Thuế quan của Mỹ: Kinh tế Malaysia và Thái Lan chịu nhiều sức ép
Các nhà kinh tế đã đồng loạt điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Malaysia và Thái Lan, sau khi Mỹ thông báo mức thuế nhập khẩu mới đối với một số mặt hàng xuất khẩu, đẩy rủi ro thương mại toàn cầu lên cao.

Quang cảnh cảng hàng hóa tại Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng OCBC, dự báo tăng trưởng GDP của Malaysia trong năm 2025 đã được hạ xuống 3,9%, so với mức 4,3% đưa ra trước đó. Dự báo tăng trưởng cho năm 2026 giảm còn 3,8%, từ mức 4,3%. OCBC cảnh báo, trong nửa cuối năm, tăng trưởng GDP của Malaysia có thể chỉ đạt 3,6% so với cùng kỳ, giảm mạnh so với mức 4,3% của nửa đầu năm. Báo cáo cũng lưu ý Malaysia sẽ chịu tác động nghiêm trọng hơn so với nhiều đối tác trong khu vực, do Mỹ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất, chiếm 13,2% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 của nước này.
OCBC cho biết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như linh kiện điện tử và thiết bị điện đều phải đối mặt với rủi ro thuế quan, khiến tăng trưởng xuất khẩu sụt giảm và gây áp lực lên nhu cầu trong nước, đặc biệt là chi tiêu đầu tư và tiêu dùng hộ gia đình.
Cùng quan điểm, Ngân hàng Đầu tư RHB cũng vừa điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP của Malaysia năm nay từ 4,5% xuống 4,2%, sau khi tăng trưởng GDP quý I chỉ đạt 4,4%, thấp hơn mức kỳ vọng 4,8%. RHB nhận định sự yếu kém của ngành khai thác mỏ, cùng với rủi ro bên ngoài, đặc biệt là thuế quan của Mỹ, sẽ tiếp tục đè nặng lên triển vọng tăng trưởng. Tuy vậy, ngân hàng này đánh giá nhu cầu nội địa của Malaysia vẫn duy trì khả năng chống chịu, nhờ chi tiêu tiêu dùng và đầu tư ổn định, đặc biệt trong các lĩnh vực bán lẻ, xây dựng, y tế, giáo dục và dịch vụ tiện ích.
Một nghiên cứu khác của Hong Leong Investment Bank Research ước tính mức độ giao thương trực tiếp của Malaysia với Mỹ hiện chiếm khoảng 7,2% GDP. Việc Mỹ áp thuế 25% đối với một số mặt hàng xuất khẩu của Malaysia có thể kéo giảm GDP từ 0,5 - 1,5 điểm phần trăm, tùy thuộc vào độ co giãn của cầu. Tuy nhiên, những tác động này có thể thấp hơn nếu thời gian áp thuế ngắn hoặc nếu Malaysia có các sản phẩm xuất khẩu khác thay thế.
Còn với Thái Lan, Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BOT) sáng 10/7 cũng đánh giá nền kinh tế nước này có nguy cơ sẽ chậm lại rõ rệt trong nửa cuối năm do các biện pháp thuế quan của Mỹ làm suy yếu xuất khẩu, động lực chính của nền kinh tế. Theo BOT, xuất khẩu nửa cuối năm dự kiến giảm 4% so với cùng kỳ năm trước và giảm tiếp 2% vào năm sau. Trước đó, xuất khẩu của Thái Lan đã tăng mạnh 14,9% trong 5 tháng đầu năm, do các doanh nghiệp tranh thủ đẩy hàng đi trước khi Mỹ kết thúc giai đoạn tạm ngừng thuế quan.
Phó Thống đốc BOT Piti Disyatat nhận định tăng trưởng GDP của Thái Lan năm 2025 có thể chỉ đạt 2,3% và giảm xuống còn 1,7% vào năm 2026, thấp hơn tiềm năng của nền kinh tế. BOT cảnh báo các rủi ro từ đàm phán thương mại, căng thẳng địa chính trị và bất ổn chính trị trong nước có thể tiếp tục gây thêm áp lực suy giảm.
Phóng viên TTXVN tại Bangkok dẫn thông báo của Đại học PhòngThương mại Thái Lan (UTCC) ước tính nước này có thể bị thiệt hại khoảng 200 tỷ baht (tương đương 6,14 tỷ USD) giá trị xuất khẩu, nếu Mỹ bị áp thuế từ 25% - 36% kể từ ngày 1/8. Chủ tịch UTCC Thanavath Phonvichai cho biết Chính phủ Thái Lan đang nỗ lực đàm phán để có thể đưa mức thuế này về 20% nhưng triển vọng đạt thỏa thuận vẫn chưa chắc chắn.
UTCC cũng cảnh báo nếu bất ổn chính trị gia tăng vào cuối năm khiến gói kích thích kinh tế bị đình trệ, tăng trưởng GDP của Thái Lan có thể mất thêm 1 điểm phần trăm, xuống dưới mức 1%. Trong kịch bản tiêu cực, nếu thuế quan cao bị áp dụng kéo dài cả năm, giá trị xuất khẩu của Thái Lan có thể sẽ bị sụt giảm 400 - 600 tỷ baht (12,27 - 18,41 tỷ USD).
Niềm tin tiêu dùng và niềm tin đầu tư ở Thái Lan đang bị lung lay. Chỉ số niềm tin tiêu dùng tháng 6 giảm xuống còn 52,7 điểm, mức thấp nhất trong 28 tháng. Niềm tin đầu tư giảm tháng thứ 4 liên tiếp và xuống mức thấp nhất trong 30 tháng tại 46,7 điểm. Các doanh nghiệp bày tỏ lo ngại về rào cản thương mại mới, đà phục hồi du lịch chậm lại và thị trường lao động suy yếu. Trong khi đó, chỉ số mức độ việc làm giảm xuống dưới 40, cho thấy niềm tin vào khả năng duy trì việc làm cũng đang suy giảm mạnh.
Trước tình hình này, cộng đồng doanh nghiệp Thái Lan đã kêu gọi chính phủ đẩy nhanh các biện pháp kích thích kinh tế, tăng khả năng tiếp cận tín dụng, nỗ lực đàm phán để giảm thuế quan với Mỹ, đồng thời chủ động giải quyết các vấn đề ở khu vực biên giới với Campuchia để tránh gián đoạn chuỗi cung ứng.