Thực phẩm sau Tết: Nguồn cung dồi dào, giá cả ổn định
Thông thường, sau Tết Nguyên đán là thời điểm nhu cầu về thực phẩm tươi sống của người dân tăng cao. Tuy nhiên, trong nửa tháng trở lại đây, thị trường thực phẩm trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, nguồn cung dồi dào.
Ghi nhận tại một số chợ dân sinh trong sáng ngày 15 tháng Giêng, lượng người đến mua sắm tại các chợ khá đông đúc, nhất là tại khu vực bán thực phẩm tươi sống như rau xanh, thịt, cá… Tuy vậy, giá thực phẩm nhìn chung vẫn khá ổn định.
Đơn cử, rau xanh vốn là mặt hàng khá khan hiếm sau Tết, song, theo ghi nhận của phóng viên, mặt hàng này hiện nay không có tình trạng khan hàng, sốt giá, khiến người tiêu dùng rơi vào cảnh “ăn rau đắt ngang ăn thịt” như một số năm trước.
Cụ thể, tại chợ ngã tư Tam Dương (Tam Dương), bắp cải tươi có giá từ 5 - 8 nghìn đồng/chiếc, khoai tây ngon 11 nghìn đồng/kg, ngô ngọt 5 nghìn đồng/bắp.
Tương tự, tại chợ Định Trung (Vĩnh Yên), cải canh, cải cúc có giá 15 nghìn đồng/kg, cải ngọt, cải chíp 20 nghìn đồng/kg, bắp cải 10 nghìn đồng/chiếc.
Chị Đặng Thị Hường, tiểu thương chuyên bán rau củ tại chợ ngã tư Tam Dương cho biết: “Từ ra Tết đến nay, giá rau, củ vẫn ở mức thấp, chỉ mới bắt đầu nhích lên trong khoảng 1 tuần trở lại đây. Tuy vậy, mức tăng vẫn tương đối dễ chịu, chỉ từ 1 đến 3 nghìn đồng/kg tùy từng loại rau. Chỉ một số ít loại rau, củ có mức tăng mạnh như dưa chuột, súp lơ...”
Cùng với rau xanh, cá cũng là mặt hàng có biến động nhẹ. Cụ thể, cá rô phi có giá 35 - 40 nghìn đồng, cá trắm 55 -60 nghìn đồng/kg, cá chép 50 -55 nghìn đồng/kg. Được biết, mức giá này đã nhích lên khoảng 5 nghìn đồng/kg so với thời điểm cận Tết.
Riêng thịt lợn đã có sự "hạ nhiệt" so với những ngày đầu năm, về mức 85 - 90 nghìn đồng/kg thịt mông, thịt vai; 110 -130 nghìn đồng/kg đối với thịt ba chỉ.
Được biết, mức giá này cao hơn từ 10 - 20 nghìn đồng/kg so với thời điểm cuối tháng 11, đầu tháng 12 âm lịch năm trước. Bà Trần Thị Bình, xã Định Trung (Vĩnh Yên) phấn khởi chia sẻ: “Thị trường thực phẩm thời điểm đầu năm nay có thể coi là dễ chịu, không khó mua như mọi năm”.
Theo thông tin từ các tiểu thương, sở dĩ một số mặt hàng như cá, rau xanh có sự biến động là do tâm lý số đông hộ trồng rau cũng như nuôi trồng thủy sản đã tập trung thu hoạch, dồn bán vào cao điểm Tết Nguyên đán, nên các mặt hàng kể trên thời điểm này có sự sụt giảm về sản lượng.
Dù vậy, với sự chủ động của các địa phương, hộ gia đình trong SXKD nên nguồn cung thực phẩm hiện nay không khan hiếm, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Theo số liệu của Cục Thống kê, trong tháng 1, sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng trên địa bàn tỉnh tăng 16,81%; sản lượng thịt lợn hơi tăng 12,40%; sản lượng trứng gia cầm cũng tăng 4,31% so với cùng kỳ năm trước...
Cùng với đó, các siêu thị trên địa bàn tỉnh đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng sau Tết từ khá sớm.
Anh Huỳnh Nguyên Hà, Giám đốc Siêu thị Coop.Mart Vĩnh Phúc cho biết: Sau Tết, hàng hóa quan trọng nhất bao giờ cũng các thực phẩm tươi sống, đặc biệt là rau. Chỉ riêng rau xanh, mỗi ngày siêu thị cũng tiêu thụ từ một đến vài trăm kg.
Ngoài ra, doanh số bán hàng đối với nhóm thực phẩm tươi sống thời điểm này của siêu thị đã tăng 5 -10% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, để đảm bảo nguồn hàng hóa phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, siêu thị đã lên kế hoạch chuẩn bị, khảo sát và đặt hàng với các nhà cung cấp ngay từ trước Tết”.
Ngoài việc chuẩn bị tốt nguồn hàng thực phẩm, siêu thị cũng đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi. Đặc biệt, từ nay đến hết tháng 2/2022, siêu thị sẽ tiếp tục tập trung giảm giá hàng hóa cho hàng nghìn sản phẩm trong đó không thể thiếu nhóm thực phẩm tươi sống phục vụ bữa ăn hàng ngày.
Bên cạnh yếu tố nguồn cung dồi dào, thì sức mua của người dân bị hạn chế do ảnh hưởng của dịch Covid -19. Đây cũng là một trong những lý do khiến thị trường không xảy ra tình trạng sốt giá.
Chia sẻ về vấn đề này, chị Phan Thị Phượng, tiểu thương bán cá tại chợ ngã tư Tam Dương cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch bệnh, người dân cũng dè dặt hơn trong mua sắm. Trung bình mỗi buổi sáng, tôi chỉ bán được 40- 50 kg cá. Ngay như ngày rằm tháng Giêng, chợ ít cá mà lượng tiêu thụ cũng không khá hơn là mấy”.
Giá các mặt hàng thực phẩm ổn định thời gian qua đã làm yên lòng nhiều người tiêu dùng, xóa tan nỗi lo giá thực phẩm tăng mạnh dịp sau Tết. Đây được xem là tín hiệu vui trong việc bình ổn thị trường.
Đến nay, các hoạt động buôn bán tại các chợ, siêu thị cũng như giá cả các mặt hàng cơ bản đã trở lại như ngày thường. Tuy vậy, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường vẫn được được các cơ quan chức năng tăng cường triển khai để bảo vệ người tiêu dùng.