trái Đất chỉ là hành tinh có khối lượng lớn hơn Trái Đất và nhỏ hơn các hành tinh khí khổng lồ, không hề nói lên là nó giống Trái Đất. Những hành tinh có kích thước và khối lượng tương tự Trái Đất thì được gọi là "hành tinh dạng Trái Đất" (Earth-like planet), nhưng ngay cả chúng cũng chỉ giống Trái Đất về kích thước và khối lượng, chưa có bằng chứng nào cho thấy chúng có khả năng sống được.

Ông Sơn khẳng định bất kỳ bài viết nào, dù từ địa chỉ nào, tuyên bố rằng đã tìm thấy "Trái Đất thứ hai", "hành tinh giống hệt Trái Đất", "hành tinh có thể sống được", ... đều là sai sự thật một cách hoàn toàn, không có bất cứ giá trị nào.

Ông Sơn cho biết từ giữa thế kỷ 20, việc chú ý tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh bắt đầu phát triển ngay sau khi chúng ta bắt đầu bước vào kỷ nguyên của du hành không gian. Chúng ta đã tìm cách liên hệ với những nền văn minh khách theo nhiều cách khác nhau, song để tìm kiếm được sự sống ngoài Trái Đất vẫn còn là một hành trình dài.

"Chúng ta vẫn đang ở giai đoạn bình minh của khoa học, không ngạc nhiên khi chúng ta chưa tìm thấy mọi thứ trong vũ trụ. Chúng ta còn một chặng đường dài để đi tiếp. Lúc này, thời đại của chúng ta không phải quá lo lắng về sự xâm lược của người ngoài hành tinh (phim ảnh viễn tưởng) hay đề cập vì có lẽ còn rất lâu, chúng ta mới có thể tìm thấy những dạng sống như vậy", ông Sơn nói thêm.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thuc-hu-ve-thong-tin-phat-hien-hang-loat-hanh-tinh-giong-trai-dat-169250509174809615.htm