Thuế tiêu thụ đặc biệt ôtô: Cần tính toán phương án để 'nói phải củ cải cũng nghe'

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho hay, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô cần phải đảm bảo hài hòa các yếu tố như thu ngân sách nhà nước, môi trường, ổn định sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, công ăn việc làm cho người lao động, định hướng tiêu dùng…

Sáng 1/8, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) và Hiệp hội các nhà sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA) tổ chức Hội thảo về “Dự thảo Quy định sửa đổi về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ôtô: Tác động và kiến nghị”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban môi trường kinh doanh và Năng lượng cạnh tranh, CIEM cho hay, Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) (sửa đổi) với việc điều chỉnh một số nội dung quan trọng. Trong đó, Luật thuế TTĐB hướng tới định hướng tiêu dùng tiết kiệm nhiên liệu có nguồn gốc hóa thạch và khuyến khích sử dụng xe có động cơ thân thiện với môi trường; phù hợp với xu hướng phát triển; đồng thời đảm bảo thống nhất với hệ thống pháp luật liên quan.

 Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch VTCA phát biểu.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch VTCA phát biểu.

Theo bà Thảo, ôtô là một trong những mặt hàng được điều chỉnh bởi Luật thuế TTĐB. Tại dự thảo Luật được Bộ Tài chính trình có những sửa đổi liên quan tới mặt hàng này. Những sửa đổi này chắc chắn sẽ có tác động lớn đến các doanh nghiệp trong ngành ôtô cũng như các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, và cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho ngành.

Báo cáo đánh giá tác động của dự thảo quy định về thuế TTĐB đối với xe hybrid, xe pickup chở hàng cabin kép, đại diện Công ty TNHH Thuế và Tư vấn KPMG cho hay, xe điện hybrid tự sạc (HEV) và xe điện hybrid sạc điện riêng (PHEV) là các phương tiện thân thiện với môi trường, hỗ trợ khắc phục các khó khăn trong quá trình điện khí hóa. Tuy nhiên, việc thiếu chính sách hỗ trợ cùng mức giá bán cao hơn xe ICE khiến tỷ lệ sử dụng xe HEV và PHEV chưa cao.

Để thúc đẩy phát triển xe điện, VAMA đề xuất áp dụng ưu đãi thuế TTĐB đối với xe động cơ xăng kết hợp năng lượng điện (xe hybrid), trong đó, xe HEV áp dụng 70% mức thuế suất áp dụng cho xe chạy bằng xăng, dầu cùng loại (hiện tại là 100%); xe PHEV áp dụng mức thuế 50% mức thuế suất áp dụng cho xe chạy bằng xăng, dầu cùng loại (hiện tại là 70%).

Theo đánh giá của KPMG, giảm thu ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 23.544 tỷ đồng nếu thực hiện theo đề xuất của VAMA. Mặc dù vậy, việc giảm thuế suất thuế TTĐB cho HEV/PHEV phù hợp với xu hướng ngành ôtô và lộ trình chuyển đổi từ xe động cơ đốt trong (ICE) sang xe thuần điện (BEV). Điều này phù hợp với chuyển đổi năng lượng xanh theo Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng, thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 và COP28. 2. Ưu đãi cho HEV/ PHEV tuy có thể làm giảm thu trong ngắn hạn, nhưng mang lại các lợi ích khác về kinh tế, môi trường, ngành và xã hội tương đương.

Bên cạnh đó, VAMA cũng đề xuất giữ nguyên mức thuế suất thuế TTĐB như hiện hành đối với dòng xe pick-up chở hàng cabin kép.

Mức thuế suất TTĐB Bộ Tài chính đang đề xuất: “Bằng 60% mức thuế suất áp dụng cho xe quy định tại điểm 4a của Biểu thuế”. Theo nghiên cứu của KPMG, từ 2026 - 2030, phương án đề xuất làm giảm 36% lượng tiêu thụ xe (khoảng 51.000 chiếc), và 21% nguồn thu ngân sách nhà nước (khoảng 7,7 nghìn tỷ đồng). Mục tiêu tăng thu ngân sách nhà nước không đạt được.

Trong khi đó, chi phí mua xe tăng khoảng 60-70 triệu đồng/xe, ảnh hưởng bất lợi, làm cản trở đến hoạt động sản xuất, kinh doanh đang rất khó khăn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và các hộ kinh doanh cá thể. Tăng chi phí đầu tư và phát triển tại các khu vực vùng sâu vùng xa. Ảnh hưởng xấu đến việc làm của người lao động trong một số doanh nghiệp ôtô. Làm tăng chi ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp và cơ quan Chính phủ…

Với đề xuất của VAMA, nhóm nghiên cứu cho rằng, sẽ ưu tiên ổn định chính sách, tránh xáo trộn, để nuôi dưỡng nguồn lực cho doanh nghiệp trong giai đoạn chuyển đổi. Duy trì chính sách thuế, phí hiện hành, giúp duy trì sản xuất lắp ráp trong nước, việc làm cho người lao động. Bảo đảm và củng cố niềm tin của nhà đầu tư về sự ổn định của chính sách, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Bà Trần Hồng Nguyên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi Luật Thuế TTĐB là cần thiết. Tuy nhiên trong giai đoạn Covid-19 vừa qua, cần có lộ trình phù hợp để doanh nghiệp phát triển, đất nước phát triển, người lao động có công ăn việc làm, định hướng việc tiêu dùng và điều tiết thu ngân sách nhà nước.

Bà Nguyễn Thị Cúc cho biết, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô cần phải đảm bảo hài hòa các yếu tố như thu ngân sách nhà nước, môi trường, ổn định sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, công ăn việc làm cho người lao động, định hướng tiêu dùng…

Tuy nhiên, theo bà Cúc, bên cạnh chính sách thuế cần có chính sách đồng bộ để khuyến khích người tiêu dùng chuyển sang dòng xe điện, thân thiện với môi trường.

“Khi đưa ra phương án tính thuế mới, ban soạn thảo cũng cần tính toán phương án “nói phải củ cải cũng nghe”, để đảm bảo hợp lý các yếu tố. Đây là vấn đề khó nhưng tôi hi vọng với sự đóng góp ý kiến nhiệt huyết của các bộ, ban, ngành, chuyên gia, doanh nghiệp… dự thảo Luật sẽ đạt được sự đồng thuận”, Chủ tịch VTCA nhấn mạnh.

An Nhiên

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/thue-tieu-thu-dac-biet-oto-can-tinh-toan-phuong-an-de-noi-phai-cu-cai-cung-nghe-d50744.html