Thuế đối ứng: Cuộc 'so găng' chưa thấy hồi kết giữa Mỹ và Trung Quốc

Sự mất cân bằng thương mại kéo dài 20 năm giữa hai nền kinh tế chính là trọng tâm của cuộc chiến thuế quan mà Tổng thống Mỹ Donald Trump kích hoạt.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt mức thuế cao khủng khiếp với Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh tuyên bố sẽ đáp trả. Ảnh: AFP.

Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt mức thuế cao khủng khiếp với Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh tuyên bố sẽ đáp trả. Ảnh: AFP.

Bắc Kinh đe dọa sẽ "chiến đấu đến cùng" ngay trước khi Tổng thống Donald Trump nâng tổng mức thuế áp dụng đối với Trung Quốc trong nhiệm kỳ thứ hai của ông lên 104% vào sáng sớm ngày 9/4, đẩy cả hai nước vào một cuộc chiến thương mại kéo dài và gây tác động tới nền kinh tế toàn cầu.

Trong khi Trump đã tăng cường đáng kể các đòn tấn công của mình về thương mại, bao gồm cả các đồng minh lẫn đối thủ, Trung Quốc vẫn là mục tiêu hàng đầu của ông. Điều đó không chỉ phản ánh sự cạnh tranh địa chính trị ngày càng gia tăng mà còn phản ánh 20 năm thặng dư thương mại ngày càng tăng của Trung Quốc với Mỹ mà ông Trump cho rằng đã gây tổn hại cho việc làm và các ngành công nghiệp của Mỹ.

Ngay cả khi các quốc gia khác đang tiến thẳng đến việc đạt được các thỏa thuận với Nhà Trắng, vẫn có ít khả năng cuộc chiến thương mại sẽ kết thúc chừng nào mà khoảng cách giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn còn tồn tại. Một cuộc “so găng” kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ gián đoạn đối với hoạt động thương mại quốc tế và suy thoái tăng trưởng toàn cầu.

“Chúng ta đang đi theo con đường của một nền kinh tế thế giới bị chia rẽ hơn”, Neil Shearing, nhà kinh tế trưởng của Capital Economics tại London, cho biết.

Hôm 8/4, Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ tung thêm biện pháp trả đũa nếu ông Trump thực hiện lời đe dọa tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc thêm 50%. Lời đe dọa tăng thuế thêm 50% của ông Trump chính là phản ứng của ông trước đòn trả đũa của Trung Quốc vào tuần trước, trong đó áp mức thuế chung 34% đối với hàng hóa của Mỹ và hạn chế tiếp cận khoáng sản đất hiếm.

“Việc Mỹ đe dọa tăng thuế đối với Trung Quốc là sai lầm chồng chất sai lầm, một lần nữa phơi bày bản chất tống tiền của Mỹ”, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết hôm 8/4. “Nếu Mỹ khăng khăng theo cách của riêng mình, Trung Quốc sẽ chiến đấu đến cùng”.

 Một trung tâm hậu cần của hãng thời trang Shein ở miền Nam Trung Quốc. Bắc Kinh cho biết chính sách thuế quan của chính quyền Trump "phơi bày bản chất tống tiền của Mỹ". Ảnh: WSJ.

Một trung tâm hậu cần của hãng thời trang Shein ở miền Nam Trung Quốc. Bắc Kinh cho biết chính sách thuế quan của chính quyền Trump "phơi bày bản chất tống tiền của Mỹ". Ảnh: WSJ.

Những cú phản đòn lẫn nhau cho thấy cả hai bên vẫn chưa sẵn sàng đàm phán một thỏa thuận “ngừng bắn” thương mại. Trung Quốc coi hành động của ông Trump là một mối đe dọa hiện hữu nhằm ngăn cản họ vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất và giàu có nhất thế giới. Về phần mình, ông Trump coi sự thống trị của Trung Quốc đối với thương mại toàn cầu là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy hệ thống thương mại quốc tế đang bị thao túng theo hướng chống lại Mỹ.

Mặc dù trước đây ông Trump đã thể hiện sự sẵn sàng thay đổi lộ trình một cách bất ngờ để theo đuổi một thỏa thuận, nhưng hiện tại, “Mỹ và Trung Quốc đang mắc kẹt trong trò chơi ‘ai là gà’ (game of chicken) chưa từng có và tốn kém”, nhà kinh tế trưởng của Nomura về Trung Quốc Ting Lu cho biết, nói về lý thuyết trò chơi mà hai người chơi đối đầu nhau trên một con đường hẹp theo kiểu "dê đen, dê trắng".

