Thuế quan đè nặng xuất khẩu của Nhật Bản, làm dấy lên nỗi lo suy thoái kinh tế

Xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng 6 đã giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước, nối dài mức giảm 1,7% của tháng 5, do lượng hàng giao tiếp tục giảm trong tháng thứ hai liên tiếp.

Xuất khẩu sang Mỹ giảm sâu nhất kể từ đại dịch Covid-19

Bức tranh xuất khẩu sụt giảm trong tháng 6 của Nhật Bản trái ngược với dự báo tăng 0,5% mà các nhà kinh tế đưa ra với Reuters. Nhật Bản chứng kiến xuất khẩu sụt giảm trong hai tháng liên tiếp, trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ chưa có bước đột phá.

Xuất khẩu sang Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, giảm 4,7% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm trước, còn lượng hàng xuất đi Mỹ giảm đến 11,4%, sâu hơn so với mức giảm 11% của tháng 5.

Nhật Bản đang phải đối mặt với mức thuế quan mới 25% mà Tổng thống Mỹ Donald Trump ấn định có hiệu lực vào ngày 1/8. Mức thuế này cao hơn 1 điểm phần trăm so với mức 24% được ông Trump công bố lần đầu tiên vào ngày 2/4.

Tổng thống Mỹ hôm 16/7 đã nhắc lại rằng mức thuế 25% sẽ áp dụng đối với hàng nhập khẩu từ Nhật Bản, đồng thời cho biết ông không kỳ vọng sẽ đạt được một thỏa thuận rộng hơn với quốc gia này.

Mức giảm 11,4% trong xuất khẩu của Nhật Bản sang Mỹ là mức giảm lớn nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020, theo ông Marcel Thieliant, trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Capital Economics.

Xuất khẩu ô tô sang Mỹ có đóng góp “nền tảng” cho nền kinh tế Nhật Bản, chiếm 28,3% tổng lượng hàng xuất khẩu trong năm 2024. Ảnh: AFP

Xuất khẩu ô tô sang Mỹ có đóng góp “nền tảng” cho nền kinh tế Nhật Bản, chiếm 28,3% tổng lượng hàng xuất khẩu trong năm 2024. Ảnh: AFP

Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy xuất khẩu, bao gồm cả dịch vụ, đóng góp gần 22% GDP của Nhật Bản vào năm 2023.

Kể từ ngày 3/4 - một ngày sau khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch thuế đối ứng đối với hầu hết các đối tác thương mại, ô tô Nhật Bản nhập khẩu vào Mỹ đã phải đối mặt với mức thuế 25%. Theo dữ liệu hải quan, xuất khẩu ô tô sang Mỹ có đóng góp “nền tảng” cho nền kinh tế Nhật Bản, chiếm 28,3% tổng lượng hàng xuất khẩu trong năm 2024.

Tuy nhiên, dữ liệu từ Bộ Thương mại Nhật Bản cho thấy xuất khẩu ô tô, bao gồm ô tô con, xe buýt và xe tải, sang Mỹ đã giảm 26,7% trong tháng 6, tiếp nối mức giảm 24,7% của tháng 5.

Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản dường như đang tăng cường giảm giá để giữ thị phần. Trong khi khối lượng xuất khẩu ô tô sang Mỹ tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước, thì giá trị xuất khẩu ô tô lại lao dốc 25,3%.

"Một phần nguyên nhân chỉ đơn giản là do đồng yên mạnh lên vì hàng xuất khẩu sang Mỹ thường được thanh toán bằng đô la Mỹ. Nhưng phần lớn là do việc giảm giá, khi các nhà sản xuất ô tô dường như đã hấp thụ gần như toàn bộ mức thuế quan 25% của Mỹ mà ông Trump áp đặt vào tháng 4 vào biên lợi nhuận của họ", ông Thieliant phân tích.

Các mức thuế mới của Tổng thống Trump có thể đẩy nền kinh tế Nhật Bản vốn phụ thuộc vào xuất khẩu rơivào suy thoái, các nhà phân tích nhận xét với đài CNBC.

