Thực phẩm bẩn vẫn hoành hành dịp Tết

Càng cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân càng tăng cao. Lợi dụng điều này, không ít đối tượng đã đưa ra thị trường các loại thực phẩm bẩn, thực phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc, xuất xứ để kiếm lời, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người tiêu dùng...

Khảo sát tại một số chợ truyền thống và siêu thị ở TP Hà Nội, chúng tôi ghi nhận giá thịt bò tươi dao động trên dưới 300.000 đồng/kg. Tuy nhiên, trên "chợ online", không khó để gặp những bài viết rao bán thịt bò với giá siêu rẻ, thậm chí có người rao bán bắp bò chỉ có giá 80.000 đồng/kg. Hay như chỉ cần 99.000-139.000 đồng/người, ai cũng có thể thoải mái thưởng thức các loại thịt bò, thịt lợn, nội tạng, hải sản... tại nhiều quán buffet lẩu, nướng. Vì sao giá cả chênh lệch như vậy? Thực phẩm giá rẻ có nguồn gốc từ đâu?

Ngày 4-1, Cục Quản lý thị trường tỉnh Sơn La phối hợp với Công an huyện Mai Sơn (Sơn La) đã phát hiện, xử lý một đối tượng vận chuyển hơn 1.000kg sản phẩm thịt động vật đã đổi màu, bốc mùi hôi thối, có hiện tượng phân hủy, không bảo đảm an toàn thực phẩm. Ngày 19-1, Đội Quản lý thị trường số 25, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội phối hợp với Công an huyện Chương Mỹ tiến hành kiểm tra 2 kho đông lạnh ở xã Hữu Văn, huyện Chương Mỹ. Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện 40.000kg thịt lợn không rõ nguồn gốc, xuất xứ đang chuẩn bị được đưa ra thị trường tiêu thụ. Sau khi lấy hai mẫu thịt tại hai kho đông lạnh này để phân tích, giám định, Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương (Cục Thú y) khẳng định cả hai mẫu đều dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi, một mẫu dương tính virus bệnh tai xanh. Đây là các loại virus gây dịch bệnh nguy hiểm, thuộc diện phải công bố dịch... Chủ cơ sở khai nhận, toàn bộ số hàng trên được thu gom từ các chợ trên địa bàn xã Hữu Văn với giá vài nghìn đồng/kg. Qua hai vụ việc trên, người tiêu dùng có thể phần nào lý giải vì sao một số loại thực phẩm được bán online và bán tại không ít quán ăn lại có giá rẻ “giật mình” như vậy.

 Hơn 1.000kg sản phẩm thịt đã đổi màu, bốc mùi bị Cục Quản lý thị trường tỉnh Sơn La và Công an huyện Mai Sơn thu giữ. Ảnh: CAO THIÊN

Hơn 1.000kg sản phẩm thịt đã đổi màu, bốc mùi bị Cục Quản lý thị trường tỉnh Sơn La và Công an huyện Mai Sơn thu giữ. Ảnh: CAO THIÊN

Không chỉ thịt và các sản phẩm từ thịt, dịp Tết Nguyên đán cũng là thời điểm nhiều sản phẩm bánh kẹo không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc được các đối tượng xấu tuồn ra thị trường. Chỉ trong vòng hai tháng gần đây, lực lượng quản lý thị trường đã thu giữ gần 3.000kg bánh kẹo không rõ nguồn gốc, xuất xứ và không có hóa đơn chứng từ. Theo thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường, riêng năm 2023, các lực lượng chức năng đã kiểm tra 8.306 vụ, xử lý hơn 6.700 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm; phạt hơn 36,3 tỷ đồng; tịch thu hàng hóa trị giá hơn 31,6 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm về sở hữu trí tuệ và thực phẩm không bảo đảm chất lượng... Tuy nhiên, số vụ việc mà lực lượng chức năng phát hiện, xử lý chỉ là "phần nổi của tảng băng", con số thực tế còn lớn hơn rất nhiều, nhất là vào thời điểm cuối năm, giáp Tết, nhu cầu liên hoan, ăn uống tăng cao khiến thực phẩm không bảo đảm chất lượng càng có cơ hội "đổ bộ" thị trường.

Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Lê Tiến Dũng, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và ma túy, Công an huyện Mai Sơn, cho biết: “Các cơ sở kinh doanh thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc, thực phẩm bẩn thường chọn địa điểm kho ở nơi kín đáo, xa khu dân cư để tránh sự kiểm soát của các lực lượng chức năng. Thời gian qua, chúng tôi đã chủ động bám nắm cơ sở, kiểm tra các địa điểm tập kết hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm. Muốn làm tốt việc này, cần có sự phối hợp hiệu quả giữa các lực lượng công an, quản lý thị trường, cơ quan thú y, y tế. Tuy nhiên, một hạn chế hiện nay là do lực lượng còn mỏng, chỉ đủ quân số để tập trung kiểm tra tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, hệ thống siêu thị... trong khi các mặt hàng này được bán ở khắp nơi, đặc biệt là trên mạng xã hội”. Một bất cập nữa là hiện nay, với các hành vi buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng, khung hình phạt chưa đủ sức răn đe, chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc xử phạt hành chính, ít bị xử lý hình sự. Xử phạt nhẹ, lợi nhuận cao nên vấn nạn thực phẩm bẩn vẫn đang có chiều hướng gia tăng.

Nhằm đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm, từ ngày 20-12-2023 đến 15-3-2024, có 5 đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm tiến hành thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, các chợ đầu mối, siêu thị... Đồng chí Dương Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội cho biết: “Lực lượng quản lý thị trường sẽ chủ động nắm bắt thị trường hàng hóa, phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh, vận chuyển các loại thực phẩm. Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền về bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh và người dân”.

Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm là mong mỏi và hạnh phúc của mỗi cá nhân, gia đình và của toàn xã hội. Để người dân có thể được sử dụng các loại thực phẩm sạch hằng ngày, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của lực lượng chức năng, trong đó cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt nghiêm minh, đồng thời, mỗi người dân cũng cần thận trọng, không ham rẻ để tránh mua phải thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng...

HUYỀN TRANG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/thuc-pham-ban-van-hoanh-hanh-dip-tet-763357