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết thuế quan của ông Trump sẽ có hiệu lực ngay sau nửa đêm thứ Tư, bao gồm thuế mới 84% đối với các sản phẩm từ Trung Quốc. Các mức thuế đó chồng lên mức thuế 20% mà ông Trump đã áp dụng vào đầu năm nay. Cùng với mức thuế do chính quyền Biden duy trì ở mức trung bình khoảng 21%, mức thuế trung bình thực tế đối với Trung Quốc hiện sẽ là khoảng 125%.

Những cảnh báo của Bắc Kinh trong hôm 8/4 bao gồm cam kết triển khai các biện pháp đối phó không xác định đối với Mỹ nếu thuế quan của ông Trump tiếp tục tăng. Trong tuần này, các công ty đầu tư nhà nước đã vào cuộc để mua cổ phiếu Trung Quốc nhằm hỗ trợ giá.

 Trung Quốc là nước xuất khẩu hàng hóa sản xuất hàng đầu thế giới. Ảnh: WSJ.

Trung Quốc là nước xuất khẩu hàng hóa sản xuất hàng đầu thế giới. Ảnh: WSJ.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc hôm 8/4 đã để đồng tiền Trung Quốc giảm giá so với đồng USD. Việc định hướng giá trị đồng nhân dân tệ thấp hơn có thể làm suy yếu tác động của thuế quan của ông Trump và hỗ trợ các nhà máy Trung Quốc bằng cách làm cho hàng hóa của Trung Quốc rẻ hơn khi mua bằng đồng USD. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng có những hạn chế đối với chiến lược này vì nó có thể thúc đẩy dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc.

Sau khi tập trung vào Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã mở rộng cuộc chiến thương mại của mình trong nhiệm kỳ thứ hai, cáo buộc Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Mexico, Canada và các đối tác thương mại khác duy trì rào cản nhập khẩu cao trong khi tuồn lượng lớn ô tô, máy móc và hàng tiêu dùng vào nước Mỹ, gây sức ép lên các ngành công nghiệp của Mỹ và khiến người Mỹ mất việc làm.

Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn là trường hợp đặc biệt. Mức thuế quan tích lũy được công bố kể từ khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1 đồng nghĩa với việc hàng nhập khẩu của Trung Quốc – trị giá khoảng 400 tỷ USD vào năm 2024 – phải chịu mức thuế cao hơn so với bất kỳ đối tác thương mại lớn nào khác.

Một báo cáo của Đại diện Thương mại Mỹ được công bố vào ngày 31/3 nêu chi tiết các rào cản thương mại đối với hàng nhập khẩu của Mỹ tại hàng chục quốc gia dành gần 50 trang cho Trung Quốc, đề cập đến các khiếu nại về chuyển giao công nghệ, hạn ngạch nhập khẩu, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và hàng giả. Canada và Mexico, hai nước gần đây nhất hứng chịu cơn thịnh nộ của ông Trump về thương mại, lần lượt nhận được 6 và 7 trang.

Các mối liên hệ của Trung Quốc với các đối tác thương mại khác của Mỹ cũng đang phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn, bởi Mỹ tìm cách ngăn chặn các công ty Trung Quốc trốn thuế bằng cách thiết lập hoạt động ở các nước thứ ba.

 Một cửa hàng Apple ở Thượng Hải. Các quan chức Trung Quốc đã cam kết thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Ảnh: WSJ.

Một cửa hàng Apple ở Thượng Hải. Các quan chức Trung Quốc đã cam kết thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Ảnh: WSJ.

"Theo nhiều cách, Ngày Giải phóng được thiết kế để tạo ra một bức tường thuế quan xung quanh Trung Quốc, bằng cách trừng phạt không cân xứng các nền kinh tế kết nối", các nhà phân tích của Deutsche Bank đã viết trong một báo cáo được công bố trong hôm đầu tuần này.

