Thực phẩm giả, hiểm họa thật
Thực phẩm, bao gồm thức ăn và nước uống, là nhu cầu thiết yếu trong đời sống hằng ngày của con người. Vì vậy, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm luôn là yếu tố then chốt, có vai trò quyết định trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Hiện nay, tình trạng buôn bán thực phẩm giả, kém chất lượng, sử dụng hóa chất vượt ngưỡng cho phép để bảo quản, chế biến đang diễn ra tràn lan, gây hoang mang, mất niềm tin trong người tiêu dùng, kể cả đối với các cơ sở sản xuất chân chính. Các loại thực phẩm giả thường được chế biến từ nguyên liệu kém chất lượng, chứa tạp chất độc hại như kim loại nặng, vi khuẩn, vi rút, nguyên liệu mốc hoặc chứa phụ gia vượt mức quy định. Việc sử dụng lâu dài không chỉ gây ngộ độc mà còn làm tổn hại nghiêm trọng đến gan, thận, hệ thần kinh và các cơ quan nội tạng. Đặc biệt, trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người có bệnh nền và bệnh nhân ung thư là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất khi sử dụng các loại sữa, thực phẩm chức năng, thức uống dinh dưỡng giả mạo nhãn mác đặc hiệu.

Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng nên chọn mua các loại thực phẩm vẫn còn hạn sử dụng, tươi mới.
Gần đây, các cơ quan chức năng, trong đó có tỉnh Cà Mau, liên tục phát hiện nhiều vụ kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng. Tuy nhiên, đó chỉ là phần nhỏ trong vô số hành vi gian dối đang âm thầm gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Nhiều loại thực phẩm thiết yếu bị pha trộn giữa thật và giả, sản xuất kém chất lượng nhưng lại nhái thương hiệu uy tín rồi đưa ra thị trường. Những sản phẩm này chủ yếu được tiêu thụ trong các bếp ăn công nghiệp, phục vụ người lao động phổ thông. Đáng lo ngại là chúng được phân phối qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử và các chợ truyền thống, chợ nông thôn, nơi người tiêu dùng vẫn tin tưởng lựa chọn thực phẩm cho trường học, bệnh viện, khu công nghiệp… Với các chiêu trò như giá rẻ, khuyến mãi, giảm giá sâu, các đối tượng đã lợi dụng tâm lý người tiêu dùng để tiêu thụ thực phẩm kém chất lượng.

Đối với các loại thực phẩm thiết yếu được đóng hộp như sữa, người tiêu dùng nếu có nhu cầu nên chọn lựa những loại hàng có ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng; các nhãn hàng có thương hiệu, uy tín trên thị trường.
Ông Trương Thanh Tú, Trưởng Phòng Công tác Thanh tra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Cà Mau cho biết, qua đợt cao điểm thanh tra, kiểm tra từ ngày 15/5 đến 15/6 đối với các mặt hàng thiết yếu như sữa, thực phẩm tươi sống, thực phẩm đóng gói, thực phẩm chức năng…, lực lượng chức năng đã phát hiện một số cơ sở kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh. Các vi phạm chủ yếu liên quan đến thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến sẵn, bánh kẹo, nước giải khát và một số loại thực phẩm chức năng. Chi cục đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định, đồng thời tiếp tục phối hợp liên ngành tăng cường kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh các trường hợp vi phạm, nhằm bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.

Người tiêu dùng nên chọn mua gạo sạch tại các trung tâm thương mại, nhà phân phối uy tín để tránh sử dụng gạo kém chất lượng, còn tồn dư hóa chất.
"Việc sử dụng thực phẩm không đảm bảo chất lượng, đặc biệt là thực phẩm chức năng giả trong thời gian dài, có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như: ngộ độc, dị ứng, rối loạn chuyển hóa trong hệ tiêu hóa, thậm chí dẫn đến ung thư. Ngoài ra, việc này còn khiến người bệnh mất cơ hội phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh lý để điều trị kịp thời, gây lãng phí về thời gian, tiền bạc và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe", bác sĩ Lâm Thuận Hiệp, Trưởng Khoa Khám bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau cho biết.
Rõ ràng tuy đây chỉ là thực phẩm bẩn, thực phẩm giả… nhưng sự tác hại đến sức khỏe của người tiêu dùng là có thật. Bởi nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng bữa ăn hằng ngày của rất nhiều hộ gia đình, mà nó có thể còn ảnh hưởng đến mạng sống của rất nhiều người khi sử dụng phải những loại hàng hóa kém chất lượng này.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/thuc-pham-gia-hiem-hoa-that-a40085.html