Thuế bảo vệ môi trường với xăng bắt đầu giảm 2.000 đồng/lít, ngóng tin vui giá xăng giảm mạnh?
Tại kỳ điều hành tới, ngày 1/4, mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn mới sẽ được áp dụng, trong đó, thuế bảo vệ môi trường với xăng chỉ còn 2.000 đồng/lít...
Mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn mới sẽ được áp dụng từ ngày mai để hạ nhiệt giá xăng dầu.
Ngày 30/03, Tổng cục Thuế ban hành Công điện số 04/CĐ-TCT về việc thực hiện áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo quy định tại Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tại Điều 1 Nghị quyết số 18 nêu rõ, từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022, giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn; giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa.
Theo đó, xăng (trừ etanol) giảm 2.000 đồng/lít, từ 4.000 đồng/lít xuống 2.000 đồng/lít.
Dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm 1.000 đồng/lít, từ 2.000 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít.
Mỡ nhờn giảm 1.000 đồng/kg, từ 2.000 đồng/kg xuống 1.000 đồng/kg.
Dầu hỏa giảm 700 đồng/lít, từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít.
Riêng nhiên liệu bay giữ như mức hiện hành đang được giảm là 1.500 đồng/lít theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Tổng cục Thống kê, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 37% tổng chi phí nguyên vật liệu của cả nền kinh tế. Vì vậy, ngay sau khi Nghị quyết số 18 được thông qua, người dân háo hức chờ đợi giá xăng dầu sẽ hạ nhiệt.
Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục Thuế chủ động tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn cho người nộp thuế trên địa bàn, đồng thời, chỉ đạo các Chi cục Thuế trên địa bàn tỉnh, thành phố kịp thời triển khai thực hiện áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo quy định tại Nghị quyết số 18 nêu trên.
Từ đó, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh giá dầu thô có xu hướng tăng cao, tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên, kết thúc giao dịch tuần vừa qua, giá dầu Brent giao dịch đạt mức 120,7 USD/thùng và WTI lên 113,9 USD/thùng. Tính cả tuần, dầu Brent tăng hơn 11,5% và WTI tăng 8,8%, đánh dấu 1 tuần tăng của dầu.
Ngày 30/3, ghi nhận đầu giờ sáng (theo giờ Việt Nam), cả hai loại dầu thô quay đầu tăng khoảng 1% sau khi giảm gần 2% kết thúc phiên trước đó. Dầu WTI của Mỹ giao dịch ngưỡng 105 USD/thùng, dầu Brent 108 USD/thùng.
Vì vậy, theo dự đoán, tại kỳ điều hành tới, ngày 1/4, giá xăng dầu trong nước giảm ít hơn kỳ vọng do giá xăng dầu thế giới liên tục biến động.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc từng đánh giá, trước bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, giá dầu thô trên thị trường thế giới có xu hướng tăng cao trong thời gian qua, để đảm bảo cân đối cung cầu mặt hàng xăng dầu đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hỗ trợ, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội thì cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn là giải pháp phù hợp và cần thiết.
Về dài hạn cần nghiên cứu sử dụng các công cụ thuế như thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt. Cùng với đó, trong thời gian tới, cần quan tâm đến việc điều hành Quỹ Bình ổn giá xăng dầu một cách linh hoạt, công khai, minh bạch; xem xét cơ cấu giá cơ sở giá xăng dầu, giảm tiêu hao…
Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý, kịp thời kiểm tra và có biện pháp xử lý phù hợp, đảm bảo các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu trong nước sử dụng đúng quy định đối với lượng xăng dầu dự trữ thương mại của doanh nghiệp.