Thuốc lá gây ra hơn 100 nghìn ca tử vong và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Mỗi năm Việt Nam có khoảng hơn 103 nghìn ca tử vong liên quan đến sử dụng thuốc lá. Sử dụng thuốc lá đã tạo nên gánh nặng bệnh tật làm suy giảm chất lượng nguồn lao động; cùng đó ngành công nghiệp thuốc lá còn là nguyên nhân gây ra những thiệt hại môi trường nghiêm trọng, góp phần gia tăng sự nóng lên toàn cầu.
Đây là những thông tin được các chuyên gia nhấn mạnh tại tọa đàm "Ảnh hưởng của ngành thuốc lá tới môi trường và biến đổi khí hậu tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp" do Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường phối hợp với Trung tâm Bảo vệ môi trường và Ứng phó biến đổi khí hậu (CEPVN) tổ chức chiều 28/3 ở Hà Nội.
Thuốc lá, yếu tố gây gánh nặng cho chi phí y tế, môi trường, sức khỏe nguồn lao động...
Chia sẻ tại tọa đàm, ThS Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho hay: Sử dụng thuốc lá là một trong nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong sớm; Thuốc lá chứa 7000 hóa chất, 69 chất gây ung thư; sử dụng thuốc lá gây nên 28 loại bệnh như: Ung thư; Tim mạch; Các bệnh về hô hấp và sinh sản…

ThS Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho hay tăng thuế là giải pháp quan trọng và hữu hiệu nhất để đạt mục tiêu kép giảm tiêu dùng, giảm bệnh tật, tử vong do thuốc lá gây ra và giúp tăng ngân sách nhà nước...
"Mỗi năm Việt Nam có hơn 84.500 ca tử vong do hút thuốc chủ động và 18.800 ca tử vong do các bệnh gây ra bởi phơi nhiễm với khói thuốc thụ động. Phần lớn những người tử vong vì bệnh liên quan đến thuốc lá là những người trong độ tuổi lao động, tử vong sớm. Gánh nặng bệnh tật do sử dụng thuốc lá sẽ rõ rệt hơn trong 10 - 20 năm tới khi những người hút thuốc hiện nay phải đối mặt với những tác động đến sức khỏe của việc sử dụng thuốc lá"- ThS Thu Hương nhấn mạnh.
Tại Việt Nam, theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng một năm (tương đương 1,14% GDP năm 2022).
Gánh nặng bệnh tật do sử dụng thuốc lá gây ra đe dọa khả năng Việt Nam đạt được các mục tiêu quốc gia về kiểm soát thuốc lá và y tế, cũng như cam kết đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) liên quan đến sức khỏe.
ThS Thu Hương cũng cung cấp thêm thông tin: Thuốc lá là nguyên nhân làm cho rừng bị tàn phá và ô nhiễm môi trường. Hàng năm có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá cũng như lấy gỗ để sấy thuốc lá. Ước tính mỗi năm cần 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá.
Việc sử dụng thuốc lá thải ra môi trường mỗi năm khoảng từ: 3.000 đến 6.000 tấn formaldehyde; 12.000 đến 47.000 tấn nicotine; 300 đến 600 triệu kg chất thải độc hại của các mẩu thuốc lá.
Các chuyên gia cũng đưa ra thông tại tọa đàm: Gánh nặng chi phí môi trường do thuốc lá gây ra là hơn 98 nghìn tỷ đồng/ năm (1,04% GDP tính theo năm 2022)
Chia sẻ thêm về tác động của thuốc lá đến môi trường, TS Nguyễn Đình Đáp, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, mỗi giai đoạn trong toàn bộ chuỗi cung ứng thuốc lá: từ quá trình trồng trọt, chế biến, đóng gói, vận chuyển đến khâu tiêu dùng và xử lý chất thải (đầu lọc, bao bì) đều gây ra ô nhiễm đất, nước, không khí và làm mất cân bằng hệ sinh thái sống của con người.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga - Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế tham luận tại tọa đàm.