Mục tiêu của ông Trump là mối quan hệ kinh tế, được xây dựng qua nhiều năm lựa chọn chính sách giao thoa ở Washington và Bắc Kinh, và giờ ông Trump muốn tháo gỡ mối quan hệ này, khiến Mỹ trở thành quốc gia tiêu dùng hàng đầu thế giới và Trung Quốc trở thành quốc gia sản xuất hàng đầu.

Năm 2024, Trung Quốc báo cáo thặng dư thương mại hàng hóa toàn cầu gần 1 nghìn tỷ USD, củng cố vị thế là quốc gia xuất khẩu hàng hóa sản xuất hàng đầu thế giới. Trong khi đó, Mỹ đã ghi nhận mức thâm hụt thương mại hàng hóa là 1,2 nghìn tỷ USD, mức thâm hụt mới nhất trong chuỗi thâm hụt thương mại hàng hóa liên tục kéo dài từ năm 1975.

Trung Quốc chiếm khoảng 300 tỷ USD trong thâm hụt thương mại của Mỹ, ngoài ra còn nhiều quốc gia khác. Chiến lược thuế quan của ông Trump nhằm mục đích giảm thâm hụt thương mại của Mỹ bằng cách hạn chế nhập khẩu và buộc các nhà sản xuất phải chuyển hoạt động sản xuất về Mỹ.

Những người ủng hộ hệ thống sản xuất toàn cầu cho rằng hệ thống này giúp giảm chi phí và cung cấp cho người tiêu dùng nhiều hàng hóa giá cả phải chăng, đồng thời cho phép nền kinh tế Mỹ tập trung nhiều hơn vào công nghệ, dịch vụ và các hoạt động có giá trị cao khác.

Một số nhà phân tích, cũng như những nhân vật chủ chốt trong quỹ đạo của ông Trump bao gồm cố vấn thương mại Peter Navarro, lập luận rằng sự mất cân bằng thương mại phản ánh những rào cản đối với hàng nhập khẩu, thao túng tiền tệ và trợ cấp công nghiệp ở các quốc gia như Trung Quốc làm méo mó nền kinh tế toàn cầu.

 Tổng thống Trump coi sự thống trị của Trung Quốc trong xuất khẩu toàn cầu là dấu hiệu chắc chắn nhất cho thấy hệ thống thương mại đang bị gian lận. Ảnh: WSJ.

Tổng thống Trump coi sự thống trị của Trung Quốc trong xuất khẩu toàn cầu là dấu hiệu chắc chắn nhất cho thấy hệ thống thương mại đang bị gian lận. Ảnh: WSJ.

Tuy nhiên, đối với hầu hết các nhà kinh tế, thặng dư thương mại lớn và dai dẳng là bằng chứng cho thấy một nền kinh tế tiết kiệm quá nhiều và tiêu dùng quá ít, trong khi thâm hụt như ở Mỹ chỉ đơn giản cho thấy một nền kinh tế tiết kiệm ít và chi tiêu nhiều, phần nào được thúc đẩy bởi vay mượn từ nước ngoài.

Thu hẹp thâm hụt thương mại dai dẳng của Mỹ và giảm thặng dư khổng lồ của Trung Quốc sẽ đòi hỏi những cuộc đại tu kinh tế đau đớn ở cả hai nền kinh tế - và có thể mất nhiều năm để mang lại kết quả.

Các quan chức Trung Quốc đã cam kết thúc đẩy tiêu dùng, nhưng các nhà phân tích không chắc chắn liệu kế hoạch của họ là thúc đẩy nền kinh tế trong ngắn hạn hay chuyển hướng quyết liệt khỏi sự phụ thuộc quá mức vào đầu tư và xuất khẩu. Các kế hoạch thuế quan của ông Trump có thể hạn chế chi tiêu của Mỹ và làm giảm thâm hụt, nhưng ông cũng muốn cắt giảm thuế và thu hút đầu tư nước ngoài, điều này thường sẽ làm tăng thâm hụt.

Arup Raha, giám đốc kinh tế châu Á tại Oxford Economics ở Singapore, cho biết: "Vấn đề cơ bản là Trung Quốc phải tiêu thụ nhiều hơn và Mỹ phải tiết kiệm nhiều hơn. Bạn sẽ không thể giải quyết vấn đề này trong một ngày".

Theo Wall Street Journal, AFP

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/thue-doi-ung-cuoc-so-gang-chua-thay-hoi-ket-giua-my-va-trung-quoc-post184401.html