Thuế TNCN đối với chứng khoán, làm thế nào để thu đúng, thu đủ?
Theo chuyên gia cao cấp về Thuế Nguyễn Văn Phụng, cách tính Thuế TNCN trong hoạt động kinh doanh chứng khoán theo thu nhập hoặc cho phép cá nhân lựa chọn miễn là số thuế nộp ngân sách nhà nước phải đủ theo luật là vấn đề thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Sáng 24/11, Trường Đại học Luật Hà Nội phối hợp với Báo Pháp luật Việt Nam, Tạp chí Pháp luật và Phát triển tổ chức Hội thảo khoa học Xây dựng và Hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội Đoàn Trung Kiên nhấn mạnh, thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh đi vào hoạt động với phiên giao dịch đầu tiên là sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN30 là sự kiện quan trọng của thị trường chứng khoán Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ 5 trong khu vực ASEAN và thứ 42 trên thế giới có thị trường chứng khoán phái sinh. Đây là những con số rất ấn tượng thể hiện vị thế của Việt Nam trên thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, do TTCK ở Việt Nam còn mới, hàng hóa và mức độ sôi động của giao dịch trên thị trường còn giới hạn. Do đó, việc đánh giá thực tiễn pháp lý ở Việt Nam, có tính tới những vấn đề kinh tế pháp lý trên phạm vi thị trường toàn cầu là cần thiết, xét cả góc độ hoàn thiện các quy định của pháp luật về chứng khoán phái sinh và sự phát triển bền vững TTCK.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề thuế đối với chứng khoán, Chuyên gia cao cấp về Thuế và Quản trị doanh nghiệp Nguyễn Văn Phụng cho biết, trải qua bốn giai đoạn cải cách thuế quan trọng, đến nay hệ thống thuế của Việt Nam đã có 9 sắc thuế chính, 1 cùng các loại phí, lệ phí và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước. TTCK Việt Nam được ra đời trong quá trình đổi mới nền kinh tế. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, tập trung xây dựng hệ thống luật pháp, thể chế, hình thành các loại thị trường.
Theo ông Phụng, pháp luật thuế quy định một số loại hình thuế, phí mà các giao dịch và chủ thể/đối tác tại TTCK đang áp dụng gồm: Thuế gián thu, thuế trực thu và phí, lệ phí.
Ông Phụng cho biết, theo thông lệ, thuế gián thu bao gồm các sắc thuế đánh vào giao dịch hàng hóa, dịch vụ trên thị trường, đây là loại thuế mà người nhập khẩu, người bán trực tiếp nộp thuế và bằng mọi cách tính đủ và cộng vào giá bán để đẩy cho người tiêu dùng phải gánh chịu. Điển hình là thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (XNK), Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Thuế doanh thu, Thuế giá trị gia tăng (GTGT)...
Với các quy định pháp luật hiện hành, bất kể tổ chức, cá nhân nào tham gia hoạt động trên TTCK, nếu có tiến hành các hoạt động nào hoạt động cung cấp thông tin, tổ chức bán đấu giá cổ phần của các tổ chức phát hành, hỗ trợ kỹ thuật phục vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến của Sở Giao dịch Chứng khoán đều thuộc diện không chịu thuế GTGT.
Chuyên gia về thuế này cũng khẳng định "Không thể thu thuế gián thu đối với chứng khoán và nên tiếp tục duy trì quan điểm này".
Đối với thuế trực thu (bao gồm Thuế thu nhập doanh nghiệp và Thuế thu nhập cá nhân). Cụ thể: Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp được xác định dựa trên căn cứ là thu nhập tính thuế và thuế suất. Thu nhập tính thuế trong một kỳ tính thuế là thu nhập chịu Thuế TNDN trong kỳ tính thuế đó, sau khi đã trừ đi khoản lỗ của các năm trước được chuyển sang năm nay (nếu có), trừ đi khoản trích lập Quỹ khoa học và công nghệ của doanh nghiệp theo quy định.
Thuế suất Thuế TNDN áp dụng đối với hoạt động kinh doanh chứng khoán hiện hành là 20% (thuế suất phổ thông). Trường hợp doanh nghiệp tiến hành nhiều hoạt động kinh doanh, trong đó nếu có hoạt động kinh doanh thuộc trường hợp ưu đãi thuế (thuế suất ưu đãi thấp hơn 20% trong thời hạn quy định, miễn thuế, giảm 50% thuế trong một số năm) thì phải hạch toán riêng hoạt động được ưu đãi thuế.
Thuế TNDN đối với các tổ chức đóng trụ sở tại Việt Nam thực hiện tạm nộp hàng quý và thực hiện khai quyết toán hàng năm vào thời gian không chậm hơn 90 ngày, kể từ khi kết thúc năm tính thuế.
Đối với các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài không có trụ sở tại Việt Nam nhưng nếu có tiến hành hoạt động kinh doanh chứng khoán, thu nhập từ việc cung cấp dịch vụ cho các công ty chứng khoán, cung cấp dịch vụ kỹ thuật cho các tổ chức khác trên thị trường chứng khoán, hoặc có thu nhập từ mua bán chứng khoán thông qua các tổ chức tại Việt Nam thì thực hiện nghĩa vụ Thuế TNDN trong khung khổ pháp luật về thuế nhà thầu nước ngoài.