Nền kinh tế Nhật Bản đã suy giảm trong quý I/2025 so với quý trước do xuất khẩu suy yếu, và nếu tiếp tục suy giảm trong quý II sẽ khiến nền kinh tế này rơi vào vòng nhận diện của một cuộc suy thoái kỹ thuật.

Vào ngày 8/7, nhà đàm phán hàng đầu của Nhật Bản, ông Ryosei Akazawa, được cho là đã nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận nào với Mỹ cũng phải bao gồm các nhượng bộ về ô tô cho quốc gia này.

Ông Ryosei Akazawa cũng gạt bỏ mọi thời hạn, bao gồm cả thời hạn áp thuế mới vào ngày 1/8 của Mỹ, đồng thời khẳng định rằng ông sẽ không hy sinh ngành nông nghiệp của Nhật Bản vì một thỏa thuận sớm.

Đầu tháng này, Tổng thống Trump đã nhắm vào ngành lúa gạo của Nhật Bản khi đăng tải thông tin trên mạng xã hội Truth Social rằng Nhật Bản "sẽ không nhận GẠO của chúng tôi" bất chấp tình trạng thiếu gạo trong nước.

Năm 2024, Nhật Bản đã nhập khẩu hơn 350.000 tấn gạo từ Mỹ - quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất sang Nhật Bản trong năm đó.

Nhật Bản cân nhắc mở cửa thị trường

Ông Takeshi Niinami, cố vấn kinh tế cấp cao của Thủ tướng Nhật Bản, cho biết nước này có thể đã có lập trường quá cứng rắn trong các cuộc đàm phán thuế quan với Mỹ.

"Tôi nghĩ ngay từ đầu, Nhật Bản đã không chấp nhận mức thuế 10%, kể cả là 10%. Tôi nghĩ Nhật Bản nên xác định rằng mức thuế 10% là bắt buộc", ông Niinami phát biểu trên đài CNBC.

Cố vấn Niinami, đồng thời là CEO của nhà sản xuất đồ uống Nhật Bản Suntory Holdings, đang đề cập đến mức thuế cơ sở 10% mà chính quyền Tổng thống Trump đã áp dụng với các đối tác thương mại trên toàn cầu, ngay cả đối với các quốc gia có thâm hụt thương mại với Mỹ.

Các quan chức Nhật Bản, bao gồm cả nhà đàm phán hàng đầu Ryosei Akazawa, đã kêu gọi Mỹ xóa bỏ thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Nhật Bản kể từ tháng 4.

Tuy nhiên, ông Niinami không cho rằng, Nhật Bản nên chấp nhận mức thuế quan 25% của Mỹ một cách dễ dàng. "Chúng ta nên thể hiện lập trường rằng Nhật Bản sẽ mở cửa thị trường, chẳng hạn các rào cản phi thuế quan đối với tiêu chuẩn an toàn của ô tô [và] chúng ta nên thảo luận về cách thức thống nhất về việc nhập khẩu nhiều hơn nông sản".

Tuy nhiên, cố vấn kinh tế cấp cao của Thủ tướng Nhật Bản cho rằng, quyết định mở cửa thị trường cho nhiều mặt hàng nông sản được đưa ra vào thời điểm gây tranh cãi, khi mà cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản sắp diễn ra vào ngày 20/7. Kết quả cuộc thăm dò gần đây của Nikkei cho thấy liên minh cầm quyền của Thủ tướng Shigeru Ishiba đang có nguy cơ mất thế đa số tại Thượng viện.

Quyết định mở cửa nhập khẩu nông sản có thể khiến nông dân Nhật Bản xa lánh, những người vốn được coi là cơ sở ủng hộ truyền thống cho đảng Dân chủ Tự do cầm quyền.

"Ít nhất là trước ngày bầu cử 20/7, Nhật Bản phải thể hiện thiện chí và lập trường để giải quyết và đồng thuận với Mỹ", cố vấn Niinami nhận định.

Đông Phong

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thue-quan-de-nang-xuat-khau-cua-nhat-ban-lam-day-len-noi-lo-suy-thoai-kinh-te-d334045.html