Thuốc lá thế hệ mới: Khoa học kiểm chứng, chính phủ tăng kiểm soát

WHO liên tục cảnh báo tính gây hại của các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới vì ngoài nicotin, các sản phẩm này còn chứa các chất gây hại có trong thuốc lá điếu dù ở hàm lượng thấp hơn.

Chính phủ Trung Quốc chính thức đưa sản phẩm thuốc lá thế hệ mới vào diện kiểm soát. (Ảnh Global Times)

Chính phủ Trung Quốc chính thức đưa sản phẩm thuốc lá thế hệ mới vào diện kiểm soát. (Ảnh Global Times)

Theo báo cáo tiến độ Toàn cầu về việc Thực hiện Công ước Khung FCTC năm 2018, trong 102 quốc gia có thuốc lá thế hệ mới hiện diện trên thị trường thì mới chỉ có 63 quốc gia là có khung quản lý áp dụng cho các sản phẩm này.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các nước cần quản lý thuốc lá thế hệ mới khi không thể ngăn cấm hoàn toàn sự phổ biến của những sản phẩm này trên toàn cầu.

Chỉ tính riêng các nước châu Á, đến nay đã có những quốc gia tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… đã thương mại hóa và đưa vào kiểm soát các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.

Gần đây nhất, Trung Quốc, thị trường thuốc lá thế hệ mới lớn nhất trên toàn cầu, cũng đã đưa sản phẩm này vào diện kiểm soát của nhà nước.

Thuốc lá thế hệ mới gia tăng hiện diện

Tại thị trường cung cấp thuốc lá điện tử lớn nhất thế giới là Trung Quốc, theo công ty nghiên cứu thị trường Frost & Sullivan, doanh số bán thuốc lá điện tử toàn cầu được dự đoán sẽ có mức tăng trưởng hàng năm lên tới 25% trong giai đoạn từ năm 2019-2024. Trong khi đó, tỷ lệ này ở thuốc lá truyền thống chỉ là 5,2%.

Thực tế thị trường thuốc lá điện tử từ nhiều năm nay chỉ tăng không giảm không chỉ tại Trung Quốc mà còn nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, thị trường toàn cầu của các sản phẩm thuốc lá điện tử có nicotin và không có nicotin năm 2015 ước tính đạt gần 10 tỷ USD. Khoảng 56% thị phần này thuộc về Hoa Kỳ và 12% thuộc về Anh. 21% thị phần được phân chia giữa Trung Quốc, Pháp, Đức, Italy và Ba Lan (3-5% mỗi quốc gia).

Trong khi đó thuốc lá làm nóng, một sản phẩm khác hoàn toàn với thuốc lá điện tử nhưng thuộc nhóm ngành hàng thuốc lá thế hệ mới, cũng đã hiện diện tại ít nhất 70 quốc gia trên toàn cầu.

Số liệu của các công ty thuốc lá đang sở hữu danh mục các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đều công bố doanh thu tăng trưởng trên toàn cầu. Vì vậy các công ty này đều cùng đặt ra mục tiêu các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới sẽ thay thế dần thuốc lá điếu - loại sản phẩm thuốc lá có mức gây hại cao nhất trên chuỗi nguy cơ, theo công bố của WHO.

Nghiên cứu khoa học song hành cùng kiểm soát kinh doanh

Cho đến nay, WHO liên tục cảnh báo tính gây hại của các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới vì ngoài nicotin, các sản phẩm này còn chứa các chất gây hại có trong thuốc lá điếu dù ở hàm lượng thấp hơn.

Đặc biệt với thuốc lá điện tử, trong dung dịch tinh dầu còn chứa Propylene glycol (cồn không màu), Glycerin, chất tạo mùi… đều có thể gây hại khi dùng ở liều cao. Bên cạnh đó còn có nguy cơ cháy nổ thiết bị nếu không đạt tiêu chuẩn an toàn.

Tuy nhiên, bất chấp dịch COVID-19 hoành hành, tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá điện tử trên thế giới không hề giảm.

Báo cáo của một công ty sản xuất thuốc lá điện tử hàng đầu Trung Quốc cho biết, lợi nhuận của họ trong 6 tháng đầu năm 2020 tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 1,3 tỷ nhân dân tệ, còn doanh thu tăng 18,5%.

Trả lời cho sự tăng trưởng ngoài dự kiến này, các chuyên gia nhận định số lượng người bỏ thuốc lá điếu tăng lên do bị đánh thuế, đồng thời các tác hại của thuốc lá điếu đã được chứng minh. Do vậy, khi có giải pháp thay thế khác, nhiều người hút thuốc đã lựa chọn chuyển đổi.

Trước thực trạng phổ biến của thuốc lá thế hệ mới, Tổ chức Y tế Thế giới một mặt vẫn tiếp tục nghiên cứu toàn diện các ảnh hưởng của loại hình sản phẩm, mặt khác đã ban hành hướng dẫn kiểm soát thuốc lá thế hệ mới trong nhiều năm qua.

Để giúp các nước sớm quản lý mọi loại thuốc lá thế hệ mới, WHO đã phân loại thuốc lá làm nóng là sản phẩm thuốc lá để các nước có thể dựa vào đó có cơ sở quản lý ngay loại sản phẩm này theo luật kiểm soát thuốc lá hiện hành của quốc gia.

Còn với thuốc lá điện tử, WHO cũng đã ban hành một bộ hướng dẫn quản lý đầy đủ và chuyên sâu ngay ở kỳ họp Hội nghị Các bên lần thứ 7 (COP7) diễn ra vào năm 2016.

Tại Mỹ, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) trong vòng ba năm qua đã cho phép những sản phẩm thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử hệ thống đóng (closed system) đạt tiêu chuẩn khoa học về mức độ giảm tác hại hơn so với thuốc lá điếu.

Quốc gia này cũng yêu cầu nhà sản xuất phải cam kết chính sách quản lý, kiểm soát sản phẩm khi được phép thương mại.

Ngay trước Trung Quốc, vào tháng 3/2021, Tổng thống Uruguay cùng tất cả các bộ trưởng (bao gồm cả Bộ Y tế Cộng đồng) đã ký đồng thuận thu hồi lệnh cấm ban hành trước đó đối với các sản phẩm thuốc lá làm nóng sau nhiều năm kiểm soát chặt chẽ sản phẩm này.

Quyết định này được Chính phủ quốc gia Nam Mỹ tuyên bố là “nhằm tìm kiếm giải pháp tốt hơn cho sức khỏe cộng đồng”./.

PV (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/thuoc-la-the-he-moi-khoa-hoc-kiem-chung-chinh-phu-tang-kiem-soat/758411.vnp