Còn các cá nhân có thu nhập từ hoạt động kinh doanh chứng khoán sẽ thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân theo Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) số 04/2007/QH12 ngày 21/11/2007 và các văn bản hướng dẫn. Trong quá trình thực hiện, Luật Thuế TNCN đã được sửa đổi vào các năm 2012 và 2014, trong đó thuế TNCN đối với chứng khoán có sự thay đổi lớn từ năm 2015.
Từ kỳ tính thuế năm 2015, Thuế TNCN đối với chứng khoán áp dụng thống nhất thuế suất 0,1% tính trên trị giá bán chứng khoán. Cá nhân không phải kê khai quyết toán đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán.
Về điều này, chuyên gia đánh giá "có thể thấy, quy định mới có tác động giảm bớt các thủ tục cho các nhà đầu tư cá nhân trong việc kê khai quyết toán Thuế TNCN. Không phải kê khai doanh thu các lần giao dịch chuyển nhượng chứng khoán, chi phí giá vốn (giá mua) từng loại chứng khoán và các chi phí có liên quan (thực tế không thể nào nhớ hết, không tính được để kê khai. Đối với cơ quan quản lý thuế cũng không phải mất chi phí quản lý đối với các cá nhân, bởi tiền thuế đã được các công ty chứng khoán khấu trừ theo thực tế giao dịch.
Tuy nhiên, nếu xét về bản chất của thuế đánh trên thu nhập, việc áp mức thuế 0,1% trị giá giao dịch cũng phát sinh vấn đề công bằng và yêu cầu thu đúng, thu đủ. Trong trường hợp thị trường tốt và luôn tăng điểm thì mức thuế 0,1% mang lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư. Ngược lại, số thuế thu vào ngân sách nhà nước sẽ là chưa đủ, chưa sát với số phát sinh thực tế. Trong trường hợp thị trường trầm lắng hoặc ở giai đoạn suy thoái thì mức Thuế TNCN 0,1% sẽ trở thành một gánh nặng không nhỏ đối với nhà đầu tư cá nhân, và làm cho thuế này xa dần bản chất của Thuế TNCN (là loại thuế đánh trên thu nhập hiện thực).
Do vậy, việc có nên quay trở lại cách tính Thuế TNCN theo thu nhập, hoặc cho phép cá nhân lựa chọn 1 trong 2 cách (miễn là số thuế nộp ngân sách nhà nước phải đủ theo luật hoặc nhiều hơn thực tế theo kê khai) như Luật Thuế TNCN năm 2007 là vấn đề thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư".
Khác với thuế, phí và lệ phí có phân cấp cho chính quyền địa phương cấp tỉnh quy định cụ thể theo quy định của Luật Phí và lệ phí, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đối với lĩnh vực chứng khoán, các loại phí, lệ phí phải nộp do Bộ Tài chính quy định.
Các công ty chứng khoán, tùy thuộc vào chiến lược kinh doanh, mô hình tổ chức, quản trị, mức độ đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như các phương thức cung cấp dịch vụ phục vụ khách hàng được quyền tự quyết định mức thu phí dịch vụ. Đây là khoản thu hình thành nên doanh thu và thu nhập của các doanh nghiệp kinh doanh chứng khoán. Các doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện việc kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật thuế.
Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán do nhà nước thành lập hoặc thuộc sở hữu nhà nước (như Sở giao dịch chứng khoán, Tổng công ty lưu ký chứng khoán), cũng thực hiện nghĩa vụ thuế, phí và lệ phí theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, sau khi nộp đủ Thuế TNDN theo luật định, các đơn vị này còn phải thực hiện nghĩa vụ nộp vào ngân sách nhà nước khoản lợi nhuận sau Thuế TNDN theo quy định - Ông Phụng cho biết.
TS. Tạ Thanh Bình Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, việc thiết lập TTCK phái sinh tại Việt Nam đã được Chính phủ quan tâm và định hướng từ rất sớm. Ngày 11/03/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 366/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án xây dựng và phát triển TTCKPS tại Việt Nam” với những lộ trình và bước đi cụ thể.
Sau 6 năm hoạt động, TTCK phái sinh nói chung và sản phẩm Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: TTCK phái sinh đã có bước tăng trưởng tương đối tốt và ổn định, giao dịch sôi động và thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường, góp phần hoàn thiện cấu trúc TTCK, thị trường tài chính Việt Nam.
Cũng theo TS. Tạ Thanh Bình, TTCK phái sinh đã từng bước trở thành công cụ phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư. Trong giai đoạn thị trường giảm mạnh do tác động của cuối đại dịch Covid-19 năm 2022, thanh khoản thị trường phái sinh (hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30) ghi nhận khối lượng giao dịch bình quân tăng mạnh 43,8% so với năm 2021.
TS. Nguyễn Minh Hằng – Trưởng Bộ môn Luật Tài chính – Ngân hàng Trường Đại học Luật Hà Nội cho hay, sự xuất hiện của chứng khoán phái sinh được coi là điều tất yếu của quá trình phát triển ngày càng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, cũng giống như thị trường chứng khoán nói chung, thị trường chứng khoán phái sinh để tồn tại, hoạt động hiệu quả cần dựa trên hệ thống cơ sở pháp lý đầy đủ và phù hợp với thực tiễn.