Thêm vào đó, các sản phẩm như thuốc lá điếu, thuốc lá không khói và thuốc lá điện tử cũng góp phần vào việc tích tụ ô nhiễm nhựa. Đầu lọc thuốc lá chứa vi nhựa và là loại ô nhiễm nhựa cao thứ hai trên thế giới.
Thực tế cho thấy, thuốc lá thường được trồng ở các nước đang phát triển, nơi có nhu cầu thiết yếu về nước và đất nông nghiệp để sản xuất lương thực cho khu vực. Thay vào đó, những nguồn tài nguyên này đang được sử dụng để trồng những cây thuốc lá, trong khi nạn phá rừng ngày càng nhiều.
Hơn nữa, những chi phí cho việc làm sạch chất thải của ngành công nghiệp thuốc lá do những người nộp thuế trên khắp thế giới phải gánh chịu là rất lớn.
Cần tăng thuế thuốc lá để đạt mục tiêu kép
Ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường cho biết, nhận thức được tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người và gánh nặng kinh tế do thuốc lá gây ra, Việt Nam đã ban hành và thực thi các chính sách nhằm ngăn chặn và kiểm soát tác hại của thuốc lá như: Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030; các Nghị định, Quyết định và Thông tư hướng dẫn về kiểm soát tác hại của thuốc lá...
Đặc biệt, công tác nghiên cứu, đánh giá tác hại của thuốc lá tới sức khỏe đã được Việt Nam triển khai từ khá sớm và công tác truyền thông về tác hại của thuốc lá tới sức khỏe cũng được thực hiện khá bài bản.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Minh Lý, nghiên cứu về những tác động của thuốc lá tới môi trường tại Việt Nam còn khá mới mẻ, cần tiếp tục nhận được sự quan tâm đúng mức từ cơ quan quản lý và cộng đồng nói chung.

Ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường phát biểu.
Thông tin tại tọa đàm, các chuyên gia y cho hay, thuế và giá thuốc lá ở Việt Nam hiện ở mức thấp so với các quốc gia trên thế giới cũng như so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực.
Việt Nam đã 3 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá: 2008 tăng mức thuế suất từ 55% lên 65%; 2016 tăng từ 65% lên 70%; và 2019 tăng từ 70% lên 75%, tuy nhiên các chuyên gia cho hay với mức tăng thuế suất thấp (5% - 10% với mỗi lần tăng), cơ sở tính thuế dựa trên giá xuất xưởng thấp và khoảng cách thời gian giữa các lần tăng thuế tương đối dài nên mức tăng giá do tăng thuế là không đáng kể.
Trong bối cảnh đó, cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá là vô cùng cần thiết. Cải cách thuế thuốc lá được thực hiện càng sớm sẽ giúp cứu sống nhiều người, giảm tổn thất kinh tế, xã hội.
Để đạt được hiệu quả giảm tiêu dùng thuốc lá, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo cần cải cách chính sách thuế thuốc lá theo hướng: Bổ sung thuế tuyệt đối (để chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp) với mức đủ lớn và tăng thuế theo một lộ trình đều đặn để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức thuế tối ưu là chiếm 75% giá bán lẻ để góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá.
Nhấn mạnh đến sự cần thiết sử dụng đồng bộ các giải pháp phòng, chống, giảm thiểu tác hại của thuốc lá, Ths. Nguyễn Thị Thu Hương cho rằng, thuế là giải pháp quan trọng và hữu hiệu nhất để đạt mục tiêu kép để giảm tiêu dùng, giảm bệnh tật, tử vong và giúp tăng ngân sách nhà nước.
Theo đó, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá sẽ điều tiết tiêu dùng, tạo ra nguồn thu ngân sách đáng kể để đầu tư vào các dự án phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện các mục tiêu Phát triển bền vững của Việt Nam.