Thực thi UKVFTA: Còn nhiều dư địa hợp tác, đầu tư với doanh nghiệp Anh

Sau hơn 2 năm thực thi, Hiệp định UKVFTA mang lại kết quả tích cực đối với hoạt động thương mại, đầu tư giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Vương quốc Anh. Tuy nhiên, trên thực tế còn nhiều dư địa do UKVFTA mở ra mà doanh nghiệp có thể khai thác mạnh mẽ hơn trong năm 2024 tới đây.

Trong khó khăn, xuất khẩu vào thị trường Anh vẫn tăng trưởng

Tại tọa đàm "Tận dụng cơ hội hợp tác, đầu tư với doanh nghiệp Anh trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA)" diễn ra ngày 7/12, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương đã có đánh giá tích cực từ UKVFTA mang lại đối với hoạt động thương mại, đầu tư giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Anh.

Còn nhiều dư địa hợp tác, đầu tư với doanh nghiệp Anh. Ảnh minh họa

Còn nhiều dư địa hợp tác, đầu tư với doanh nghiệp Anh. Ảnh minh họa

Chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2021, sau hơn 2 năm thực thi, xuất nhập khẩu, đầu tư giữa hai quốc gia tăng trưởng mạnh mẽ. Anh có 550 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 4,28 tỷ USD.

Năm đầu sau khi thực thi UKVFTA, xuất khẩu từ Anh sang Việt Nam tăng 24%, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh tăng trưởng 19%.

Năm 2022, do khó khăn chung của thế giới và kể cả nền kinh tế Anh khiến thương mại hai chiều giảm nhưng xuất khẩu của ta sang Anh vẫn tăng khoảng 1,9% và nhập khẩu từ Anh tăng trưởng khoảng gần 3%. Một số ngành hàng mũi nhọn xuất khẩu của Việt Nam giữ được đà tăng trưởng 2 con số.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) chia sẻ, ngay khi Anh vẫn còn trong khối EU thì tỷ trọng của thị trường Anh chiếm 25 - 30%. Khi Anh rời khỏi EU, Chính phủ Việt Nam đã kịp thời ký hiệp định trực tiếp với thị trường Anh và chính vì thế mà xuất khẩu của ngành da giày vào thị trường Anh không bị gián đoạn.

Năm 2023, hầu như các thị trường đều có sự sụt giảm đối với xuất khẩu, có những thị trường giảm tới 30% và thị trường giảm tới 20% nhưng riêng thị trường Anh thì lại tăng trưởng tới 11%.

“Đáng chú ý, thời gian qua, ngành da giày Việt Nam đã hợp tác với tổ chức SATRA - tổ chức tiêu chuẩn hàng đầu của Anh cũng như của thế giới trong việc phát triển các tiêu chuẩn cũng như các thiết bị thử nghiệm để đánh giá chất lượng. Thông qua hoạt động hợp tác này, Lefaso đã hỗ trợ được cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là xuất khẩu những sản phẩm giày an toàn vào thị trường châu Âu” - bà Phan Thị Thanh Xuân nói.

Đối với đầu tư, tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Anh sau khi thực thi UKVFTA khởi sắc rõ nét.

Ông Ngô Chung Khanh cho biết, tính đến ngày 20/10/2023, Anh có 550 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 4,28 tỷ USD, đứng thứ 15 trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.

“Kết quả này cho thấy đã có một sự chú ý từ phía các nhà đầu tư của Anh và cũng có sự chú ý từ các công ty Việt Nam trong việc gia tăng hợp tác với Anh” - ông Khanh nói.

Có thể tận dụng tốt hơn ưu đãi từ UKVFTA

Mặc dù đạt được một số kết quả tích cực, nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng, đầu tư của các doanh nghiệp Anh vào Việt Nam vẫn chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn trong tổng vốn đầu tư FDI của Anh (một trong 10 quốc gia đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất thế giới).

Mặt khác, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng tốt hơn những ưu đãi từ UKVFTA để thu hút nguồn lực, chuyển giao công nghệ sản xuất hiện đại và tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp Anh.

Gia công giày da xuất khẩu. Ảnh: TL

Gia công giày da xuất khẩu. Ảnh: TL

Những dự án lớn gần đây mà Anh đầu tư rất mạnh vào Việt Nam chính là những dự án thúc đẩy ngăn chặn biến đổi biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng xanh, kinh tế xanh. Đây đều là những lĩnh vực phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước đặt ra hiện nay.

Đề cập đến cơ hội trong năm 2024, các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, Anh là một cường quốc nên họ sẽ có những định hướng hợp tác toàn cầu. Hiện Vương quốc Anh đã hoàn tất quá trình đàm phán gia nhập trở thành thành viên của Hiệp định CPTPP.

Trong năm 2024, Anh sẽ chính thức trở thành thành viên CPTPP và lúc đó những cam kết của Anh dành cho các nước CPTPP, trong đó có Việt Nam sẽ có hiệu lực thì cơ hội thúc đẩy thương mại, đầu tư song phương sẽ rộng mở hơn.

Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Ngô Chung Khanh phân tích, khi Anh gia nhập CPTPP cũng đã có nhiều cam kết mới cho Việt Nam, tạo thêm những thuận lợi hơn nữa cho hàng Việt Nam xuất khẩu sang Anh, đặc biệt là lĩnh vực thủy sản hay một số các mặt hàng khác. Đấy là một điểm thuận lợi.

Nắm bắt cơ hội này, từ góc độ doanh nghiệp, bà Phan Thị Thanh Xuân cho hay, thị trường Anh là một thị trường truyền thống đối với xuất khẩu giày dép của Việt Nam. Khách hàng Anh cũng đã khá quen thuộc đối với mặt hàng da giày Việt Nam. Cho nên Lefaso sẽ cố gắng tận dụng cơ hội gia tăng xuất khẩu, mở rộng thị phần tại thị trường Anh trong thời gian sắp tới.

Để tiếp sức cho doanh nghiệp, trong thời gian tới, bà Phan Thị Thanh Xuân cũng kiến nghị các bộ, ngành chức năng tăng cường cung cấp thông tin về thị trường cho doanh nghiệp.

Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp của ngành da giày xây dựng, phát triển nguồn nguyên phụ liệu cả về sản xuất cũng như giao thương, để doanh nghiệp có được nguồn cung phụ liệu bền vững, chủ động trong quá trình sản xuất, xuất khẩu...

Song Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thuc-thi-ukvfta-con-nhieu-du-dia-hop-tac-dau-tu-voi-doanh-nghiep-anh-141066.html